Rubik bóng đá: Khi niềm tin sống lại

02/07/2014 14:51 GMT+7 | Vòng 1/8

(giaidauscholar.com) - Sáng thứ Ba, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy bị cơ quan chống tham nhũng của cảnh sát Pháp tạm giữ để điều tra. Giới quan sát nín thở chờ đợi những ý kiến chấn động trong xã hội Pháp về sự kiện này…

1. 7 giờ 17 phút sáng ngày 1/7, hãng BBC (Anh) bắt đầu thực hiện cuộc tường thuật trực tiếp về vụ tạm giữ cựu tổng thống Nicolas Sarkozy. Nó hứa hẹn sẽ là một vụ việc rung chuyển nước Pháp.

Nhưng đến 8 giờ 9 phút, BBC thông báo đến bạn đọc của họ, trong phần tường thuật trực tiếp, một tin dường như hụt hẫng: “Truyền thông xã hội Pháp sáng nay bị thống trị bởi các tin tức bóng đá chứ không phải Nicolas Sarkozy, sau khi Pháp vượt qua Nigeria để vào tứ kết World Cup”.

Hình ảnh được lan truyền nhiều nhất về người đứng đầu chính phủ Pháp, tổng thống đương nhiệm Francois Hollande giữa scandal chính trị khá nghiêm trọng này, trong buổi sáng nay, cũng là ảnh ông đang giơ hai tay lên ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Pháp tại điện Elysee.

Trước scandal của ông Sarkozy, đã có nhiều phân tích cho rằng chính bóng đá đang là thứ khiến người Pháp quên đi đời sống xã hội nhiều bất ổn của họ giai đoạn này. Nhưng có lẽ dòng thông báo sáng nay của BBC là minh chứng mạnh mẽ nhất cho điều đó.

2. Niềm tin của nước Pháp với Les Bleus đã xuống đến cực điểm sau World Cup 2010 và việc đội tuyển nước này nhọc nhằn vượt qua vòng loại càng khiến cho niềm tin ấy trở nên mong manh.

Nhưng những chiến thắng ấn tượng tại Brazil đã thắp lại niềm tin và hy vọng. Bây giờ, đội tuyển mà 4 năm trước còn là “Kẻ thù quốc gia” (bị chính ông Sarkozy yêu cầu điều tra) giờ lại trở thành những người hùng cứu rỗi sự lạc quan trong xã hội.

Xã hội Pháp đang đối mặt với nhiều thách thức. Kinh tế suy thoái, số lượng người thất nghiệp cao kỷ lục, có đến 26,5% thanh niên Pháp đang không có việc làm.

Một bàn thắng của Pogba trong bối cảnh này có thể giúp nhiều triệu người Pháp phấn chấn. Và nếu như Les Bleus, đội bóng được đánh giá khá thấp về cơ hội vô địch, có thể giữ cách chơi bóng điềm tĩnh này và xưng vương vào ngày 13/7 tới, thì đó sẽ là một liều thuốc tiên cho xã hội Pháp.

Trước khi Italy có chức vô địch World Cup 2006, dự đoán tăng trưởng kinh tế của họ trong năm đó là 1,5%. Với chức vô địch, con số thực tế là 2%. Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng ABN Amro Hà Lan khẳng định rằng theo nghiên cứu của họ, chức vô địch World Cup “có giá” khoảng 0,2 điểm phần trăm với nền kinh tế. Không chỉ có Italy, mà hầu hết các quốc gia có đội tuyển đăng quang đều chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng. Điển hình là Argentina năm 1978, với tỷ lệ tăng GDP cao ngất ngưởng là 7,1%.

3. Nhưng câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ diễn ra, nếu như người Pháp được nâng lên chỉ để bị… quật xuống?

Đó sẽ là một thảm họa tinh thần. Nếu như họ không tin tưởng từ đầu, mọi chuyện là một nhẽ khác. Đằng này, đội tuyển Pháp đã “trót” trở thành thứ cứu rỗi tinh thần của người Pháp. Và vòng sau, đối thủ của họ sẽ là Đức - ứng cử viên số 2 của chức vô địch.

Họ sẽ lại quay về đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục và các bê bối chính trị. Cũng theo các nghiên cứu, thì song song với các “phần thưởng” kinh tế khi thắng tại World Cup, quốc gia có đội thua cuộc có thể trả một cái giá đắt. Đơn cử, nhiều chuyên gia kinh tế Anh tin rằng họ có thể mất hàng tỷ bảng vì thất bại cay đắng tại giải năm nay.

Trách nhiệm của Deschamps và các học trò, vì thế, bây giờ nặng nề hơn bất kỳ một đội tuyển Pháp nào trong lịch sử.

ĐỨC HOÀNG
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm