Đồng tính trong điện ảnh: Hãy để nghệ thuật lên tiếng

23/11/2011 07:14 GMT+7 | Phim

Từ số này, chuyên đề của TT&VH Cuối tuần sẽ lần lượt đi qua những “điểm nóng” nói trên, thử “giải mã” xem đây là “nhiệt độ thật” của “cơ thể nóng” hay chỉ là cơn sốt của một con bệnh.

“Điểm nóng” đầu tiên cũng chính là “điểm nóng” nhất hiện nay: Điện ảnh.

Tổ chức chuyên đề: TT&VH Cuối tuần

(TT&VH Cuối tuần) - Tính ra cũng đã gần 100 năm khi bộ phim câm dài 10 phút, Algie The Miner, được xem là mang xu hướng đồng tính của người Mỹ, ra đời. Từ đó đến nay đề tài này vẫn bị xem là nhạy cảm và trải qua nhiều biến đổi của xã hội và cả những cuộc cách mạng tình dục ở Tây Âu những năm 1960, 1970 mà dòng phim đồng tính cũng có lúc thăng hoa rồi lại bình lặng. Cuộc trò chuyện với cây bút phê bình điện ảnh - nhà báo Lê Hồng Lâm sẽ gợi cho độc giả một cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển của dòng phim đồng tính trên thế giới.

* Tính ra cũng đã tròn một thế kỷ tính từ bộ phim được xem là có xu hướng đồng tính đầu tiên, Algie The Miner (1912), ra đời. Với vai trò là một nhà phê bình điện ảnh, theo anh dòng chảy ấy có đều trong suốt 100 năm qua hay có lúc dâng, lúc cạn?

- Xin đính chính là tôi không phải là một nhà phê bình điện ảnh, vì không được đào tạo trường lớp về lĩnh vực này. Tôi chỉ là một nhà báo và quan tâm, theo dõi về mảng điện ảnh do yêu thích. Tôi cũng không tìm hiểu sâu về đề tài đồng tính trong điện ảnh để có thể khẳng định về dòng chảy điện ảnh trong suốt 100 năm qua. Nhờ anh nói mà tôi mới biết là Algie The Miner là một bộ phim có xu hướng đồng tính cách đây đúng một thế kỷ và chỉ dài có 10 phút.

Tôi quan tâm đến đề tài đồng tính như bất cứ đề tài nào khác trong điện ảnh. Phim nào hay thì tôi nhớ, phim nào dở thì tôi quên.

Nếu có thể nói chắc chắn một điều gì đó thì tôi thấy đề tài đồng tính trong điện ảnh chỉ thực sự được quan tâm và được chú ý trong vòng khoảng hơn 20 năm trở lại đây. Một điều đáng chú ý nữa: Phim đồng tính và diễn viên đóng vai các nhân vật đồng tính dễ được đề cử và đoạt Oscar.

* Vậy nói một cách chính xác hơn thì dòng chảy của phim đồng tính có vị trí như thế nào trong dòng chảy của lịch sử điện ảnh?

- Không thể phủ nhận đây là một đề tài đặc biệt vì tính xã hội và chính trị của nó. Trước đây, sự kỳ thị khiến nó luôn là một đề tài “taboo” (cấm kỵ) trong điện ảnh nhưng xã hội ngày càng cởi mở hơn, các đạo diễn bắt đầu nói thẳng nói thật hơn. Có thể coi bộ phim có yếu tố đồng tính Midnight Cowboy của đạo diễn John Schlesinger được 7 đề cử Oscar và đoạt 3 giải quan trọng: Phim, Đạo diễn và Kịch bản xuất sắc nhất vào năm 1969 là một cột mốc táo bạo về đề tài này. Bộ phim này gây sốc vào thời điểm đó, dù yếu tố đồng tính hay những cảnh sex đồng giới giữa hai diễn viên Jon Voight và Dustin Hoffman trong bộ phim này không thực sự rõ nét. Tôi nghĩ điều này có được là nhờ cuộc cách mạng tình dục ở Âu Mỹ cuối thập niên 1960, giúp giới kiểm duyệt và xã hội có một cái nhìn cởi mở hơn. Bộ phim này cũng đẻ ra một thể loại mới là “gay western” mà phải 35 năm sau mới có một bộ phim lặp lại thành tích tương tự là Brokeback Mountain của đạo diễn Lý An. Phim của Lý An được 8 đề cử Oscar, cũng đoạt 3 giải nhưng trượt mất giải quan trọng nhất là Best Picture dù năm đó nó hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng này.

Rõ ràng nếu xét về đề tài và những cảnh tình dục đồng giới thì Brokeback Mountain là một cột mốc mới về đề tài này, nhưng tư duy của các vị Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ thì lại là một bước lùi. Dòng chảy của đề tài này, như anh nói, đúng là lúc dâng lúc cạn!

Midnight Cowboy của đạo diễn John Schlesinger được 7 đề cử Oscar và đoạt 3 giải quan trọng:
Phim, Đạo diễn và Kịch bản xuất sắc nhất vào năm 1969

* Năm 1994 bộ phim Philadelphia đoạt nhiều giải Oscar và người ta đã nói rằng qua bộ phim này Hollywood dường như muốn nói điện ảnh đã tiến sát hơn về đề tài vốn bị xem là nhạy cảm. Trong gần 20 năm qua, theo anh, thực tế có đúng như vậy không?

- Trước Philadelphia có hai bộ phim mà tôi rất thích cũng khai thác đề tài này ở những góc nhìn xã hội và chính trị rất mạnh mẽ là Kiss Of The Spider Woman (1985) và Crying Game (1992). Cả hai bộ phim nói trên đều được khá nhiều đề cử Oscar, trong đó có giải phim hay nhất. Nhưng cũng giống như Midnight Cowboy trước đó, yếu tố đồng tính trong các bộ phim này không được mô tả trực diện và bị làm mờ bởi các thông điệp khác. Philadelphia thì thực sự là một bộ phim đồng tính đúng nghĩa. Nhân vật chính là gay, bị mắc bệnh AIDS và đấu tranh để chống lại sự kỳ thị và đối xử bất công của xã hội dành cho anh ta. Thông điệp của bộ phim này thực sự mạnh mẽ và sự ủng hộ của khán giả (doanh thu của bộ phim này lên đến 206 triệu USD toàn cầu so với mức kinh phí 26 triệu USD bỏ ra ở thời điểm năm 1994) khiến bộ phim này đường hoàng thoát ra khỏi “vùng cấm” trong tư duy của cả giới làm phim lẫn giới kiểm duyệt. Các bộ phim thuộc đề tài đồng tính sau đó ở Hollywood rõ ràng có tiếng nói mạnh mẽ và trực diện hơn trước đó rất nhiều.

* Theo anh, thông điệp đồng tính trong điện ảnh có mang tính khu biệt? Kiểu như đồng tính trong phim Ý sẽ khác với Pháp và càng không giống với Hàn Quốc, Nhật Bản và sẽ lại càng không mang tính thị trường kiểu Hollywood?

- Tôi thì thấy phim về đề tài đồng tính của Âu, Á hay Mỹ thì cũng vật vã, đau khổ như nhau. Nhân vật thường cô đơn, bế tắc và dường như không có lối thoát. Nói chung là đẫm màu sắc bi kịch (hiếm hoi lắm mới có một bộ phim về đề tài này lại nhẹ nhàng, hài hước và sâu sắc như bộ phim về đề tài đồng tính nữ The Kids Are All Right).

Phim của châu Á, điển hình là Hàn Quốc thường mê-lô quá (The King And The Clown, Frozen River). Phim châu Âu thì luôn cởi mở, rõ rồi. Phim của Mỹ thì ngoại trừ các phim giải trí tầm thường, phần lớn những bộ phim về đề tài đồng tính đều mang tính chính trị và xã hội như gần đây là Milk, The Kids Are All Right hay bộ phim mới ra mắt J. Edgar của đạo diễn Clint Eastwood về cuộc đời của người sáng lập ra FBI (vai diễn dự báo đem lại giải Oscar đầu tiên cho Leonardo DiCaprio)…

Một cảnh trong bộ phim Undertow (2009) của đạo diễn Javier Fuentes-León

* Trong các đạo diễn của dòng phim này anh đánh cao những ai nhất? Và tất nhiên anh phải có lý do cho lựa chọn của mình…

- Tôi thấy chưa đạo diễn nào chuyên trị dòng phim đồng tính trong suốt cả sự nghiệp của họ. Nhưng đề tài này chắc là một thách thức và tham vọng của nhiều đạo diễn tên tuổi, đặc biệt là những đạo diễn vốn là người đồng tính. Cá nhân tôi thì thích những bộ phim nghệ thuật, khai thác thế giới nội tâm của nhân vật, mang lại nhiều cảm giác hơn là những bộ phim quá tham vọng thông điệp chính trị hay xã hội. Happy Together của Vương Gia Vệ, The Hours của Stephen Daldry, Brokeback Mountain của Lý An, A Single Man của Tom Ford, Spring Fever của Lâu Diệp hay gần đây là một bộ phim độc lập Undertow của Javier Fuentes-León (Peru) là những bộ phim yêu thích của tôi trong dòng đề tài này. Những bộ phim này khiến tôi không quá quan tâm đến đề tài có vẻ nhạy cảm mà thưởng thức chúng như những tác phẩm nghệ thuật thực thụ...

* Trong âm nhạc qua nhiều thời kỳ thì đều có những tuyên ngôn về đồng tính, bằng cách này hay cách khác để có sức mạnh riêng (mà Sir Elton John là ví dụ rõ nhất). Vậy trong điện ảnh, sức mạnh của nó đóng vai trò to lớn để mọi người có cái nhìn công bằng dành cho đồng tính?

- Chắc chắn những bộ phim về đề tài đồng tính, đặc biệt là những bộ phim mang thông điệp chính trị luôn có nhiều tuyên ngôn và sự đấu tranh cho quyền công bằng của người đồng tính, mà bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào cùng có chung quan điểm. Với cá nhân tôi, một tác phẩm điện ảnh thực sự là một bộ phim không có tuyên ngôn, hãy để nghệ thuật lên tiếng và mỗi khán giả sẽ cảm nhận nó theo cách riêng. Tôi nghĩ chừng nào các nhà đạo diễn không phải mất công tuyên ngôn nữa, thì chắc chắn là lúc đó, người đồng tính cũng sẽ được nhìn nhận công bằng như bao người khác…

* Xin cảm ơn anh.

Bài 2 - Phim đồng tính Việt: Từ rụt rè đến nổi loạn

Cung Tuy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm