28/06/2013 14:04 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Tại buổi tọa đàm về cuốn sách Ngàn năm áo mũ, những khảo cứu và luận điểm của tác giả Trần Quang Đức (đang công tác tại Viện Văn học Việt Nam) đã mang lại một góc nhìn thú vị về "khoảng tối" nghiên cứu trang phục cổ Việt Nam trong suốt hàng trăm năm qua.
Gọi là “khoảng tối” không sai, bởi sau lần Bắc thuộc đầu thế kỉ XV, gần như toàn bộ những sử liệu của Việt Nam về vấn đề này đã không còn giữ được. Rồi sau đó, những thăng trầm lịch sử, việc chuyển đổi chữ viết từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ, cộng cùng nhiều yếu tố chủ quan khác đã khiến các tư liệu ở giai đoạn tiếp theo thường tản mạn và không thống nhất.
Dày 400 trang, cung cấp nhiều phân tích, dẫn chứng và hình ảnh tư liệu, có thể coi Ngàn năm áo mũ là công trình nghiên cứu khá đầy đặn và chuyên sâu về vấn đề này. Buổi tọa đàm về cuốn sách diễn ra vào sáng qua (27/6), sau khi Ngàn năm áo mũ ra đời gần hai tháng và nhận được rất nhiều phản hồi khác nhau từ độc giả.
Tác giả Trần Quang Đức (bìa trái). Ảnh: TL.
"Tôi bắt đầu viết từ năm 2010. Khi đó, từ những bộ phim lịch sử, dư luận đang bùng lên cuộc tranh luận về trang phục cung đình"- Đức kể. Như lời anh, yếu tố "Hán hóa" là trung tâm của cuộc tranh cãi này, với hai luồng ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau. Một cho rằng trang phục cung đình của người Việt hoàn toàn độc lập với trang phục tương tự của Trung Hoa. Một cho rằng, với đặc điểm lịch sử, việc vua chúa VN "sao chép"... 100% trang phục Trung Hoa là điều tự nhiên và tất yếu.
"Bản thân tôi khi đó cũng đủ thấy cả hai luồng tư duy này đều cực đoan và thiếu tính khoa học" - Quang Đức nói. Trong cuốn sách của anh, một cách vắn tắt, việc người Việt sao chép trang phục Trung Hoa chính là một cách để tạo sự độc lập và... tư thế ngang hàng với nền văn hóa lớn này.
Trang phục cung đình VN chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng luôn luôn có sự sáng tạo thêm với những nét biến dị độc đáo để tôn vẻ uy nghi, sang trọng của vua quan nước Việt. Đơn cử, với loại mũ Phốc đầu (dùng chung cho các quan văn võ trong triều), người Việt từ triều Lý đã sẵn sàng "chơi sang", dùng vàng dát lên thay cho loại mũ trong "nguyên gốc", không có trang sức của nhà Tống. Hoặc Kim ngư đại (đai đeo lưng hình con cá, được vua ban cho thưởng cho công thần) thì có kích thước to và dài hơn nhà Tống....
Đưa ra những kiến giải khá độc đáo, tác giả cho rằng, gần như 100% các bộ phim lịch sử Việt Nam đều mắc các sai sót lớn khi tái hiện phục trang cổ. Trong đó, sai lầm quan trọng nhất vẫn là cách tư duy dùng trang phục triều Nguyễn để " trùm" lên hầu hết các phim lịch sử lấy bối cảnh Lý, Trần, Lê.
Bìa cuốn Ngàn năm mũ áo.
"Điển hình, có thể thấy điều đó qua phim Đêm hội Long trì. Chỉ có chi tiết đúng là chiếc mũ Tam Sơn của chúa Trịnh đội, bởi đạo diễn đã quan sát bức tượng chúa Trịnh Sâm đang đặt trong chùa Kim Liên" - Đức kể - "Thực ra, đó cũng là cái khó của điện ảnh mình. Nhiều đạo diễn hỏi tôi trang phục thời đó của binh lính, thường dân thế nào? Khi biết là đi đất, nhiều người nhăn nhó: làm thế thì phim sao đẹp được".
Mất ba năm để hoàn thành cuốn sách trên, tác giả Quang Đức có hàng loạt chuyến đi điền dã tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Huế, là những lần hì hục tìm tư liệu khảo cứu bằng tiếng Nôm, tiếng Hán tại Viện lưu trữ, cũng như sưu tầm từ nước ngoài.
Từ những mảnh thông tin, tư liệu ấy, hình dạng cơ bản của hệ thống trang phục cung đình, trang phục dân tộc... trong 1.000 năm lịch sử được Đức dần tái hiện một cách cơ bản trong cuốn sách. Tất nhiên, sự hạn chế về tư liệu, khiến ở nhiều chi tiết, tác giả vẫn phải để các "điểm đen" trong lập luận của mình. "Tôi không muốn chấp nhận sự suy diễn hoặc tư biện cưỡng ép, thiếu khoa học. Nếu một lúc nào đó, ngành khảo cổ tìm thêm tư liệu, thì đó là cơ hội tốt để tôi bổ sung cho cuốn sách của mình".
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất