2 nữ nghệ sĩ Pháp và duyên nợ với thơ Trần Đăng Khoa

27/11/2011 10:43 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tại Ami Art Gallery (số 48/10- Điện Biên Phủ, TP.HCM) vừa khai mạc triển lãm mang tên Gặp gỡ nhà thơ Trần Đăng Khoa (mở cửa tới 30/11). Triển lãm trưng bày 37 bức tranh minh họa thơ Trần Đăng Khoa. Đồng thời một tập thơ song ngữ Pháp- Việt mang tên: 37 Bài thơ Trần Đăng Khoa (NXB Hội Nhà văn, 2011) cũng chính thức ra mắt bạn đọc.

TT&VH xin giới thiệu bài viết của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy- tác giả công trình Con đường gốm sứ, người bạn thân thiết của họa sĩ Dominique de Miscault về triển lãm đặc biệt này.


Nữ họa sĩ Dominique de Miscault

1. Năm 1971, NXB Les Editeurs Francais Reunis (EFR) đã xuất bản một tuyển tập ba mươi bài thơ thời niên thiếu của Trần Đăng Khoa qua bản dịch của Xuân Diệu, Nguyễn Khắc Viện và Hữu Ngọc tựa đề Le Chant continu (Lời ca liên tục), với lời tựa do Francoise Correze viết năm 1970 tại Hà Nội. Ấn bản xinh xắn với số lượng hạn chế chẳng mấy chốc bị "tuyệt bản".

Thời gian trôi qua, nhà xuất bản EFR không còn nữa. Ở nước Pháp, những bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa và bản in đầu tiên đã rơi vào quên lãng .

Năm 2005 ở Hà Nội, nhà văn Lady Borton và nhà ngoại giao Trịnh Ngọc Thái đã phát hiện được cuốn vở gốc thuộc sở hữu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó có 21 bài thơ Trần Đăng Khoa viết tay nắn nót để kính tặng Bác Hồ năm 1968.

Ngay năm 2006, bản song ngữ Việt- Anh của tập thơ này với bản dịch của nhà văn Lady Borton, Fred Marchant, Nguyễn Bá Chung và Trịnh Ngọc Thái đã ra mắt độc giả.

Chính bản dịch Việt - Anh này đã tới tay nữ họa sĩ Pháp Dominique de Miscault và dịch giả Michele Sullivan. Cả hai người đều rất thích tập thơ này. Trong khi Dominique quyết định vẽ tranh để minh họa những bài thơ này thì Michele Sullivan vào dịch. Michele Sullivan tâm sự: "Đọc những bài thơ của thi sĩ thần đồng, tôi rất thú vị. Sự tươi mát, trí tưởng tượng và những tình cảm tinh tế của mỗi bài gây ra trong tôi sự thích thú và kích thích tôi gắng sức chuyển tải qua bản dịch. Tập thơ đã dịch xong rồi, bây giờ liệu có thể xuất bản hay chăng? Một lần nữa sự ngẫu nhiên đã làm thay đổi dòng chảy sự việc. Tôi đi thăm Hà Nội cùng với Dominique. Dominique giới thiệu tôi gặp Trần Đăng Khoa. Nhà thơ có vẻ nghĩ ngợi: “Ừ thì thơ thời trẻ, nhưng nay phải tính đến việc giới thiệu phần tiếp sau…”. Thế là anh tặng tôi một tuyển tập gồm những bài thơ sáng tác cho đến năm 1992, và ngỏ ý muốn tôi dịch khoảng ba chục bài do anh chọn lọc. Với sự giúp đỡ của dịch giả Hoàng Thị Phượng, 37 bài thơ của Trần Đăng Khoa đã được hoàn thiện bản dịch mà theo tôi là xứng tầm với nguyên tác. Những bài thơ trong tập thơ này toát ra cái bay bổng, trí tưởng tượng phong phú, sự dễ thương, nỗi nhớ nhung và tinh thần nhân bản của Trần Đăng Khoa. Tôi ước mong chúng tới được với bạn đọc người Pháp”.

Sau 5 năm làm việc hợp tác giữa họa sĩ Dominique de Miscault, dịch giả Michele Sullivan và Hoàng Thị Phượng với tác giả, tập thơ song ngữ Pháp - Việt của Trần Đăng Khoa trên nền minh họa của họa sĩ Dominique de Miscault mang tên: 37 bài thơ Trần Đăng Khoa (NXB Hội Nhà văn, 2011) đã chính thức ra mắt bạn đọc vào sáng 22/11 tại Ami Art Gallery (số 48/10- Điện Biên Phủ, TP.HCM).

Cuốn sách thơ được trình bày đẹp, công phu, gửi gắm trong đó sự đồng cảm và tình yêu đối với thơ Trần Đăng Khoa. Và như lời nhận xét khiêm tốn của thi sĩ: “Một căn phòng Hữu nghị Pháp - Việt ấm áp, giản dị được xây đắp bởi ba con người rất nhỏ bé: Nhà thơ, Họa sĩ và Dịch giả”. 


Thơ Trần Đăng Khoa được Dominique de Miscault minh họa

2. Nhân dịp ra sách, tại đây cũng khai mạc triển lãm: Gặp gỡ nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Triển lãm trưng bày 37 bức tranh minh họa của nữ họa sĩ Dominique de Miscault cho 37 bài thơ. Nữ họa sĩ Dominique de Miscault tâm sự: “Thơ của Khoa luôn “vẽ” được nhiều hình ảnh cụ thể thế giới cuộc sống: tình cảm gia đình, thiếu nhi Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh, các con vật thương yêu… Tranh minh họa của tôi bắt đầu từ mối đồng cảm này. Nhưng nét vẽ của tôi được diễn tả bằng những chuyển động của màu sắc và thể hiện một cách trừu tượng”

Nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ về triển lãm: “Lần đầu tiên tôi được ngắm những bài thơ của mình. Ấy là khi những con chữ giản dị của tôi được biến hóa và nghệ thuật hóa bằng những đường nét, màu sắc qua tài nghệ của họa sĩ Dominique de Miscault. Những cảnh sắc quen thuộc của Việt Nam mà như lần đầu chúng ta nhìn thấy. Bằng con mắt từng trải của một họa sĩ Pháp, người đã chiêm ngưỡng cảnh sắc của nhiều bến bờ trái đất, chị đã phát hiện ra những vẻ đẹp Việt Nam mà nhiều khi vì quá quen thuộc, chúng ta lại không nhìn ra. Dominique minh họa cho những bài thơ của tôi. Nhưng tôi lại thấy, hình như chính những bài thơ của tôi lại minh họa cho những bức tranh vừa sáng tỏ lại vừa bí ẩn của chị”.


                Nguyễn Thu Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm