12/10/2015 13:26 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Tuy nói chung là “các sân khấu” tại TP.HCM, nhưng thực ra chỉ còn các sân khấu kịch nói, nơi đa phần do tư nhân (hay gọi mỹ miều hơn: xã hội hóa) điều phối, thuê mặt bằng, nên hoàn toàn khó ổn định. Những bộ môn truyền thống hơn như tuồng, cải lương... thì gần như rút vào hoạt động phục vụ sự kiện thay cho trình diễn trong nhà hát đúng nghĩa.
Trung tâm Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo (quận 1) xây dựng xong, dự kiến bàn giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang từ ngày 10/4/2015, thế nhưng đến nay vẫn chưa thật sự được tiếp nhận, do phía nhà hát thấy sân khấu không đúng quy chuẩn, rất khó dựng vở. Thế là phải chờ sửa chữa, khắc phục, nhưng theo giới dàn dựng cải lương, sửa gần như không được, vì sai căn bản lớn quá.
Thế là cải lương tiếp tục trú tạm tại rạp hát Thủ Đô (quận 5), cũng là rạp cải lương nổi tiếng từ trước 1975, nhưng nay đã xuống cấp, không có chỗ giữ xe riêng, phải nhờ tư nhân và các vỉa hè.
Sống chết mặc… tư nhân?
Đạo diễn Ái Như (bà bầu Kịch Hoàng Thái Thanh) chia sẻ cái khó của sân khấu kịch xã hội hóa ở TP.HCM, nơi vẫn được nêu danh như là mảnh đất thành công của sân khấu xã hội hóa: “Đa phần sân khấu sáng đèn hàng đêm tại Sài Gòn là của tư nhân, trong con mắt của phía quản lý, của nhiều người thì “giàu út hưởng, nghèo út chịu”.
Họ cũng quên luôn chuyện tụi tôi đã đóng góp gì cho đời sống tinh thần của người dân, giúp họ thư giãn, thanh lọc tâm hồn, để ngày mới họ trở nên nhẹ nhàng, yêu đời hơn. Dù giữ tiếng nói chủ đạo như vậy, nhưng tụi tôi đều phải “tự bơi”, hay thì chẳng ai khen, không hay chẳng ai khích lệ, chứ đừng nói hỗ trợ, đầu tư, đặt hàng…, thành ra tụi tôi cô độc lắm, phá sản cũng chẳng biết cầu cạnh ai”.
Một sân khấu vừa kỷ niệm 15 năm tồn tại, có lúc đã có đến 3 chi nhánh như Kịch Hồng Vân, cũng vừa đề cập đến chuyện đóng cửa vì sợ không chịu nổi áp lực tăng tiền mặt bằng của Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận.
Dường như ở đây chỉ có mối quan hệ thuê mướn thuần túy, đến ngày giờ là tăng tiền nhà, họ mặc kệ sức lan tỏa, tác động, hay dư âm văn hóa mà sân khấu này mang lại cho trung tâm (?). 14 năm qua, Kịch Hồng Vân đều giỗ Tổ tại đây, nhưng năm 2015 đã dời về Trung tâm Thương mại Superbowl (quận Tân Bình).
Điều này cũng tương tự như Kịch Nụ Cười Mới, sau khi dời về 643 Điện Biên Phủ, quận 3, thì giỗ Tổ cũng phải dời về Trung tâm Văn hóa quận 10, nhưng không về địa điểm mới, mà phải “nương nhờ” tại Sân khấu ca nhạc 126.
“Ông bầu” Lê Bảo Anh sau khi đóng cửa Kịch Thuần Việt (quận 2), thì tái xuất tại Trung tâm Văn hóa Hậu Giang (quận 6) vào đầu tháng 8/2015, nơi có sân khấu đẹp, chuẩn bậc nhất, nhưng cũng không trụ được đến giỗ Tổ, đành sang nhượng lại cho nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, bà bầu của những sân khấu kịch cà phê.
Ngay cả Nhà hát Kịch TP.HCM (quận 1) cũng gần như phai nhạt vai trò hát kịch của mình. Sau vụ lùm xùm với nghệ sĩ Ngọc Trinh về chuyện cho thuê “xã hội hóa” mặt bằng, nhà hát đổi giám đốc. Đến nay thì nhà hát cũng phải kết hợp xã hội hóa với Kịch Sen Việt để có thể sáng đèn nhiều suất hơn.
Kịch 5B thì đã đóng cửa chờ kinh phí nâng cấp từ mấy tháng qua, nhưng có vẻ còn phải đợi lâu, vì mọi thứ mới dừng ở chỉ đạo, chứ chưa thực hiện.
Lối thoát nào?
Nếu hỏi sân khấu kịch nào hiện nay bán vé tốt nhất, có lẽ câu trả lời sẽ là Kịch Thế Giới Trẻ (quận 1), vốn thuộc khuôn viên ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, nhưng do ông bầu Ngọc Hùng và cộng sự thuê dựng vở. Đông khách vì sân khấu chỉ dựng những vở nào khán giả trẻ thích coi và dễ coi, như kinh dị, đồng tính.
Hoặc các sân khấu siêu nhỏ như Kịch Bệt của bà bầu Thiên Kim, Kịch cafe KC của Trịnh Kim Chi, vốn trú ngụ trong quán cà phê. Chứ những sân khấu kỳ cựu, bề thế hơn như Kịch IDECAF, Kịch Sài Gòn, Kịch Hồng Vân... vé bán đều giảm đến 30-40%, nhất là với các vở nghiêm túc, chất lượng nghệ thuật tương đối khá.
Kịch Sài Gòn là sân khấu duy nhất tại Việt Nam sáng đèn hết các đêm trong tuần, nhưng theo nghệ sĩ Mạnh Tràng là phải bù qua sớt lại, mà những vở người dựng thấy thích thì phải chịu bù, làm cho khỏi lụt nghề thôi, chứ bán vé hẻo lắm.
Ngay với một tên tuổi thu hút phòng vé như Hoài Linh cũng không cứu nổi Kịch Nụ Cười Mới và các tụ điểm khác do anh đứng mũi chịu sào. Bởi hài kịch đã xếp hàng lên truyền hình, nên truyền hình trở thành lối thoát bất đắc dĩ, mà cát-sê truyền hình chỉ lấy một lần, trong khi sân khấu ăn dài dài thì bị bít lối.
Như vậy là, lối thoát gần như chưa có, mà khả năng sắp “ngạt thở” thì rất nhiều. Đành rằng tư nhân làm thì tư nhân phải tự lo mọi điều, nhưng liệu một nơi như TP.HCM có thể khoán trắng sân khấu cho tư nhân không?
Gần đây, NSND Hồng Vân chia sẻ suy nghĩ của chị về vấn đề này với báo chí: “Ngoài sự nỗ lực, tự thân vận động vươn lên của mỗi đơn vị, để giải quyết tình trạng khó khăn hiện nay, loại hình này rất cần một sự hỗ trợ mang tính thiết thực, tổng thể và có trọng điểm hơn từ cơ quan chức năng ngành văn hóa. Là đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM, tôi hiểu kinh phí dành cho phát triển văn hóa - văn nghệ của thành phố đang eo hẹp. Nhưng nếu để mười năm sau nữa mới nghĩ đến chuyện vực dậy văn hóa thì e sẽ trễ. Hiện nay, để một sân khấu tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của khán giả thì nơi đó rất cần một điểm tựa, cần được nuôi một thời gian để họ yên tâm làm nghề”.
Về sự hỗ trợ này, chị đưa ra gợi ý ví dụ: “Sở Giáo dục - Đào tạo kết hợp với Sở Văn hóa - Thể thao dành thời gian cho các em học ngoại khóa môn văn bằng cách đi xem kịch. Chúng tôi sẽ lấy nửa giá vé thôi, và Sở cho thêm 25% nữa, vậy phụ huynh chỉ tốn 25% tiền vé, quá rẻ so với ăn một tô hủ tiếu. Đói cơm đói áo thì còn thấy được, nhưng đói văn hóa không ai thấy, cho tới lúc các em ghiền game, thích đánh nhau thì người lớn chúng ta la toáng lên. Nhất là môn văn, cứ bảo các em không yêu, rồi học kém, thì thử đi xem kịch của chúng tôi, chắc chắn là sẽ khác đi”.
Phải chăng đây là một lối thoát? E cũng chưa phải.
(Còn tiếp)
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất