GÓC ANH NGỌC: Có một Parma đã qua đời

21/03/2015 07:44 GMT+7 | Bóng đá Italy

(giaidauscholar.com) - Người Parma giận dữ. Họ cảm thấy mình đã bị lừa, và tình yêu của họ bị chà đạp. Kênh Sky Italia phát sóng cảnh họ đang biểu tình trước sân Ennio Tardini và đòi công lí thực thi với những kẻ đã đưa Parma vào tình cảnh hiện tại. 

Còn các cầu thủ của đội bóng xứ Emilia, đã sống trong sự khắc khoải kéo dài nhiều tháng vì một tương lai u ám, thấy mình như bị mắc kẹt trong một con tàu đắm. Parma không còn nữa. Cái chết đến với họ lần thứ 2 trong vòng 11 năm qua, sau vụ phá sản xảy ra vào Hè 2004. Nhưng hoàn cảnh của hai thời kì hoàn toàn khác nhau. Và số phận của họ sau những lần phá sản có lẽ cũng rất khác.

11 năm trước, họ rơi vào cùng quẫn vì tập đoàn Parmalat, công ty mẹ của đội bóng, phá sản. Cha con nhà Tanzi, những người sở hữu Parma, biến nó thành công cụ quảng cáo cho Parmalat trên toàn cầu, phải đi tù vì những gian lận trong tài chính. Bây giờ, Tòa án Parma tuyên họ phá sản không phải vì Parmalat nào hết, mà vì lỗi của những người điều hành nó trong những năm qua, từ chủ tịch Ghirardi, người thay thế Tanzi, cho đến nhà tài phiệt người Albania Taci và cuối cùng là Manenti, người vừa bị bắt vì tội sử dụng các nguồn vốn bất hợp pháp.

Bạn có thể tưởng tượng được những người đó đang bị điều tra bởi các cơ quan nào không? Cơ quan bài trừ mafia quốc gia Italy đang điều tra khả năng mafia đã nhúng tay vào két sắt của đội. Các Viện công tố Parma và Bologna tiến hành các cuộc điều tra riêng rẽ vào việc nhiều khoản tiền của đội đã không cánh mà bay trong nhiều năm qua, trong khi số nợ đã tăng gấp ba trong vòng 8 năm qua, lên tổng cộng 218 triệu euro lúc này. Một lỗ hổng khủng khiếp. Chưa bao giờ trong lịch sử Serie A, có một đội bóng được các cơ quan pháp luật "quan tâm" đến như thế. Cũng chưa bao giờ trong lịch sử giải đấu, một đội bóng phá sản ngay khi giải còn đang diễn ra. Mùa trước, đã có một trường hợp tương tự, nhưng là ở Serie B, với Bari.







Ba ông Chủ của Parma. Từ trên xuống dưới: Ghirardi, Taci và Manenti

Phán quyết Parma phá sản được Tòa án đưa ra vào chiều 19/3, đúng vào lúc mà đội bóng của Donadoni đang đá giao hữu với Fidenza, một đội bóng ở hạng nghiệp dư, chính là hạng đấu mà nhiều khả năng Parma sẽ phải đăng kí chơi ở mùa tới, nếu từ giờ cho đến cuối giải này, không có nhà đầu tư nào giơ tay ra cứu giúp họ.

Một cái chết được báo trước, với một giấy báo tử được viết trước, và những nguồn tài chính mà Chủ tịch Manenti hứa mãi nhưng không bao giờ đến sẽ được thay thế chút đỉnh bằng khoản tiền 5 triệu euro mà LĐBĐ Italy (FIGC) và Ban tổ chức Serie A (Lega Serie A) sẽ chi cho họ từ nay đến hết mùa để giúp họ trả những khoản tối thiểu. Đấy cũng là cách để người ta cứu vớt chính Serie A, vì nếu Parma không thể ra sân ngay lúc này vì hết tiền, giải sẽ vỡ. Tòa quy định, Parma vẫn sẽ ra sân, vẫn chơi 12 trận từ nay đến hết mùa (6 trong số đó ở sân Ennio Tardini), nhưng trên thực tế, hy vọng dự Serie B mùa tới, sau khi Parma xuống hạng, không thực sự sáng sủa.

Liệu có nhà đầu tư nào hảo tâm đến mức sẵn sàng chi cả trăm triệu euro (74 triệu trong đó để trả các khoản nợ đến hạn, trong đó hầu hết là lương nợ cầu thủ và HLV, còn lại xây dựng đội hình mới) cho một đội bóng sẽ chơi ở Serie B? Thế nên, hết 5 triệu euro là hết tất cả, giống như khi người ta chấm dứt việc truyền thức ăn và biệt dược cho một bệnh nhân đang hôn mê.



Donadoni và các học trò sẽ sống nốt nhờ 5 triệu euro tiền "từ thiện" của các đội bóng Serie A và BTC. Sau đó, có thể Parma sẽ vĩnh viễn không còn nữa

Đây là một mùa bóng tệ hại đến mức không thể tin được với Parma. Họ kết thúc mùa trước ở vị trí đủ để dự Europa League. Thế rồi, một quyết định của FIGC không cho phép họ làm điều đó, sau khi phát hiện ra Parma không đủ điều kiện tài chính để dự Cúp Châu Âu. Và mùa bóng mới bắt đầu, với một serie những thất bại, khiến người ta không thể hiểu nổi điều gì đã xảy ra với một đội bóng mà mùa trước vừa kỉ niệm 100 năm ngày thành lập và thể hiện một phong độ xuất sắc đến thế lại có thể rơi tự do nhanh đến vậy. Nhưng khi Chủ tịch Ghirardi rời đội, Taci thay thế chỉ trong một tháng rồi bán lại với giá 1 euro tượng trưng cho Manenti, người chỉ biết hứa và không làm điều gì khác, thì người ta dần hiểu ra những gì ẩn giấu phía sau bức màn. Các cầu thủ không thể cứ ra sân mãi mà không có lương, không thể cứ tắm mãi sau những trận đấu vào mùa đông mà không có nước nóng (đơn giản vì từ lâu họ không trả tiền nước và tiền khí đốt sưởi ấm), không thể đợi mãi những lời hứa không được thực hiện từ chủ tịch CLB.



Cassano đã bỏ Parma ngay khi mùa giải đang diễn ra. Anh không chịu được cảnh bị nợ lương

Việc Tòa án tuyên Parma phá sản đồng nghĩa với một điều nữa: họ trở thành một trong những chủ nợ của CLB, cho thấy người ta đã bắt đầu bảo vệ quyền lợi của họ. Nhưng lấy gì để đảm bảo họ sẽ nhận được những khoản lương đã mất đi sau bao mồ hôi đổ xuống? Vào giờ nghỉ của trận giao hữu với Fidenza, sau khi biết mình được chỉ định làm đại diện cho các cầu thủ trong Ủy ban của chủ nợ, đội trưởng Lucarelli nói với các phóng viên bằng một giọng cay đắng: "Điều đó có nghĩa gì? Vô ích". Tuy nhiên, thành phố Parma tuyên bố họ sẽ không bỏ rơi đội và hai chuyên viên được chỉ định theo dõi quá trình phá sản của Tòa án khẳng định họ sẽ cố gắng tìm kiếm những chủ đầu tư mới nhằm trang trải một phần những chi phí mà Parma sẽ phải trả từ giờ cho đến cuối giải.

Đấy là những hy vọng mong manh cho không chỉ các cầu thủ và HLV Donadoni, mà còn cả hàng chục nhân viên của đội bóng, những người cũng phải sống và tháng nào cũng phải trả đủ các loại tiền điện, nước, khí đốt cho gia đình mình. Một nhiệm vụ vô cùng khó khăn cho tất cả. Điều quan trọng bây giờ là Parma vẫn có thể thi đấu và tính chuyên nghiệp sẽ giúp họ rất nhiều, không phải là để trở thành những người hùng, mà đấy là cách duy nhất để chứng tỏ năng lực trong việc đi tìm một đội bóng cho mùa sau, khi họ đã thoát khỏi con tàu Parma đã chìm.





Không còn nữa, một đội bóng hùng mạnh những năm 1990s

Trong số những đội bóng đã phá sản ở calcio trong những năm qua, không đội nào gây được những tiếc nuối mạnh mẽ như Parma, vì họ đã đi vào lịch sử cả trong vinh quang trên sân cỏ lẫn cay đắng trong két sắt và nhà tù. Những chiếc Cúp của họ rất nhiều, từ cúp Italy năm 1992 và 2002 (danh hiệu gần nhất của họ), từ Cúp C2 năm 1992, 2 Cúp UEFA các năm 1995 và 1999 cho đến một Siêu Cúp Châu Âu 1994 và Siêu Cúp Italy 1999, là những dấu ấn in đậm trong lòng người hâm mộ về một câu chuyện cổ tích thực sự của Serie A. Nhưng những gian nan mà họ phải chịu từ những người chủ quản lí họ cũng không ít, và thực sự đau đớn.

Cha con Tanzi bị bắt, chủ tịch bây giờ Manenti cũng thế, và những người chủ trước ông, Ghirardi và Taci, cũng có thể chung số phận. Parma đã chỉ sống sót nhờ một đạo luật vào năm 2004 của chính phủ, sau khi Parmalat sụp đổ, trở thành vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp thế giới (với khoản nợ và thâm hụt lên tới 16 tỉ euro). Giờ là một vụ phá sản khác, trong hoàn cảnh đội không còn là một trong "bảy chị em" như trước, và mục tiêu duy nhất chỉ là trụ hạng. Nhưng nỗi đau của cả hai lần vỡ nợ ấy đều khủng khiếp, lần sau khủng khiếp hơn lần trước: thành phố này không quen sống mà không có bóng đá, và giờ đây, họ chỉ có thể hoài niệm, khi tất cả tấn bi kịch này sắp đóng lại.

15 năm trước, Parma đánh bại Marseille ở trận chung kết Cúp UEFA trên sân Moskva. Họ rời sân trong tiếng hát sau thắng lợi 3-0. Parma trở thành đội bóng gần nhất của calcio giành thắng lợi ở giải Cúp đó. Một thành công đáng tự hào, nhưng cũng chỉ là quá khứ, và hiện tại của Parma là u ám, còn tương lai rất mịt mờ. Với việc Parma phá sản và biến mất (có thể xuống tận hạng nghiệp dư), một phần lịch sử của bóng đá Italy đã đóng lại mãi mãi. Giờ là lúc người ta chờ đợi, các điều tra viên và sau đó, Tòa án, sẽ chỉ ra ai là kẻ đã gây ra tội ác này...

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm