01/08/2017 16:07 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Theo cựu tuyển thủ QG Châu Lê Phước Vĩnh cũng như Lê Quốc Vượng, thước đo lớn nhất để gán tên thế hệ vàng cho một lứa cầu thủ là danh hiệu. Ở khía cạnh này, U22 Việt Nam vẫn còn thiếu.
“U22 Việt Nam vẫn chưa có thành tích nổi bật”
Sẽ là không quá lời nếu nhìn nhận rằng sau lứa cầu thủ vô địch AFF Suzuki Cup 2008 gồm Công Vinh, Việt Thắng, Tấn Tài... thì lứa cầu thủ U22 Việt Nam hiện tại mang đến nhiều kỳ vọng cho người hâm mộ.
Sự đầu tư bài bản, có quy mô toàn quốc từ nhiều Trung tâm bóng đá, địa phương giúp bóng đá nước nhà có lứa cầu thủ trẻ đầy tiềm năng. Theo nhìn nhận của Châu Lê Phước Vĩnh thì sự đồng đều là điểm mạnh của lứa cầu thủ U22 Việt Nam hiện tại.
“Thế hệ này có trình độ tốt trong các lứa cầu thủ gần đây của bóng đá Việt Nam. Họ là tập hợp của những cầu thủ có trình độ đồng đều, không quá chênh lệch giữa những cầu thủ đá chính và dự bị. Lối chơi được đình hình rõ ràng, phối hợp nhỏ , ban bật đẹp mắt. Tuy nhiên, nhược điểm vẫn nằm ở hàng hậu vệ”, Phước Vĩnh cho biết.
Theo trung vệ cùng thời với Văn Quyến, Quốc Vượng, Huỳnh Quốc Anh này thì mỗi thế hệ có một xu hướng bóng đá và cách đào tạo khác nhau nên không thể so sánh thế hệ này với thế hệ khác.
“Không thể so sánh thế hệ này với thế hệ khác. Mỗi thời kỳ có sự biến đổi khác nhau. Bóng đá thời anh Huỳnh Đức, Hồng Sơn khác hoàn toàn với bóng đá thời hiện đại. Bóng đá bây giờ là sự khoa học, từ tập luyện, nghỉ ngơi, dinh dưỡng cho đến thi đấu. Hệ thống chiến thuật rõ ràng hơn các thời kỳ trước.
Mỗi thời đại có xu hướng khác nhau. Ở thời kỳ trước chủ yếu là chơi theo ngẫu hứng còn hiện tại thì chiến thuật đóng vai trò rất quan trọng. Cần sự khoa học và vận dụng linh hoạt các chiến thuật thì mới có thể tạo nên khác biệt”, cầu thủ của CLB TPHCM chia sẻ.
Theo Phước Vĩnh, dù đã có một vài thành tích ở các giải trẻ nhưng chưa thể gọi U22 Việt Nam là thế hệ vàng. “Lứa này chưa có thành tích nổi bật nên không thể gọi là thế hệ vàng. Kể cả lứa anh Huỳnh Đức cũng không có vàng, dù thế hệ của anh rất hay với những bậc đàn anh xuất sắc. Còn nếu nói thế hệ vàng thì phải nói năm 2008. Danh hiệu là thước đo để nói đến thế hệ đó. Cũng giống như đi làm, phải có thành tích mới báo cáo được”, cựu trung vệ ĐTQG bày tỏ.
“U22 Việt Nam cần chứng tỏ ở giải đấu lớn”
Dưới góc nhìn của một cựu tuyển thủ từng được xem là thế hệ vàng cùng Văn Quyến, Thanh Bình, Hữu Thắng… những năm đầu của thập kỷ trước, cựu tiền vệ Lê Quốc Vượng nêu quan điểm rằng: “Để gọi là thế hệ vàng thì thế hệ đó phải có nhiều cầu thủ giỏi, được nhiều người hâm mộ biết đến. Ngày xưa có thế hệ của các anh Hữu Thắng, Hồng Sơn, Hoàng Bửu, Đỗ Khải, Huỳnh Đức… rồi sau đó đến thế hệ của chúng tôi với những Văn Quyến, Thanh Bình… Đặc biệt, họ phải tạo ra những cảm xúc khó tả, đi sâu vào lòng người mà người hâm mộ không bao giờ quên”.
Với tiêu chí đó, U22 Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được khi những cái tên như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… đã quá quen thuộc với người hâm mộ cùng những cung bậc cảm xúc khó tả. Song, theo cựu tuyển thủ QG này, mấu chốt là các cầu thủ đó cần tạo nên cảm xúc đặc biệt ở các giải đấu lớn.
“Các em vẫn chưa tạo ra những cảm xúc khó tả ở các giải đấu lớn như SEA Games, AFF Cup hay VCK U23 châu Á. Khi các em thể hiện được ở các giải đấu đó để tạo ra những cảm xúc với người hâm mộ thì tự khắc sẽ được khán giả thừa nhận, đi vào lòng người. Đó là quan điểm của cá nhân tôi còn quan điểm về thế hệ vàng thì tùy ở mỗi người và có là thế hệ vàng hay không thì người hâm mộ sẽ là người phán xử”, cựu tiền vệ gốc Nghệ An chia sẻ.
Diễm Quỳnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất