Những Hoàng Xuân Vinh ở Olympic

12/08/2016 05:43 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Hoàng Xuân Vinh đã đi vào lịch sử khi phá kỷ lục Thế vận hội ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam, đồng thời mang về chiếc HCV đầu tiên cho Việt Nam. Ở nội dung 50m súng ngắn hơi sau đó, Hoàng Xuân Vinh giành tiếp một HCB.

Xạ thủ này lập tức trở thành người hùng trong con mắt người hâm mộ quê nhà. Người ta không ngại gọi anh là "huyền thoại".

Tại Olympic Rio, có nhiều Hoàng Xuân Vinh như thế

Majlinda Kelmendi đứng trên bục chiến thắng với nụ cười rạng rỡ. Một chiếc huy chương vàng vừa được đeo quanh cổ Kelmendi. Không chỉ có vậy, cô gái 25 tuổi đã trở thành VĐV đầu tiên giành HCV Olympic cho Kosovo khi chiến thắng ở hạng cân 52 kg judo.

Tại Olympic, sự chú ý thường được tập trung cho các cường quốc thể thao dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương như Mỹ, Trung Quốc, Anh quốc... Nhưng ở phía dưới BXH đó, một cuộc cạnh tranh cũng diễn ra khốc liệt không kém, giữa những quốc gia nhỏ bé hơn với hy vọng có được dù chỉ một chiếc huy chương.

Hidilyn Diaz, VĐV giành HCB cử tạ, đã kết thúc cơn khát huy chương Olympic kéo dài 20 năm qua của Philippines. Ngay lập tức, cô nhận được tin nhắn chúc mừng từ Tổng thống Rodrigo Duterte. Người đứng đầu đất nước đã nói với Diaz rằng cô là niềm tự hào, đã mang vinh quang về cho đất nước.

'Hoàng Xuân Vinh là một VĐV đẳng cấp'

'Hoàng Xuân Vinh là một VĐV đẳng cấp'

Họ đã gắn bó với anh suốt những ngày qua, và cả trước đó. Hơn ai hết, họ là người hiểu anh hơn cả. Hãy nghe Trưởng đoàn Trần Đức Phấn, HLV Nguyễn Thị Nhung, xạ thủ Trần Quốc Cường tâm sự sau chiến tích đặc biệt của Hoàng Xuân Vinh.


Diaz hay Kelmendi không phải là ngôi sao tầm cỡ quốc tế như Michael Phelps hay Usain Bolt. Tuy nhiên, với niềm khát khao chấm dứt cơn khát huy chương, sự hiện diện của họ tại Olympic đối với người dân ở quê nhà còn quan trọng hơn rất nhiều.

Vinh quang của dân tộc

Tại Olympic Rio, hơn 70 quốc gia chưa từng giành được huy chương nào. Kể cả đất nước rộng lớn như Ấn Độ, cũng hiếm khi có VĐV đại diện đứng trên bục trao giải ở một kỳ Thế vận hội. Vì vậy, họ đến Rio với rất ít cơ hội giành được vinh quang. Thông thường, niềm hy vọng của toàn đoàn chỉ đặt vào một vài cá nhân hoặc nhóm VĐV.

Với Fiji, niềm tin của họ dành trọn cho đội bóng bầu dục nam. Hôm thứ Năm, họ đã vào tới bán kết của môn thể thao vừa trở lại Olympic sau 92 năm vắng bóng. Trong khi đó, Ấn Độ đang khát khao có được huy chương ở môn khúc côn cầu nam. Lần gần nhất họ cầm trên tay huy chương ở môn thi này là năm 1980.

"Đó là thứ mà cả cuộc đời tôi theo đuổi. Đó là giấc mơ tôi luôn muốn biến thành sự thực", đội trưởng Sreejesh Parattu thổ lộ.

Và khi khát khao của họ thành hiện thực, những cảm xúc trở nên vỡ òa. Diaz đã khóc như mua sau khi giành HCB môn cử tạ hạng cân 58kg. Đó là huy chương đầu tiên của Philippines kể từ Thế vận hội Atlanta năm 1996. Chiến thắng cũng giúp Diaz quên đi nỗi đau bại trận tại Bắc Kinh và London.

"Tôi đã vấp ngã nhiều lần và có lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng niềm tự hào dân tộc thôi thúc tôi bước tiếp. Tôi đã cố gắng rất nhiều và những hy sinh của tôi đã được đền đáp".

Những VĐV như Diaz không có nguồn lực tài chính lớn để giúp cho chặng đường tới vinh quang dễ dàng hơn. Họ cũng chẳng có cả tá đồng đội tài năng sẵn sàng gánh những áp lực của sự kỳ vọng. Chỉ có nỗ lực cá nhân của họ mà thôi.

Nhưng vượt lên trên hết thảy, họ đã làm nên những kỳ tích. Những Hoàng Xuân Vinh, Diaz hay Kelmendi không chỉ đem về cho dân tộc của họ niềm tự hào trên đấu trường thể thao quốc tế. Thành công của họ còn là động lực cho VĐV ở những quốc gia nhỏ bé tiếp tục nỗ lực, vươn lên để mong một ngày chạm tới vinh quang. Như VĐV Parattu thổ lộ: "Nhìn họ, bây giờ chúng tôi không đến Olympic chỉ để 'tham gia' nữa, chúng tôi tới đây để kiếm tìm chiến thắng".


Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm