20/01/2016 07:02 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Đầu năm 2016, biên đạo múa Hoàng Hải nhận danh hiệu NSND. Ông rưng rưng chia sẻ: “Đây không chỉ là vinh dự của riêng tôi. Sự tôn vinh này còn là lời khích lệ rất lớn với các điệu múa dân gian xứ Thanh, di sản từng gặp nhiều thách thức trong việc bảo tồn”.
Một tháng trước khi nhận danh hiệu này, ở tuổi 70, ông Hải vẫn đi về giữa Hà Nội và Thanh Hóa vào mỗi dịp cuối tuần. Đó là lúc ông tham gia một thử nghiệm táo bạo: đưa trò diễn dân gian Xuân Phả vào vở bi kịch cổ điển Hamlet của Shakespeare.
Thử nghiệm với trò Xuân Phả
Đạo diễn Hamlet, NSND Anh Tú, kể: “Nếu không gặp được chú Hải, có lẽ chúng tôi đành chịu với ý tưởng ấy”. Vài năm trước, Anh Tú từng có dịp xem múa Xuân Phả và sớm bị “hớp hồn” bởi những trình thức nghệ thuật độc đáo của trò diễn dân gian này. Thế nhưng, ngược xuôi tìm kiếm, nhiều biên đạo múa vẫn lắc đầu khi nghe anh nói, bởi quá khó để tạo nên sự kết hợp giữa trò diễn dân gian với bi kịch cổ điển phương Tây. May mắn, NSND Lê Ngọc Cường, một biên đạo gốc Thanh Hóa khác, “mách” với Anh Tú: “Phải về Thanh Hóa, tìm Hoàng Hải”.
Cuộc gặp gỡ với ông Hải đã xua hết những lăn tăn của đạo diễnHamlet. Hàng chục năm lao tâm khổ tứ với Xuân Phả, biên đạo múa Hoàng Hải tự tin khẳng định: dù có xuất phát điểm là một trò diễn dân gian, múa Xuân Phả lại đầy ắp những yếu tố của văn hóa cung đình, với những diễn xướng mô phỏng cảnh 5 nước chư hầu đến chầu tại “sân rồng” của triều đình Đại Việt.
NSND Hoàng Hải kể: “Suy đi tính lại, chúng tôi chỉ chọn lớp Hoa Lang, một trong 5 lớp diễn của hội trò Xuân Phả. Chỉ cần mặc lên người bộ phục trang Hoa Lang, nhân vật đã mở ra cả một thế giới riêng biệt đầy biến ảo với những sấp - ngửa, đỏ - đen từ chiếc mặt nạ da bò, cũng như từ 2 mặt xoay chuyển của cây quạt trên tay. Các diễn xướng này lại được cách điệu và phát triển xa hơn, bổ sung thêm những động tác cơ thể phù hợp với tính chất của câu chuyện”.
“Nghề nào cũng có Trạng Nguyên”...
Câu khẩu ngữ ấy lại càng đúng với giới biên đạo múa - khi mà bên cạnh những NSND Đặng Hùng với múa Chăm (Khánh Hòa) hay Lê Khình với múa dân gian miền núi phía Bắc, cái tên của biên đạo múa Hoàng Hải vẫn gắn liền với trò múa Xuân Phả. Và để có được sự định danh như vậy, ông Hải cũng đã mất hàng chục năm lao tâm khổ tứ quanh hội trò dân gian này.
Tốt nghiệp khóa 1 trường Múa Việt Nam, về công tác tại đoàn Ca múa Thanh Hóa, nay là Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn, ông Hải là người khăn gói đến làng Xuân Phả (Hà Trung, Thanh Hóa) ngay từ thập niên 1970 để tìm hiểu về trò diễn độc đáo này từ các nghệ nhân cao tuổi. Từ vốn tri thức dân gian ấy, trò Xuân Phả được ông từng bước, từng bước đưa lên sân khấu chuyên nghiệp bằng bàn tay dàn dựng của mình.
Sự thực, hàng chục tấm huy chương qua các kỳ Hội diễn của ông Hải không chỉ có sự góp mặt của Xuân Phả. Đó còn là những sáng tác lấy chất liệu từ rất nhiều nguồn văn hóa dân gian xứ Thanh khác như múa “chèo trải”, “hò sông Mã”, rồi múa truyền thống của các dân tộc Thái, Dao, Mường… Thế nhưng, nếu lựa chọn, rõ ràng sự “lột xác” của múa Xuân Phả là thành quả tiêu biểu nhất cho lao động nghệ thuật của nhà biên đạo múa này.
Trong cuộc trò chuyện, NSND Hoàng Hải hào hứng chia sẻ với PV Thể thao & Văn hóa một đề án đang theo đuổi nhiều năm nay: đưa múa Xuân Phả trở thành loại hình Carnaval đường phố để biểu diễn tại Khu du lịch Sầm Sơn.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất