06/05/2015 15:34 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Nếu không thể có những cầu thủ như ý, Pep khó có thể dẫn Munich lên đỉnh châu Âu. Bayern có thể thua Barca vì yếu tố con người và yếu tố trạng thái phong độ. Nhưng người Đức vẫn phải cần cảm ơn Pep, và Bayern cần Pep cho cuộc cách mạng về phong cách trong khi vẫn đặt tính hiệu quả lên hàng đầu. Tranh luận dưới đây là của nhà báo Phạm Tấn với các độc giả TT&VH.
Độc giả Hoàng Chí: Pep giỏi, nhưng chưa phải là vĩ đại như cách người ta đang tung hô. Việc Pep đánh mất bản sắc của Bayern hoặc bán đi Kroos là 1 ví dụ.
Nhà báo Phạm Tấn: Nếu Pep không phải vĩ đại nhất thì ông ấy cũng phải là một trong những người vĩ đại nhất. Không chỉ vì số danh hiệu mà ông ấy đạt được trong giai đoạn ngắn cùng với Barca và Bayern, mà bởi ông ấy làm thay đổi bóng đá thế giới với triết lý bóng đá của mình, với cách làm cho Barca từ một đội bóng hấp dẫn trở thành một chuẩn mực. Trước kia người ta nói Barca đá đẹp, đá kỹ thuật, nhưng phải khi có Pep thì người ta mới nói đá theo phong cách của Barca, triết lý của Pep. Khi Bayern đưa Pep về tức là họ muốn ông ấy làm thay đổi lối chơi, thay đổi hình dáng của CLB. Chất Đức thuần chất như chúng ta đã thấy cách nay một thập kỷ trở về trước không còn trong đội tuyển Đức và nhiều CLB hàng đầu. Điều đó làm cho Bundesliga ngày càng đáng xem hơn. Toni Kroos bị bán đi vì Pep tin Schweinsteiger hơn, và ông cần dọn chỗ để lấy vị trí cho những tiền vệ thực hiện được triết lý của Pep hơn. Xabi Alonso dù lớn tuổi nhưng tôi cho rằng vẫn chơi hiệu quả hơn Kroos.
Độc giả Hoàng Văn Thư: Trong lịch sử bóng đá Đức, kể cả đội Tây Đức và Đông Đức ngày xưa, thì những đội chơi kĩ thuật chưa bao giờ làm Đức lo sợ, đến như kĩ thuật thượng thừa như Brazil 1970 hay Argentina 1988 (thực ra là 1990) cũng ko doạ được Đức (kết quả có lúc thắng lúc thua). Đức sợ đội nào nhất? Họ chỉ sợ những đội chơi kỉ luật và khoa học như họ (hoặc hơn họ), đó chính là đội tuyển Ý, ngay cả những lúc đội tuyển Ý yếu nhất vẫn hạ gục Đức. Còn Bayern thì dưới thời Pep đã mất chất Đức nhiều lắm rồi, người Đức, trừ fan Bayern ra thì ko ai thích đội này cả. Fan của các đội khác vẫn ủng hộ Dortmund ở C1 chứ Bayern thì ko bao giờ.
Nhà báo Phạm Tấn: Chúng ta cần phải tính đến việc Đức thua Tây Ban Nha trong hai trận đấu quan trọng nhất của hai nền bóng đá gần đây: Tại chung kết Euro 2008 và bán kết World Cup 2010. Tây Ban Nha khi đó bắt đầu chơi với nền tảng của Barca, đề cao kiểm soát bóng, Đức thì đang trong quá trình thay đổi lối chơi, bớt chất thép mà thêm kỹ thuật, cầm bóng, bớt chờ đợi từ phía sau mà chủ động ở tuyến trên. Lịch sử ở đây chỉ để tham khảo. Còn nếu những ai không thích Pep ở Bayern, thì liệu có là chính xác không khi tôi cho rằng một HLV như Mourinho sẽ là phù hợp hơn? Mà nếu tôi không nhầm, lãnh đạo của Bayern chưa bao giờ ngỏ ý rằng họ muốn có Mourinho.
Tây Ban Nha thắng Đức ở World Cup 2010
Độc giả Sebastian Deisler: Không hiểu tác giả có theo dõi Bayern ko nhưng nói "Bayern đã nghiền nát Porto trong trận lượt về ở tứ kết. Đó là một màn trình diễn của Pep, rất Pep" là sai BÉT NHÈ ra! Đó là hình ảnh của sự kết hợp giữa sự linh hoạt, hứng khởi từ thời Jupp Heynckes, sự chắc chắn, chủ động của thời Pep, & trên tất cả là sức mạnh của kẻ khổng lồ bị dồn đến đường cùng! Đó là thứ cần được tái hiện trước Barca!
Nhà báo Phạm Tấn: Bạn nói chính xác ở sự kết hợp những điểm mạnh của Bayern trong trận đấu đó. Ba bàn thắng đầu tiên ghi được bằng đầu là điều chưa từng có của Barca dưới thời Pep. Còn sự bùng nổ là điều mà cả Barca thời Pep và bóng đá Đức trước đây đều có. Nhưng không thể trông đợi trận nào Bayern cũng thăng hoa được như vậy. Việc Pep vẫn đang đi tìm những tiền vệ phù hợp với triết lý của ông ấy cho thấy ông chưa hài lòng với những gì hiện có trong tay. Một đội bóng lệ thuộc vào sức mạnh ở hai cánh là theo phong cách thuần túy của các HLV Hà Lan. Pep giống và khác ở chỗ, ông đề cao sức mạnh ở trung lộ, và sẽ tăng cường khu vực này.
Độc giả Viet Do: Vấn đề chính của BM thời Pep có lẽ là chiến đấu với chính mình, nếu trận nào họ cũng đá như trận lượt về với Porto vừa rồi: đá với tinh thần mạnh mẽ của người Đức và sự kiểm hoàn toàn về thế trận theo phong cách Pep thì thật khó đội bóng nào có thể cản được BM. Nên nhớ là họ chưa có đội hình mạnh nhất nhưng vẫn thể hiện một sức mạnh đáng sợ. Tuy nhiên họ cũng đã có những trận thua rất đáng thất vọng như chính trận lượt đi với Porto hay trận thua toàn diện trước Wolfburg. Có lẽ đúng như tác giả nói, BM thời Pep còn cách nửa bước chân để đến với đỉnh cao. Nhưng với C1 năm nay, nếu trong 3 trận cuối cùng họ tập trung cao độ và duy trì được cảm hứng chơi bóng, tôi sẽ không bất ngờ nếu BM vô địch.
Nhà báo Phạm Tấn: Bạn đã nói chính xác, Bayern của Pep vẫn cần sự ổn định. Nhưng chính vì điều này nên sẽ là bất ngờ nếu Bayern vô địch Champions League dù giờ đây chỉ còn 3 trận và họ giống như Juventus và khác với Barca là Real: Đã giải quyết xong cuộc đua vô địch trong nước.
Độc giả Dương Barca: Dù còn tranh cãi nhưng ảnh hưởng cuả Pep và bóng đá Đức vô địch World Cup là không phải bàn cãi. Chất thép người Đức kết hợp triết lí kiểm soát bóng cuả Pep. Cụ thể hơn, nửa đội hình Đức là cầu thủ Bayern quen với triết lí của Pep. Bayern hiện giờ đội hình không được như thời năm 2013 nữa. Có đủ quân số, và cả HLV Jupp Heynckes cũng không làm Bayern vô địch được. Có 2 lí do, thứ nhất là Đức mới vô địch World Cup, thứ hai là chu kì thành công 1 đội khoảng 4-5 năm, lên đỉnh rồi là xuống. Những chấn thương liên miên cầu thủ Bayern đã nói hết, rồi tuyển Đức ở vòng loại Euro 2016 đá rất phập phù. Rất nhiều người đổ lỗi Pep làm yếu Bayern đi, nhưng chẳng ai thành công ngay năm đầu ở đội bóng xa lạ được. Năm nay quân bị bào mòn ở World Cup, ở giải quốc nội nữa. Sức đâu cho chặng nước rút này. Bayern sẽ dừng ở bán kết.
Bayern đã đưa ra lời mời cho Pep trước khi đội bóng của họ do Jupp dẫn dắt vô địch Champions League
Nhà báo Phạm Tấn: Thật tiếc là không nhiều fan bóng đá Đức không thừa nhận sự ảnh hưởng của Pep lên đội tuyển Đức, trong khi những người làm bóng đá Đức tôn trọng điều đó. Huyền thoại Matthaus từng thừa nhận điều đó. Nó cũng giống như câu chuyện "Kế hoạch Marshall" mà tôi đề cập trong bài viết. Người Đức luôn tự hào họ là "Chủng tộc thượng đẳng", còn người Mỹ tự hào về "Chủ nghĩa biệt lệ", nhưng người Đức thẳng thắn, thành thật biết ơn người Mỹ khi "Kế hoạch Marshall" đã giúp họ đi lên từ những hậu quả của Đại chiến 2. Khi bạn nói tới giai đoạn hậu thành công, chính xác là như thế, việc cầm quân ở các đội bóng vừa leo lên đỉnh vinh quang là rất khó. Bayern đã đưa ra lời mời cho Pep trước khi đội bóng của họ do Jupp dẫn dắt vô địch Champions League. Và có lẽ họ cũng hiểu điều đó, nên nó là một trong các lý do bên cạnh việc họ muốn Bayern trở thành CLB hấp dẫn quyến rũ hơn nữa để tiếp tục tin tưởng ở Pep, khẳng định ông sẽ tiếp tục hợp đồng. Cái mà tôi cho rằng Pep nên khai thác từ chất Đức, đó là sự chuẩn bị khoa học, tỉ mỉ cho mọi phương án. Năm 2006, tôi nhớ đội tuyển Đức đã chuẩn bị kỹ lưỡng tới mức ghi từng mẩu giấy cho các cầu thủ chuẩn bị cho phương án đá penalty. Bởi đá penalty không chỉ là kỹ năng của cầu thủ mà tâm lý của họ tốt hay không ảnh hưởng từ cả sự chuẩn bị, nghiên cứu tỉ mỉ nữa.
Độc giả Hoàng Ngọc Anh: Một đội bóng mạnh có thể là đội bóng quy tụ nhiều cá nhân xuất sắc và được dẫn dắt bởi một HLV giỏi, nhưng một HLV giỏi cũng có thể đưa một đội bóng không có nhiều cá nhân kiệt xuất vươn lên tầm cao (như Porto năm 2004, hoặc AC Milan năm 2003, Liverpool năm 2005...). Với lực lượng hiện có, Bayern (BM) có đủ sức chơi ngang ngửa với Barca, đó là chưa kể đến việc BM còn là 1 khắc tinh của Barca. Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả về sức mạnh của Barca và Real Madrid (RM là đội bóng tôi rất ngưỡng mộ), nhưng BM không phải ăn may để đi đến vòng bán kết CL. BM sẽ loại Barca ở bán kết và vào chung kết CL năm nay (gặp RM?).
Nhà báo Phạm Tấn: Các HLV giỏi và thành công không dựa trên những cầu thủ ngôi sao nổi tiếng, mà phải là những cầu thủ phù hợp với triết lý. Mourinho và Louis van Gaal ở hai thái cực tại giải ngoại hạng Anh là như thế. Willian không phải là ngôi sao lớn, nhưng chơi cực tốt theo cách Mourinho sử dụng. Và Porto năm 2004 cũng thế, Mourinho đã có trong tay một đội hình theo chuẩn mực của ông ấy nhờ giữ lại các trụ cột của Porto mùa trước và chuyển nhượng khôn ngoan, để vừa có những ngôi sao và những cầu thủ bình dị mà hữu dụng: Từ Carvalho, Deco, Baia, Costinha, Postiga tới những Paulo Ferreira, Nuno Valente, Jorge Costa, Maniche... Nhiều người trong số họ về sau theo Mourinho, hoặc tới đầu quân ở các CLB khổng lồ. Chính bởi sự phù hợp mà tôi cho rằng Cazorla với Silva là những sự bổ sung lý tưởng cho đội quân của Pep. Còn về ai sẽ lọt vào chung kết, với những ai yêu thích Barca hay Bayern, họ đều mong CLB của mình vượt qua bán kết. Còn với fan trung lập, thì tôi cho rằng dù là ai trong hai đội đó cũng đều đáng chờ đợi. Điều này nói lên được sức cuốn hút, độ cống hiến của họ.
Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất