2 tỷ đồng đem phim đi Cannes, vài trăm nghìn cho phê bình sách

05/06/2013 10:04 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - “Thế hệ bạc tóc đã không sống được bằng nghề viết phê bình, phải làm sao để thế hệ trẻ bây giờ sống được” – nhà phê bình Ngô Thảo nói tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học toàn quốc đang diễn ra ở Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc).

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ 3 do Hội Nhà văn tổ chức vừa khai mạc tại Tam Đảo sáng 4/6. Hơn 150 nhà lý luận phê bình, nhà văn trong cả nước đã có mặt tại hội nghị. Ngay trong buổi tọa đàm đầu tiên, đã có nhiều ý kiến sắc bén.

Phê bình phải mang công chúng đến cho văn chương

Nhà phê bình Ngô Thảo lên tiếng về thu nhập của giới. “Chúng ta phải biết rằng, mỗi bộ phim, chương trình nghệ thuật… khi ra mắt đều có họp báo, có phong bì. Đây không phải là chi phí tiêu cực, mà phù hợp với cơ chế thị trường, không ai chỉ nói chuyện bằng nước bọt. Hơn nữa, một bài phê bình tử tế là cách PR tốt cho một tác phẩm, cho một giải thưởng, nghĩa là làm tăng uy tín của Hội Nhà văn và văn chương” – ý kiến của người hiện làm cố vấn nghệ thuật cho Hãng phim BHD.

Theo ông, để những tác phẩm văn học đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn và các tổ chức khác bị “xếp vào kho” như hiện nay là do không có chiến lược phê bình và PR xứng đáng và đây là điều thật đáng buồn.

Nhà phê bình liên hệ trường hợp phim Lửa Phật: “Chúng tôi vừa bỏ ra 2 tỷ  đồng để giới thiệu một bộ phim rất bình thường ở LHP Cannes” (Lửa Phật của BHD và Hãng phim Việt) trong khi đó các tòa soạn chỉ chi 300.000 đến 500.000 đồng để trả nhuận bút cho một bài phê bình giới thiệu sách trên báo chí”. Qua con số ông đưa ra, có thể thấy nếu có đến hàng chục bài phê bình PR sách, cộng lại cũng không thể so sánh với số tiền PR phim ảnh.

Ngô Thảo cũng đưa ra nhận định rất khác về vai trò của phê bình hiện nay: “Nếu chỉ định giá một tác phẩm văn học thì chưa cần đến phê bình, mà là làm sao để tác phẩm văn học đến được với người đọc. Văn chương ngày nay không cần tác phẩm đỉnh cao mà cần những tác phẩm trung bình và được PR tốt để có công chúng. Có 100 ông Nguyễn Du bây giờ thì cũng bị lẫn trong số lượng tác giả, tác phẩm khổng lồ của văn học hiện nay”.

“Giới phê bình hãy cảnh giác với báo chí!”

Nguyễn Hòa - nhà phê bình được mệnh danh là “cây búa” với nhiều phát biểu đanh thép - đã nêu một ý kiến khiến người nghe xôn xao: Phê phán những nhà phê bình biến chính họ thành nguồn cung cấp trích dẫn cho các scandal văn học trên báo chí hiện nay.

“Chúng ta cộng sinh với báo chí, trong thời buổi này điều đó không thể tránh khỏi, nhưng sự cộng tác đó nhiều lần tạo thành những bãi chiến trường của những cuộc tỉ thí văn chương mà rút cuộc giới phê bình không được tôn trọng. Trong quá nhiều trường hợp, báo chí chỉ mượn chúng ta để khai thác scandal. Báo chí gặp chúng ta chỉ để xem có ai phát biểu trái chiều không. Tôi rất buồn khi các anh chị biến những sự vụ đáng ra phải bình tâm suy ngẫm thành những sự vụ tai tiếng trên báo chí”.

Nhà phê bình Nguyễn Hòa cảnh báo các đồng nghiệp: “Nhiều người trong chúng ta đang bị cuốn theo đời sống báo chí và đánh mất mình, hạ giá nghề nghiệp của chúng ta trong xã hội, khiến chúng ta bị cười nhạo hơn là coi trọng. Mỗi người chúng ta nên tự trọng với nghề nghiệp của mình”.

Về ý kiến của Nguyễn Hòa, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái trao đổi với TT&VH: “Nhà phê bình không thể đổ lỗi cho báo chí vì vai trò của báo chí chỉ là thông tin, còn bản thân họ nên tự hỏi tại sao mình không xuất hiện trên báo chí như một nhà phê bình đích thực, đó là biết cách đọc “vỡ chữ” (tức hiểu sâu và đúng) tác phẩm của nhà văn”.

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ 3 ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vào hai ngày 4 và 5/6, quy tụ các nhà nghiên cứu phê bình đầu ngành trong nước: Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Phong Lê, Trương Đăng Dung, Văn Giá, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thị Minh Thái… và các nhà giáo dục: Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Văn Hạnh…


Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm