13/11/2020 20:14 GMT+7 | Giao lưu Việt - Đức
(giaidauscholar.com) - Lật giở từng bức ảnh của Thomas Billhardt trong cuốn sách ảnh Hà Nội 1967 - 1975, ta có thể thấy một Hà Nội chân thực, bình dị, đầy cảm xúc trong thời chiến. Nói như nhà văn Đỗ Phấn, những dấu vết cuộc sống thời chiến êm đềm, nhẹ nhàng, lãng mạn đến vô cùng có thể nhìn thấy rất rõ ràng qua ống kínhcủa nhiếp ảnh gia người Đức này. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng có những khoảnh khắc thật bi thương.
Được tổ chức đầu tháng 10, triển lãm ảnh Hà Nội 1967 - 1975 do Viện Goethe, Nhã Nam và Manzi tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng về hình ảnh một Hà Nội thời chiến. Nối dài cảm xúc về một thời gợi thương gợi nhớ đã qua, mới đây, buổi ra mắt cuốn sách ảnh cùng tên đã được tổ chức, song hànhlà cuộc trò chuyện trực tuyến với nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt.
Biên niên sử bằng hình ảnh về Hà Nội thời chiến
Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1967. Đối với ông, đây là một sự kiện lớn trong cuộc đời. Bởi, chỉ qua chuyến đi này, ông mới hiểu rõ vai trò của một nhà báo, một phóng viên nhiếp ảnh.
Theo ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe: “Đến Việt Nam vào thời chiến, Thomas Billhardt đã tạo cho bản thân một ý thức rằng đây không phải là chuyến đi chỉ để chụp ảnh, để lấy tài liệu mà ông còn đứng về phía lẽ phải. Nhiệm vụ Thomas Billhardt tự đặt ra cho mình là những thứ ông đem trở về nước Đức không chỉ là những bức ảnh mà còn là những thứ thuộc về trái tim mà ông đã tiếp nhận được ở Việt Nam”.
Chụp ảnh thời chiến từ nhiệm vụ tự thân, những bức ảnh mà Thomas Billhardt chụp cảnh chiến tranh tàn phá ở Việt Nam đã làm thức tỉnh lương tâm của rất nhiều người Đức sau đó.
Không sai khi nói, Hà Nội 1967 - 1975 là cuốn sách mang nửa thế kỷ quá khứ trở về lại với hiện tại. Ở đó, người dân Việt Nam vẫn sống và làm việc bình thường, vừa chịu đựng, vừa chống trả lại sự khốc liệt của chiến tranh.
“Những năm đầu mới tiếp quản Thủ đô, cuộc sống ở Hà Nội êm đềm, nhẹ nhàng lãng mạn vô cùng, người ta có thể nhìn thấy những dấu vết này rất nhiều trên những bức ảnh của Thomas Billhardt chụp” - nhà văn Đỗ Phấn phân tích. “Qua những bức ảnh chụp Hà Nội vào khoảng năm 1967, có thể thấy thành phố khi ấy đã sơ tán gần như triệt để, chỉ còn những người làm công việc hết sức cần thiết mới phải ở lại.
Người già, trẻ con thậm chí nhiều nhà máy, công xưởng đã sơ tán về những vùng nông thôn. Không khí chiến tranh thời bấy giờ, tôi còn nhớ rất rõ mỗi một lần được về Hà Nội, thấy thành phố của mình vắng lặng đến lạ, những con phố rất dài, không gặp bất cứ một ai. Nhưng từ những năm từ 1972 đến 1975 thì nhịp sống trở lại tương đối nhộn nhịp, bình thường hơn dù vẫn phải đối mặt với chiến tranh”.
Vào thời chiến, do điều kiện hạn chế về máy ảnh và vật tư, nên không có nhiều người có đủ điều kiện để ghi lại những khoảnh khắc về cuộc sống thời chiến ở Thủ đô. Mặc dù thời bấy giờ, các nghệ sĩ nhiếp ảnh kể cả những nghệ sĩ trẻ ở Hà Nội không phải ít, song không ai có thể sở hữu được những bộ ảnh đầy đủ về Hà Nội thời chiến như Thomas Billhardt qua 6 lần sang Việt Nam.
"Coi việc ghi lại những khoảnh khắc đời thực ở Hà Nội như “một nghi thức đầu tiên của người chụp ảnh”, cho nên Thomas Billhardt rõ ràng không phải chụp ảnh theo cách của những người làm nghệ thuật, không nhìn thấy bất cứ sự chấm phá nào để thấy Thomas Billhardt cố tình làm ra những kỹ thuật, kỹ xảo về ánh sáng, bố cục để ly kỳ, ghê gớm hóa tác phẩm của mình” - nhà văn Đỗ Phấn nhận xét.
Chính vì thế, bộ ảnh của Thomas Billhardt giống như một biên niên sử bằng hình ảnh về Hà Nội thời chiến.
Một ống kính nghĩa tình sâu nặng
Đối với ông Trần Ngọc Quyên - nguyên Tham tán Công sứ - Đại sứ quán Việt Nam tại Đức thì, Thomas Billhardt là một người nặng tình nghĩa với đất nước và con người Việt Nam.
Ông quen biết với Thomas Billhardt nhân Tuần lễ phim Việt Nam tại Berlin năm 2000. Khi ấy, Thomas Billhardt đến tham dự ra mắt bộ phim Iced Lemonade For Hong Ly (tạm dịch: Một ly nước chanh cho Hồng Lý).
Bộ phim bắt nguồn từ việc, “trong chiến tranh, Thomas Billhardt vào Quảng Bình, ông đã chụp được bức chân dung một nữ thanh niên xung phong tên Hồng Lý. Thomas Billhardt có hỏi người nữ thanh niên xung phong ấy: Khi hòa bình, nguyện vọng của chị là gì? Hồng Lý nói đơn giản rằng: “Tôi chỉ muốn ra Hà Nội và uống một cốc nước chanh”. Từ câu nói này, Thomas Billhardt đã làm một bộ phim về nữ thanh niên xung phong ấy, với tư cách là một người chụp ảnh. Tình nghĩa của Thomas Billhardt dành cho nhân vật trong ảnh của mình rất sâu nặng” - ông Trần Ngọc Quyên kể lại.
Năm 1999, nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt nảy ra một ý tưởng muốn tìm lại các nhân vật trong các bức ảnh mà mình đã chụp. Thomas Billhardt đã phối hợp cùng với Bộ Văn hóa tổ chức một triển lãm ảnh cỡ lớn ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội với khoảng 40 bức ảnh.
Được lắng nghe trực tiếp những lời tâm sự của Thomas Billhardt, ông Trần Ngọc Quyên kể: “Khi ấy người xem triển lãm rất đông, có người nhận ra ngay chính mình, có người nhận ra bạn của mình, có người nhận ra hàng xóm của mình, người nọ truyền người kia đến gặp Thomas Billhardt. Từ đó, Thomas Billhardt tìm lại được rất nhiều nhân vật trong ảnh của mình. Có những người làm thương nhân, có những người trở thành sĩ quan quân đội… tất cả họ đều có cuộc sống ổn định tốt sau thời chiến”.
Thomas Billhardt luôn đầy nghĩa tình với những nhân vật trong ảnh, luôn muốn biết cuộc sống của họ sau này như thế nào. Nếu có thời gian sang Việt Nam, Thomas Billhardt đều cố gắng thăm hỏi những nhân vật của mình.
“Bức ảnh để lại cho tôi ấn tượng mạnh nhất có lẽ là bức ảnh tôi chụp tháng 10/1972 trong nhà xác, mô tả một ngườibà đangkhóc bên đứa cháu mình. Em bé đã chết do bị bom rơi trúng” - nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt nhớ lại - “Bản thân tôi không muốn chụp ảnh người chết, cảnh tàn phá để sau này có thể được nổi tiếng hay để khoe khoang. Tôi không hề muốn. Nhưng tôi không thể nào làm khác được khi chứng kiến người bà khóc bên cạnh xác đứa cháu mình. Tôi bắt buộc phải chụp. Bản thân tôi lúc chụp cũng khóc. Khi ấy tôi vẫn bấm máy ảnh và nói chuyện với người bà, mặc dù người bà không hiểu tôi nói gì nhưng tôi vẫn nói và hứa với người bà ấy: Tôi sẽ đăng bức ảnh này hàng triệu lần để cho cả thế giới phải nhìn thấy, giống như bản cáo trạng về chiến tranh.
Năm 1999, khi trưng bày bức ảnh này tại triển lãm ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tôi đã gặp một người đàn ông với vẻ mặt đầy kích động tìm đến tôi. Nhờ phiên dịch tôi biết được đó là người cha của đứa trẻ đã chết. Sau đó, ông đã mời tôi đến thăm nhà. Gia đình họ cũng có một bức ảnh treo trong nhà do chính tôi chụp. Đó là một tờ họa báo của Đức ngày đó có bức ảnh của tôi được đăng trên trang giữa. Nhờ một người sinh viên học tại Đức quen biết, gia đình đã biết và đưa bức ảnh về Việt Nam. Gia đình nói với tôi rằng: Đây là em bé cuối cùng đã chết trong chiến tranh phá hoại ở Hà Nội”.
Cho đến ngày hôm nay, khi chiến tranh đã mãi lùi xa, Thomas Billhardt vẫn luôn tự giao cho mình một nhiệm vụ đặc biệt. Nhiệm vụ của một người chụp ảnh đất nước và con người Việt Nam bằng tình nghĩa sâu nặng. “Nhiệm vụ của tôi là tiếp tục trưng bày những bức ảnh mà tôi chụp để mọi người biết Việt Nam thực sự như thế nào. Tôi hy vọng khi nhìn thấy những bức ảnh tài liệu của tôi, họ sẽ hiểu Việt Nam, yêu Việt Nam như chính tôi là người đã qua Việt Nam nhiều lần, từ đó mà yêu người Việt Nam. Tôi đã gặp những người Việt Nam rất hiếu khách, chăm chỉ, tôi muốn đưa những ấn tượng đó ra thế giới” - nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt nói.
Công Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất