25/10/2014 08:01 GMT+7 | Thế giới Sao
(giaidauscholar.com)- Cuộc trưng cầu ý dân về quy chế độc lập của vùng Catalonia sẽ không diễn ra vào ngày 9/11 như dự kiến nhưng điều này không có nghĩa là chủ nghĩa dân tộc ở Catalonia chấp nhận từ bỏ kế hoạch ly khai khỏi Tây Ban Nha. Trừ việc FC Barcelona đang đóng vai trò quyết định cho ước mơ 300 năm qua của người Catalonia mà mỗi trận siêu kinh điển là thêm 1 lần ước mơ ấy lại dấy lên.
Phút 17 phút và 14 giây của trận đấu giữa Real Madrid và Barcelona vào ngày 25/10/2014, sân Bernabeu rung chuyển bởi những tiếng hô Independencia! Independencia! (Độc lập! Độc lập!). Dĩ nhiên thì trận đấu chưa diễn ra khi số báo này lên khuôn nhưng thực tế thì cũng giống như mọi trận El Clasico khác, ý nghĩa của những con số trên có một lịch sử lâu đời.
Năm 1714, Catalonia bị vương quốc Castille đánh bại. 300 năm kể từ đó, xu hướng đòi ly khai chưa bao giờ biến mất ở người Catalonia nhưng thay vì dùng đến bạo lực, họ có cách phản đối duy nhất và cũng rất hiệu quả: Thể thao.
Có trụ sở ở Catalonia, Football Club Barcelona hay còn gọi là FC Barcelona là một trong những CLB lớn nhất thế giới. FC Barcelona lôi cuốn người hâm mộ bằng truyền thống lịch sử và thứ bóng đá đẹp, hấp dẫn dường như đã trở thành gen di truyền của họ. Tuy vậy thì với người Catalonia, FC Barcelona còn hơn một CLB. Nó là một phần của cuộc sống. Cũng vì thế mà việc FC Barcelona chọn câu “Mes Que un Club” (Còn hơn một CLB) như là khẩu hiệu chính thức của CLB đã phần nào nói lên chủ nghĩa dân tộc Catalonia.
Chủ nghĩa dân tộc Catalonia và vai trò của FC Barcelona
Trong thế kỷ 20, Tây Ban Nha nằm dưới chế độ độc tài quân sự Francisco Franco, người đã đàn áp văn hóa và ngôn ngữ địa phương một cách tàn bạo bằng cách ủng hộ Castile như là đại diện cho quyền lợi của tầng lớp trong và bên ngoài Madrid. Họ ép buộc sử dụng tiếng Tây Ban Nha Castile và cố gắng áp đặt văn hóa của riêng họ lên các vùng miền khác. Chính điều này đã nhen nhóm một số phong trào đòi ly khai trên khắp Tây Ban Nha và như tất cả đều thấy, nhiều phong trào vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay.
Trong thời kỳ độc tài của Franco từ năm 1939 đến 1976, về cơ bản, mọi khía cạnh của xã hội Catalonia bị cấm bỏ và mọi hoạt động văn hóa của họ bị những chính sách độc tài của tướng Franco áp đặt. Ghi nhớ tất cả những điều này trong đầu, vùng Catalonia nung nấu quyết tâm thay đổi và xóa bỏ mọi chính sách mà Franco đã tạo ra, đồng thời lưu giữ bản sắc riêng của mình từ thói quen, ngôn ngữ, âm nhạc, ẩm thực…
Những biểu ngữ luôn được các CVĐ Barcelona căng lên trong những trận cầu siêu kinh điển: “Catalonia không phải là Tây Ban Nha”
Trong cuộc chiến âm thầm này, bóng đá và FC Barcelona là một cầu nối lớn giữa người Catalonia và khát vọng độc lập. Bởi khi tất cả các khía cạnh văn hóa của Catalonia bị chế độ độc tài Franco đàn áp, người Catalonia ủng hộ và coi FC Barcelona như lá cờ biểu tượng của xã hội Catalonia. Thậm chí với nhiều người Catalonia, ủng hộ FC Barcelona là vinh dự và niềm tự hào.
Cũng vì thế, sự đối đầu mang tính lịch sử giữa Castile và những vùng ly khai như Catalonia, Andalucia, Galicia và Basque đã lan sang cả sân cỏ. Tất cả đều theo đuổi thành công và tham vọng thống trị La Liga như để tỏ rõ sức mạnh của từng vùng. Theo Richard Fitzpatrick, tác giả cuốn El Clasico: Barcelona v Real Madrid: Football's Greatest Rivalry thì “FC Barcelona tìm thấy điểm chung ở những người antimadridista (chống Madrid)” bởi vì Madrid đối với người Catalonia “là biểu tượng của chính quyền trung ương” Tây Ban Nha.
Bên cạnh đó, truyền thông cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong vấn đề này. Quan trọng đến mức báo chí xứ Catalonia ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Tây Ban Nha tại World Cup 2010 và Euro 2012 bằng cách chỉ giới thiệu những cầu thủ của FC Barcelona trong đội hình La Roja. Họ còn cho rằng, thành công của đội tuyển Tây Ban Nha thực chất là chiến thắng dành riêng cho Catalonia và tận dụng cơ hội này để kêu gọi độc lập.
Đương nhiên, với một sự kiện như World Cup 2010, cả thế giới không thể không chú ý khi 7 trong 11 cầu thủ đá chính của La Roja ở trận chung kết với Hà Lan là thành viên của FC Barcelona. Điều này cũng đồng nghĩa một thông điệp từ Catalonia được phát đi, hàng tỷ người trên thế giới sẽ biết đến phong trào ly khai của Catalonia.
Những rào cản chính trị, pháp lý và thể thao
Thế nhưng, khi người đứng đầu vùng Catalonia, Artur Mas, mới đây tuyên bố hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân về việc tách ra độc lập dự kiến được tổ chức vào ngày 9/11 vì thiếu những bảo đảm về mặt pháp lý, tất cả đều thấy được rằng, sẽ không đơn giản để Catalonia có thể tuyên bố độc lập ngay lập tức.
Vấn đề chính vẫn là tiền bạc. Về mặt chính trị và kinh tế, Catalonia chiếm 20% GDP của Tây Ban Nha. Mất Catalonia đồng nghĩa Tây Ban Nha sẽ mất đi 20% GDP đó. Ngược lại, rời bỏ Tây Ban Nha không có nghĩa kinh tế Catalonia sẽ không bị ảnh hưởng.
Dù là ước mơ của từ đứa trẻ, nhưng Catalonia cũng như Barcelona vẫn là 1 phần lịch sử của Tây Ban Nha
Tương tự như thế là bóng đá. Theo quy định của Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha (RFEF) thì một CLB đăng ký nằm trong biên giới quốc gia mới có thể thi đấu ở La Liga. Trong trường hợp này, nếu Catalonia tách ra, FC Barcelona sẽ mất đi nguồn thu lớn nhờ việc tham dự La Liga, với con số lên đến hàng trăm triệu euro mỗi năm.
Đáng bàn hơn, một giải Liga Catalonia sẽ chỉ có một trận đấu lớn giữa Barcelona - Espanyol và nhiều đội bóng vô danh ở dạng bán chuyên như Girona, Sabadell, Llagostera, Gimnastic de Tarragona, Europa và Sant Andreu tạo nên. Hiển nhiên thì khi đó, bất chấp truyền thống lịch sử và triết lý bóng đá tấn công, sẽ chẳng có CĐV nào còn muốn xem Barcelona thi đấu nữa nếu Liga Catalonia chỉ có một mình họ là nhà vô địch. Hệ quả kéo theo là sự rút lui của các nhà tài trợ và các hãng truyền hình. Khi đó thì biểu tượng một thời của xứ Catalonia sẽ nhanh chóng lụi tàn.
Còn nếu cho rằng FC Barcelona sẽ trở thành đội tuyển quốc gia hay tham dự Ligue 1 của Pháp, ý nghĩ đó còn khó khả thi hơn việc Catalonia từ bỏ ý định ly khai hay FC Barcelona và các CLB của vùng xin ở lại La Liga.
Sau cùng thì chuyện này không phải không có tiền lệ khi Monaco của công quốc Monaco thi đấu ở Ligue 1, các CLB của xứ Wales như Swansea, Cardiff, Wrexham… chọn là thành viên của Liên đoàn bóng đá Anh (FA) thay vì Liên đoàn bóng đá xứ Wales.
Mạnh Hào
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất