05/04/2014 14:53 GMT+7 | World Cup 2018
(giaidauscholar.com) - Các CĐV Algeria hô to “dàn xếp” khi Tây Đức và Áo đá một trận “đóng tuồng” để có được tỉ số như mong muốn, cùng dắt tay nhau vào vòng sau tại World Cup Espana 1982 ở Tây Ban Nha. Người ta gọi đó “nỗi hổ thẹn ở Gijon”.
Bạn phải lấy làm tiếc cho những CĐV trẻ ngày nay, khi họ không hề được chứng kiến những kẻ xấu tính đích thực ở World Cup. Đúng là pha chơi bóng bằng tay của Luis Suarez năm 2010 đáng bị lên án, nhưng đó chỉ là một tình huống cá nhân, chứ không phải một toan tính tập thể của 22 con người.
Tại World Cup 1990, Argentina từng tìm ra cách để chôn vùi mọi vẻ đẹp trong bóng đá: Tập sút phạt đền thật nhiều và đưa đối thủ tới chấm luân lưu. 4 năm trước đó có Uruguay, với một đội bóng gồm toàn những cầu thủ tinh quái đến điên rồ mà Chủ tịch LĐBĐ Anh Ernie Walker khi đó gọi họ là “những kẻ tâm thần của thế giới bóng đá”.
Màn kịch trơ trẽn
Và đỉnh cao phải là Tây Đức vào năm 1982, với hai “tội ác” không ai sánh được. Trong trận bán kết gặp Pháp, thủ thành Harald Schumacher đã có pha vào bóng tàn bạo, cố tình và không nhân nhượng với Patrick Battiston, khiến cầu thủ này phải ra sân bằng cáng trong cảnh bất tỉnh nhân sự. Nhưng “tội ác” lớn hơn của tuyển Tây Đức không phải bởi sự quyết liệt khi chơi bóng, mà bởi sự thiếu quyết liệt. Chiến thắng 1-0 của họ trước Áo, một kết quả vừa đủ để loại Algeria đầy quả cảm khỏi giải, sau này được gọi là “Nichtangriffspakt von Gijon” (hiệp ước bất tương xâm Gijon).
Vấn đề không chỉ là màn kịch giữa hai đội, vấn đề là nó quá trơ trẽn. Thật ra, tuyển Tây Đức đã mang tới Tây Ban Nha một đội hình với quá nhiều cầu thủ cá tính, mà vai trò của HLV Jupp Derwall là hết sức mờ nhạt. Để giải thích, vào ngày trước khi diễn ra trận chung kết World Cup, Derwall nói trong một cuộc phỏng vấn rằng Karl-Heinz Rummenigge không thích hợp đá chính các trận đấu lớn. Trong cuộc phỏng vấn tiếp theo, Rummennigge nói ông sẽ đá chính. Và quả thật, ông đã đá chính.
Sự kiêu ngạo của Đức được thể hiện rõ ở trận mở màn gặp Algeria. Tây Đức khi đó là nhà đương kim vô địch châu Âu, vượt qua vòng loại với 8/8 trận thắng (bao gồm 2 trận trước Áo), ghi 33 bàn. Các đội bóng châu Phi tới thời đó vẫn còn chưa được đánh giá cao ở World Cup, dù Pele từng nói năm 1977 rằng một đội châu Phi sẽ vô địch World Cup trước năm 2000.
Trước trận, một cầu thủ Đức nói: “Chúng tôi sẽ dành tặng 7 bàn thắng cho vợ chúng tôi, còn bàn thứ 8 là cho các chú chó của chúng tôi”. Một người khác nói sẽ vừa chơi bóng vừa hút xì gà. Derwall cũng không chiếu băng ghi hình các trận đấu của Algeria cho các cầu thủ vì sợ sẽ bị các học trò cười nhạo, đồng thời nói ông sẽ lên xe lửa về nhà ngay nếu Tây Đức thua trận. Rốt cuộc, Algeria thắng 2-1, một trong những bất ngờ lớn nhất lịch sử World Cup.
Algeria thua trận tiếp theo 0-2 trước Áo, trong khi Tây Đức đè bẹp Chile. Ở trận cuối cùng vòng bảng, Algeria dẫn Chile (đã bị loại) 3-0 trong hiệp 1. Ở thời điểm đó, Algeria sẽ trở thành đội châu Phi đầu tiên vượt qua vòng bảng World Cup trừ khi một tỉ số không tưởng (4-3, 5-4…) xảy ra ở trận Tây Đức-Áo. Tuy nhiên trong hiệp 2, Chile gỡ lại 3-2, và giờ Algeria gặp khó. Họ sẽ đi tiếp nếu Áo không thua, hoặc Tây Đức thắng từ 3 bàn trở lên. Tình hình đã phức tạp càng thêm rối rắm vì sự thù địch Tây Đức - Áo. Ở kỳ World Cup trước, Áo có chiến thắng vào loại lớn nhất trong lịch sử của họ trước Tây Đức, được gọi là “điều kỳ diệu ở Cordoba”, dù đó là một trận đấu không còn ý nghĩa.
Tây Đức, mới có 2 điểm, sẽ bị loại nếu không thắng. Họ đã vào cuộc đúng như đòi hỏi và ở phút 11, tiền đạo Horst Hrubesch ghi bàn từ một quả tạt của Pierre Littbarski. Bài tường thuật trận đấu đơn giản kết thúc ở đó, khi cả hai đội đá nốt phần còn lại một cách vật vờ để giữ nguyên tỉ số vốn giúp cả hai sẽ xếp trên Algeria trong bảng đấu. 10 phút cuối cùng đặc biệt tệ hại, tẻ nhạt và không thể biện minh.
Cả thế giới phẫn nộ
Tất cả mọi người đều thấy phẫn nộ và ghê tởm trận đấu. Bình luận viên của đài truyền hình Áo Robert Seeger yêu cầu người xem tắt ti-vi và bày tỏ sự phản đối với việc không nói một lời nào trong phần thời gian cuối trận. Bình luận viên người Đức Eberhard Stanjek thì nói: “Những gì diễn ra ở đây thật đáng hổ thẹn và không liên quan gì tới bóng đá. Dù cho bạn có nói gì, mục đích không phải lúc nào cũng có thể biện minh cho phương tiện”.
Hàng nghìn CĐV Algeria trên khán đài cũng phẫn nộ, hét vang “Dàn xếp! Dàn xếp!” Một số người đốt tiền trên sân, nhiều người khác tìm cách nhảy xuống sân. Các CĐV chủ nhà Tây Ban Nha cũng rất tức giận và một CĐV người Đức đã đốt chính lá quốc kỳ của Tây Đức trên khán đài.
Sau trận đấu, cơn thịnh nộ còn lớn hơn. LĐBĐ Algeria đệ đơn phản đối chính thức lên FIFA. Tây Đức bị chính báo chí ở quê nhà rủa xả không tiếc lời. “THẬT ĐÁNG HỔ THẸN!” là tít bìa của tờ Bild. Một tờ báo TBN gọi đó là “sự cố Anschluss” (ám chỉ sự sáp nhập Áo vào Đức thời Quốc xã). Một tờ báo Hà Lan gọi trận đấu là “bóng đá khiêu dâm”.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất