25/12/2015 13:14 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Nhường đường trong quá trình lưu thông không chỉ là một quy định bắt buộc, mà còn là một nét văn hóa tại nhiều quốc gia văn minh, vừa đảm bảo an toàn, vừa tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.
Ở Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, cảnh tắc đường diễn ra hàng ngày, nhất là vào các giờ cao điểm buổi sáng và chiều. Ngoài vấn đề hạ tầng không đáp ứng kịp với tốc độ các phương tiện thì còn một lý do khác dẫn đến cảnh tắc đường triền miên, đó là ý thức của những người tham gia giao thông.Một khi ra đường, đặc biệt trong những giờ cao điểm, thì ai cũng vội, ai cũng muốn được đi trước, đi nhanh nên nguy cơ xung đột về giao thông, đặc biệt tại các khu vực giao nhau là điều khó tránh khỏi. Đường hẹp, người đông, khi đó nếu không ai chịu nhường ai thì việc ách tắc là hệ quả tất yếu. Trong một số trường hợp khác, việc không tuân thủ các quy tắc nhường đường còn dẫn đến những vụ tai nạn thảm khốc, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Quy tắc dừng hoàn toàn
Ở Mỹ, cũng như nhiều nước phát triển khác, các phương tiện giao thông buộc phải dừng lại hoàn toàn (FULL STOP) ở các giao lộ không có đèn tín hiệu giao thông. Tại các giao lộ này sẽ có các biển báo dừng chờ (STOP SIGN).
Khi các xe chạy đến giao lộ, bên nào có biển dừng chờ sẽ phải nhường quyền ưu tiên đi trước cho bên không có biển báo dừng chờ. Trong trường hợp không có xe nào khác ở các chiều ưu tiên, lái xe vẫn cứ phải dừng lại hoàn toàn, đếm nhẩm từ một đến ba (3 giây) trước khi cho xe tiếp tục lăn bánh.
Nếu cả 4 chiều đều có biển báo STOP SIGN (phía dưới có thêm biển ALL WAY hoặc 4 WAY) thì việc lưu thông sẽ theo thứ tự xe nào đến trước được chạy trước (First Come First Go). Ở giao lộ có STOP SIGN, mỗi lần chạy chỉ được một xe mà thôi, các xe khác phía sau phải chờ và mỗi xe đều phải thực sự dừng lại ngay trước STOP SIGN rồi mới được chạy.
Trong khi ở Mỹ cũng như châu Âu, quy tắc STOP SIGN luôn được tuân thủ cực kỳ nghiêm túc thì tại Việt Nam, các lái xe dường như không mấy chú ý đến vấn đề này, và nhiều vụ tai nạn đáng tiếc, thậm chí nghiêm trọng, đã xảy ra do cùng lúc có nhiều xe cùng lao nhanh vào giao lộ từ nhiều hướng. Đặc biệt, việc đi từ trong ngõ (đường không ưu tiên) ra đường lớn (đường ưu tiên), mặc dù có biển cảnh báo chú ý quan sát nhưng không phải ai cũng để ý và tuân thủ.
Ở Ba Lan, trong trường hợp xảy ra tắc đường thì các phương tiện đều rất tự giác trong việc nhường đường cho nhau, chia sẻ không gian và cơ hội lưu thông cho mọi hướng đi. Các phương tiện sẽ đi tuần tự, mỗi hướng chỉ có một phương tiện di chuyển, các phương tiện ở phía sau xếp hàng chờ đến lượt mình, theo quy tắc cài răng lược. Nhờ vậy, các phương tiện đi từ mọi hướng đều được di chuyển, dù với tốc độ chậm hơn nhưng sẽ không xảy ra hiện tượng ách tắc, kẹt cứng tại các nơi giao nhau.
Nhường đường cho người đi bộ
Người đi bộ là đối tượng ưu tiên đặc biệt trong quá trình tham gia giao thông. Khi có người đi bộ xuất hiện trên đường, dù không đúng vạch dành riêng cho người đi bộ, các lái xe ở Mỹ và châu Âu vẫn phải dừng xe, nhường quyền ưu tiên lưu thông cho người đi bộ. Luật pháp các nước này quy định như vậy, và việc nhường đường cho người đi bộ luôn là một nét văn hóa đặc trưng. Nếu chẳng may xảy ra va chạm với người đi bộ thì đó thực sự là một thảm họa đối với các lái xe, khi họ phải đối mặt với các án phạm nghiêm khắc và nguy cơ bồi thường rất lớn.
Không chỉ băng qua đường, người đi bộ còn được bảo vệ khi đi trên vỉa hè, ở khu vực dành riêng cho người đi bộ. Ở Đức, khi lái xe trong điều kiện đường ướt, nếu chẳng may chiếc xe chạy qua khiến nước bắn vào người đi bộ trên vỉa hè, người lái hoàn toàn có thể bị kiện ra tòa, và trong trường hợp này luật pháp không đứng về phía người lái ôtô. Một số nước con quy định các ô tô điện, vốn gần như không gây ra tiếng ồn, phải lắp hệ thống phát ra âm thanh giả tiếng động cơ để người đi bộ dễ nhận biết, nhằm đảm bảo an toàn tối đa.
Trong số những người đi bộ, được ưu tiên hơn cả là học sinh. Khi xe bus chở học sinh dừng bên đường và bật đèn cảnh báo, các phương tiện đi sau đều phải dừng lại để nhường đường. Một số trường hợp, các xe bus còn có biển báo STOP được chìa ra, báo hiệu cho các xe phía sau dừng lại, vì có thể có học sinh băng qua đường. Tương tự, khi tàu điện dường ở giữa đường để đón - trả khách tại các bến, dòng phương tiện phía sau cùng chiều cũng phải dừng lại, không được phép vượt lên từ cả hai phía.
Nhường đường góp phần giúp việc lưu thông trở nên dễ dàng và an toàn hơn, trách được nguy cơ ách tắc và tai nạn, qua đó tiết kiệm về mặt thời gian, kinh tế và hạn chế được các nguy cơ đối với môi trường.
Đông Hà
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất