NTK Võ Việt Chung: Vẫn thấy mình chậm trễ với Hà Nội

22/12/2009 01:00 GMT+7 | Văn hoá

Tôi biết Võ Việt Chung là người rất có tài. Tôi nghe Võ Việt Chung là người đàn ông nổi tiếng và cao ngạo. Và tôi đã gặp Võ Việt Chung giữa một chiều đông Hà Nội khi anh đang rất bận rộn cho lễ khai trương showroom thương hiệu áo dài Võ Việt Chung của anh tại thủ đô Hà Nội. Trò chuyện với anh, tôi thấy anh là người thú vị. Những thông tin về anh trên báo chí có lẽ chỉ mới là ba phần nổi của tảng băng có bảy phần chìm về con người ấy - tâm hồn ấy - tài năng ấy.

Đường đến thành Rome vừa xa vừa gần

Võ Việt Chung đã từng khiến người trong giới, báo chí và công chúng có cảm giác shock khi anh tuyên bố xanh rờn: “Hãy tách tên tôi ra khỏi thời trang Việt”. Ngày hôm nay, khi được hỏi về chuyện thẳng thắn đến mất lòng của anh ngày xưa, anh cười hiền lành, không lảng tránh, không lập lờ, cũng không còn kiểu giận dỗi đầy xúc cảm ngày xưa. Anh nói một năm thay đổi đến bốn mùa, con người cũng đổi thay theo thời gian, lứa tuổi, môi trường sống và công việc. Bây giờ Võ Việt Chung đã “ngấm” rằng có thể cùng một câu nói đó, nếu để trong bối cảnh câu chuyện, trong văn cảnh cụ thể thì đã rất khác khi câu nói được tách bạch ra một cách ngạo nghễ. Anh nói vậy không phải vì anh quá kiêu hãnh với thương hiệu Võ Việt Chung trong dòng chảy thời trang Việt mà đơn giản một điều thời điểm đó anh không nằm trong hội, nhóm, tổ chức thời trang nào. Tính Chung thẳng – ai tiếp xúc cũng cảm nhận được điều đó. Sự thẳng ấy cộng hưởng với một tâm hồn đắm đuối với nghề thiết kế, với một trái tim của người Việt trẻ đã học thiết kế ở Italia, đã tham dự rất nhiều tuần lễ thời trang tại những kinh đô hoa lệ hàng đầu thế giới, rõ ràng sự ấm ức, tủi hờn, sự tự ái của anh cũng được ví như một ý thơ “cũng vì yêu quá đó thôi”. Có lẽ những dằn dỗi ấy được thốt lên từ một trái tim, khối óc không dửng dưng, vô cảm với sự phát triển của thời trang Việt. Nếu mượn câu nói mọi người đang dùng cho những mỹ nhân showbiz: “Hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp” thì có lẽ xin dành câu nói ấy cho Chung với sự thay đổi từ ngữ: “Hãy tha thứ cho chàng vì chàng có tài và có tâm”. Trò chuyện thân tình giữa một buổi chiều xám nhạt, Chung mở lòng: “Bây giờ câu nói ấy cũng đã là quá khứ và tôi cũng gần như đã lãng quên. Tôi không phải là người thích nói về mình, không thích đánh bóng mình.

Hãy tin giữa thời buổi vàng thau lẫn lộn, giữa những chiêu bài công nghệ đánh bóng của showbiz Việt đang trong giai đoạn phát triển, những gì Chung nói là rất đỗi chân thành. Bạn bè thân thiết đều biết anh có những mối quan hệ có thể giúp lăng xê anh dễ như trở bàn tay, người thân quen đều biết Chung có thực lực và thực lực ấy đã được ghi nhận với những thành tích đáng mơ ước của bất cứ nhà thiết kế nào: Năm 2006, anh được UNESCO trao huy hiệu và bằng khen về việc khôi phục chất liệu vải lãnh Mỹ A. Năm 2007, là một trong ba ứng viên là nhà thiết kế cho một bộ phim của Hollywood. Anh cũng là nhà thiết kế đầu tiên của Việt Nam được kênh truyền hình thời trang số một thế giới FTV mời ghi hình. Cùng với sự nỗ lực của siêu mẫu BeBe Phạm, những bộ sưu tập ấn tượng như Cô ba xứ Việt, Phượng Sài Gòn, Ngọc Viễn Đông của Chung đã khiến FTV “để mắt” đến thời trang Việt. Tháng 11 – 2007, tàu FTV đã cập Bến Nhà Rồng để thực hiện một bữa tiệc thời trang trên con tàu nổi tiếng khắp thế giới. Được biết, hiện nay, FTV đã có văn phòng đại diện tại Việt Nam – chẳng phải đó là những thông tin tốt lành cho thời trang đất nước hình chữ S? Vậy nhưng thảng hoặc Chung mới gật đầu chịu xuất hiện trên báo chí, cũng chỉ nói những câu chuyện về nghề.

Võ Việt Chung yêu nghề đắm đuối. Sự đắm đuối ấy không phải được biểu hiện bằng những tuyên ngôn, những tung hê vô thưởng vô phạt trên báo chí, mà sự say mê ấy được gửi gắm trong những sản phẩm cầu kỳ, tinh tế trong từng đường kim mũi chỉ. Nếu ai đã nhìn thấy được sự say sưa long lanh đến từ đôi mắt, sự miệt mài bên bản vẽ quên thời gian, sự cẩn trọng với từng họa tiết nhỏ, sự gần gũi thân thiện yêu chiều với khách hàng, ít nhiều cũng đã cảm được rằng với Chung, nếu không có thời trang trong cuộc sống khác nào là ngày anh không được hít thở không khí, ánh sáng và nước.

Tôi luôn có cảm giác, với Chung, thời trang đã thành máu thịt, thành hơi thở, thành phần hồn phần túy trong con người anh.

Đã học về thời trang tại kinh đô thời trang số một thế giới Rome, đã tiếp xúc và kết bạn với nhiều nhà thiết kế ở các khu vực thời trang khắp năm châu, Võ Việt Chung thấm đẫm một điều thời trang của chúng ta đã có sự thay đổi nhưng để nói chuyên nghiệp hóa thì chưa. Anh nói anh đi nhiều để thấy được còn đó những kém cỏi, những hạn hẹp, để thấy chúng ta cần phải nỗ lực và học hỏi rất nhiều chứ không thể “mẹ hát con khen hay” với nhau được. Khao khát đưa thời trang Việt tiệm cận với thời trang thế giới – đó là khao khát chung, nhưng bài toán nan giải đó không phải một sớm một chiều là xong và con đường đến thành Rome, Paris, London, NewYork… sẽ vừa xa vừa gần.

Bắt tay thực hiện chiếc áo dài 1000m

Khi được hỏi tại sao năm nay anh không mặn mà với việc thiết kế cho các đại diện Việt Nam tại các cuộc thi sắc đẹp lớn, Võ Việt Chung nói: Sau những lùm xùm với chuyện áo dài cho Hoa hậu Thùy Lâm mặc tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2008 thì với anh bây giờ những điều như vậy không quan trọng trong cuộc sống. Năm đó, anh được đặt thiết kế trang phục áo dài cho 85 hoa hậu đến từ 85 quốc gia trên thế giới. Thùy Lâm - thí sinh chủ nhà - yêu cầu mặc áo dài của một nhà thiết kế khác. Tất nhiên, sau đó, Thùy Lâm xuất hiện trong trang phục của anh cùng với 85 thí sinh khác. Nhưng sự kiện đó cũng làm anh suy nghĩ rất nhiều. Phàm đã là những người làm công việc sáng tạo, ai cũng có tự trọng, tự tôn và kiêu hãnh của cá nhân mình, nhất là với một người mà tên tuổi đã được khẳng định. Võ Việt Chung cho rằng: “Tôi đâu cần chờ đến Thùy Lâm hay vin và hy vọng vào Thùy Lâm để nổi tiếng, để lăng xê cho tên tuổi của mình? Áo dài của tôi đã được công nhận. Vì vậy, tôi mới được mời đến tham gia thiết kế đó chứ?”.

Sau lình xình đó, nhiều bạn bè của anh là những nhà thiết kế ở khắp nơi trên thế giới đã nhắn nhủ anh rằng, với những nhà thiết kế có thương hiệu, đừng bận lòng đến những điều đó, Chung phải phát triển thương hiệu, tham gia các tuần lễ thời trang để được đông đảo công chúng quan tâm đến, chứ chỉ chăm chăm vào một cô nào đó, để làm gì đâu?

Chung suy ngẫm và thấy ý kiến đó hợp lý. Anh cho rằng trong cuộc sống nên biết bỏ những thứ không cần thiết để tập trung sức lực, tâm huyết vào những mục tiêu, dự án lớn hơn, biết bỏ những thứ “ngắn” âu cũng là để nhìn được xa hơn và sức đi được bền hơn. Với tâm lý tự tại, anh cho rằng việc tranh giành thiết kế cho cô này cô kia là điều vớ vẩn và mắc cười. Một chiếc áo của cô hoa hậu không thể nào làm nên thương hiệu cho mình. Thương hiệu có được phải đến từ cả một quá trình phấn đấu và được đông đảo khách hàng tin tưởng, trân trọng.

Trên tinh thần phấn chấn đó, anh đã mở một showroom áo dài và thương hiệu thời trang VOV tại Hà Nội để được gần gũi và chăm sóc khách hàng thủ đô nhiều hơn như anh mong muốn. Gần 15 năm trong nghề, anh đúc rút ra rằng có đến 60% khách hàng của anh đến từ Hà Nội, nhưng họ thường phải đặt hàng qua mạng, gửi mua qua bưu điện, qua người thân, thậm chí nhiều khách hàng phải bay vào TP. HCM để mua được áo dài của Chung. Điều đó khiến anh phân vân và quyết định “Bắc tiến” như một lời cảm tạ, tri ân và mở rộng con đường đến với những khách hàng thân thiết của anh. Anh cười vui: “Bây giờ, tôi có thể tự tay chỉnh lại cái hoa, gợi ý khách hàng choàng thêm cái khăn màu gì, đeo nữ trang ra làm sao, xách thêm cái túi như thế nào, tôi rất hạnh phúc”. Sau điểm dừng Hà Nội, người đàn ông tham vọng của làng thiết kế thời trang Việt sẽ bắt tay hợp tác với những đối tác tại Singapore, Thượng Hải… để đưa thương hiệu áo dài Võ Việt Chung đến những không gian rất mới. Anh cũng vui vẻ tiết lộ anh đã bắt tay thực hiện chiếc áo dài 1000m từ năm 2007 và hiện đang trong giai đoạn hoàn thành, để mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Đứng lặng ngắm nhìn phố xá, con người thủ đô từ cửa hiệu đầu tiên của anh tại đất Hà thành, Võ Việt Chung không giấu được sự xúc động. Với anh, con người ở đây từ ánh mắt đến nụ cười đều rất đỗi nên thơ, thân thiện và thú vị, nhất là những cô gái đất kinh kỳ, đã mang đến cho anh những cảm xúc tốt lành trong sáng tạo. Anh nói nhỏ với tôi rằng có lẽ anh vẫn tiếc vì sự chậm trễ này và anh tin những cảm xúc nuối tiếc ấy sẽ được anh bù lại bằng những bộ sưu tập áo dài mang được hơi thở của mảnh đất thiêng.

Theo PL&XH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm