18/07/2014 08:07 GMT+7 | Phim
(giaidauscholar.com) - Xét về thể loại phim kinh dị - chủ đề ác quỷ, có thể nói Đoạt hồn (đạo diễn Hàm Trần) công chiếu toàn quốc vào ngày 18/7 đã đạt đến đẳng cấp quốc tế, dù mức đầu tư không lớn.
Thường thì thể loại phim này bắt đầu bằng cuộc trở về hay báo thù từ cõi âm, nơi các nhân vật chính bị dính chặt vào một địa điểm, khó thoát ra được. Đoạt hồn cũng vậy, nó bắt đầu bằng cái chết của bé Ái 8 tuổi (Thanh Mỹ thủ vai), một tuần sau Ái sống dậy trong nhà xác ở Châu Đốc, rồi theo cậu trở về nhà. Tiếp theo sẽ là gì, đó là cao trào chính của chuyện phim được đan cài chặt chẽ, phức tạp.
Dựng phim “chất”
Đẳng cấp của thể loại phim này thường được thể hiện và nhận diện rõ nhất qua cách quay phim, dựng phim. Không hổ danh là người dựng phim hàng đầu với Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Để Mai tính, Khát vọng Thăng Long, Long Ruồi…, trong Đoạt hồn, Hàm Trần không tập trung nhiều vào việc hù dọa bằng hành động trực tiếp, mà chủ yếu là cái không khí hồi hộp, căng thẳng được nuôi dưỡng liên tục, nhằm đánh lừa thị giác bằng thủ thuật dựng phim cao tay nghề.
“Có bột mớt gột nên hồ”, tất nhiên việc dựng phim muốn thành công thì các khâu tiền kỳ như bối cảnh, quay phim, diễn xuất và các khâu hậu kỳ như kĩ xảo, âm thanh, nhúng màu… phải đồng bộ. Nhìn tổng thể, Đoạt hồn đã có được tất cả điều này, mà trong đó nổi trội nhất vẫn là bối cảnh, do Đỗ Khải An và Lã Quý Tùng đảm trách.
Thường với thể loại này, các tình tiết trọng tâm sẽ diễn ra vào ban đêm, hoặc những nơi tối tăm, thế nhưng ở Đoạt hồn lại là ban ngày, tại căn nhà khang trang, sạch sẽ, nên yêu cầu về bối cảnh khắt khe hơn rất nhiều. Hai họa sĩ đã khá thành công, nhất là về các chi tiết, trong việc thiết kế nên các bối cảnh như yêu cầu của đạo diễn và đạo diễn hình ảnh Nate Fu. Quay phim khá ấn tượng, có nhiều cú máy sáng tạo.
Một “lượng bột” quan trọng khác là diễn viên hùng hậu, họ đảm trách tốt các vai quan trọng hoặc có tính cách móc xích. Thanh Mỹ (8 tuổi) đã thật sự hút hồn người xem bằng diễn xuất rất đặc biệt, kế đến là Trần Bảo Sơn, Nhung Kate, Mai Thế Hiệp, Huy Ma…, và cả các vai của Kiều Chinh, Minh Trang, NSƯT Ngọc Hiệp, Thương Tín, Nguyễn Hồng Ân, Suboi... Để tròn vai cho cả tuyến chính và tuyến phụ như vậy, kịch bản cần dày dặn, chặt chẽ, nên Đoạt hồn đã cần đến 4-5 người góp ý tưởng và viết.
Kịch bản “chiết xuất” từ tâm linh Bắc bộ
Lấy cảm hứng từ các hình tượng trong tứ phủ thánh cô, đạo mẫu, lên đồng, chú Tễu, rối nước…, kịch bản đã bày biện được một góc văn hóa tâm linh vốn xuất hiện chủ yếu ở nông thôn Bắc bộ ngày trước.
Tuy là sự hòa trộn, không còn là văn hóa thuần khiết và không rõ triết lý, nhưng Đoạt hồn đã thoát được tâm thế phê phán, quy kết mê tín đị đoan, vốn dễ bắt gặp trong nhiều phim trước đây (ví dụ Trăng nơi đáy giếng). Phim đã thực sự mượn nguồn tâm linh bản địa này để ứng phó lại các thế lực quỷ quái dùng bùa ngải để đoạt hồn, mượn hồn… Nhìn từ tâm thế người xem có am hiểu tập tục thì phim này chỉ có tính cách “hương xa”, nhưng với giới trẻ ở các đô thị ngày nay, đặc biệt là người nước ngoài, Đoạt hồn vẫn khá lạ lẫm.
Nếu có điều gì luyến tiếc sau 97 phút phim, đó là mấy phút cuối cùng Đoạt hồn đã cho nhân vật tỉnh cơn ác mộng, nghĩa là hơn 90 phút sống động, lôi cuốn vừa qua là không có thật. Giá như đạo diễn mạnh dạn hơn và hội đồng kiểm duyệt thoáng mở hơn thì câu chuyện hư cấu Đoạt hồn đã toàn diện hơn. Bởi người đi xem phim hư cấu cần cảm xúc nhiều hơn sự thật, tình tiết tỉnh mộng khiến họ như bị phản bội về niềm tin vào câu chuyện.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất