11/10/2011 11:38 GMT+7 | Pháp
*Tỷ số lượt đi 2-0
(TT&VH)- Lịch sử đang thử thách người Pháp một lần nữa, bằng cách trao một trọng trách đặc biệt cho đội ngũ hết sức bình thường của họ hiện tại. Không Ribery, không Benzema, có thể là không cả Evra, tóm lại, không có một ngôi sao lớn nào trong đội hình ra sân trước Bosnia. Nhưng lịch sử cũng đã chứng minh rằng với người Pháp, một đội ngũ “bình dân” đã là đủ để làm nên kỳ tích lớn.
Càng “sao” thì càng dở?
Một cách trớ trêu, khi Pháp có trong tay những cầu thủ thật đặc biệt, họ lại thường thất bại trong những thời khắc then chốt. Thậm chí, những ngôi sao mà họ kỳ vọng còn là tội đồ trong những thất bại ấy.
Ở vòng loại World Cup 1994, Pháp có những cá tính rất đặc biệt, hoặc dữ dội như Eric Cantona, hoặc hào hoa như David Ginola, và là tập hợp của những ngôi sao đang đạt độ chín, như Jean-Pierre Papin, Didier Deschamps, nhưng không thể kết dính thành một tập thể đích thực. Lối chơi đặt cái tôi lên trên tất cả đã khiến Pháp không thể góp mặt tại World Cup 1994. Pha chuyền bóng hời hợt của chàng lãng tử Ginola vào phút cuối cùng chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bàn thắng ấn định trận thua ngược 1-2 của Pháp trước Bulgaria ở lượt đấu cuối cùng. HLV Gerard Houllier, người dẫn dắt Pháp vào thời điểm ấy, còn gọi pha bóng vô trách nhiệm ấy của Ginola là một “tội ác”.
Gần hơn chút nữa, World Cup 2002, Pháp với một đội hình đầy rẫy những ngôi sao cũng đã bị loại ngay từ vòng bảng. Lối chơi và chiến thuật xoay quanh Zidane khi ấy đã khiến HLV Roger Lemerre phải trả giá đắt, khi tiền vệ tấn công này bị chấn thương và vắng mặt ở 2 trận đầu tiên của vòng bảng. Khi ấy, Pháp còn sở hữu cả 3 Vua phá lưới của 3 giải đấu hàng đầu châu Âu (Henry ở Premier League, Trezeguet ở Serie A và Cisse ở Ligue 1). Nhưng rốt cục nhà ĐKVĐ thế giới vẫn rời châu Á mà không có nổi 1 bàn thắng. Còn Henry, tiền đạo xuất sắc nhất thế giới khi ấy, chỉ để lại “dấu ấn” là 1 chiếc thẻ đỏ (trận gặp Uruguay).
ĐT Pháp càng nhiều sao chơi càng dở- Ảnh Getty
Trên vai một đội ngũ "bình dân"
Nếu lịch sử đã trêu ngươi người Pháp khi dìm họ xuống đáy bùn vào thời điểm mà họ là tập hợp của những cái tên ưu tú đã được thừa nhận, thì nó lại giúp Les Bleus sản sinh ra những người "anh hùng" theo cách không ai ngờ tới. Khi Pháp đăng quang trên sân nhà ở World Cup 1998, họ bị báo chí đánh cho tơi bời, với một lối chơi nặng về phòng ngự và gần như không có siêu sao.
Henry-Trezeguet vẫn chỉ là những cầu thủ tiềm năng, tương tự Remy và Gomis bây giờ. Thủ lĩnh lối chơi Zidane chưa thực sự được thừa nhận là một trong những người giỏi nhất thế giới ở vị trí của anh. Nhưng rốt cục, tập thể không quá long lanh, nhưng tràn đầy nhiệt huyết và tượng trưng cho một đội tuyển Pháp đa sắc tộc ấy vẫn đủ sức đưa đội chủ nhà lên đỉnh thế giới. Năm 2006, đội tuyển Pháp bị coi là rơi vào giai đoạn thoái trào thậm chí còn đi đến trận chung kết, và chỉ gục ngã trước Italia trên chấm phạt đền.
Kết luận: Pháp có thể không cần các ngôi sao đã thành danh để làm nên chuyện lớn. Càng không cần họ nhúng tay vào những thời điểm khó khăn quyết định. Điều duy nhất xuyên suốt mọi thời đại mà đội bóng áo Lam cần là sự đoàn kết, tinh thần quyết tâm và ý thức hy sinh vì người khác, điều thường không sản sinh ra khi họ được bao phủ bởi những tung hô của truyền thông và một đội ngũ nhiều ngôi sao, nhưng ai cũng ích kỷ. Giờ thì lịch sử lại thử thách người Pháp. Ở 2 trận đấu quyết định của chiến dịch vòng loại Euro 2012, HLV Blanc sẽ chỉ có sự phục vụ của những cái tên bình thường mà thôi.
Có lẽ, việc Ribery hay Benzema vắng mặt vì chấn thương không đến nỗi tệ như Les Bleus nghĩ. Một vài cánh cửa đóng sập với vài người nhưng lại mở ra với những người khác, và dẫn đến những nơi chưa bao giờ họ đến. Những ngôi sao sáng nhất mà Blanc đang trông chờ cũng chỉ là Nasri - tân binh của Man City - hay những lão tướng như Malouda, Evra hay Abidal (2 cái tên cuối cùng lại đang dính chấn thương). Nhìn lướt qua 11 cầu thủ đá chính của Pháp trước Albania, chúng ta thấy nó giống như Đội hình tiêu biểu của Ligue 1 sau một vòng đấu nào đó.
Nhưng đội ngũ “bình dân” ấy không phải là không thể gánh vác những trách nhiệm lớn. Lịch sử đã chứng minh rằng những kỳ tích lớn của người Pháp không sinh ra từ những điều kiện thuận lợi và những ngôi sao đang được phủ đầy nhung lụa, mà được tạo ra từ ý chí và nghị lực phát sinh trong muôn vàn khó khăn. Không phải những người hùng được thừa nhận, mà là những người hùng “áo vải” mới là nhân vật chính, trong những thời khắc quyết định của người Pháp.
Dự đoán: 2-1
Hà Dương
Lực lượng Pháp: Abidal, Rami, Cabaye, Evra đang chạy đua với chấn thương và đều tập nhẹ sáng hôm qua. Trong khi Gameiro 99% không kịp hồi phục. Bosnia: Đầy đủ lực lượng. Đội hình dự kiến Pháp: Lloris - Debuchy, Rami, Kaboul, Reveillere - Nasri, A. Diarra, M’Vila, Malouda - Remy, Gomis.
Bosnia: Begovic - Mujdza, Spahic, Papac, Lulić - Pjanic, Rahimic, Medunjanin, Misimovic - Ibisevic, Dzeko. Vé "nhì xuất sắc nhất" thuộc về ai?
Ngoài ngôi đầu các bảng còn có một vé trực tiếp được trao cho đội nhì bảng xuất sắc nhất. Đội nào giành được nhiều điểm nhất khi xét đến thành tích đối đầu 5 đội tốp đầu (bảng có 6 đội thì không tính 2 lượt trận gặp đội bét bảng) sẽ đoạt chiếc vé này. Trong trường hợp bằng điểm, lần lượt các tiêu chí sau đây được xét duyệt: + Hiệu số bàn thắng - bại. + Số bàn thắng ghi được. + Số bàn thắng trên sân khách.
+ Vị trí trên BXH FIFA + BXH Fair-play. + Bốc thăm |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất