Sách thiếu nhi cùng trẻ vào hè (Kỳ 4 & hết): Sống trẻ thơ, để rồi viết trẻ thơ

06/06/2024 14:21 GMT+7 | Văn hoá

Suốt 5 năm qua, trước thềm Hè sang, Giải thưởng Dế Mèn luôn đồng hành với trẻ bằng một "thực đơn" sách hấp dẫn thông qua những tác phẩm xuất sắc được vinh danh. Chỉ có điều, không hiểu sao, thể loại thơ thiếu nhi bỗng dưng… rất hiếm. Đến mùa giải thứ 5 vừa qua, mới có 1 tập thơ duy nhất được vinh danh là Vương quốc nhỏ bí mật (minh họa Như Quỳnh, NXB Hà Nội, Crabit Kidbooks) của Lã Thanh Hà.

PGS-TS - nhà phê bình Văn Giá, thành viên Hội đồng giám khảo: "Đã lâu rồi, kể từ sau tập Ra vườn nhặt nắng (2015) của Nguyễn Thế Hoàng Linh, cho đến bây giờ mới có một tập thơ viết cho thiếu nhi thành công đến vậy".

"Đã có một lớp nhà thơ viết cho thiếu nhi khác trước"

"Nguồn cảm hứng là tình yêu, sự quan sát tỉ mỉ, dịu dàng đối với thế giới thiên nhiên, loài vật xung quanh, người thân yêu trong gia đình. Lối cảm, lối nghĩ là của trẻ thơ, thuộc về trẻ thơ. Cảm xúc hồn nhiên, trong trẻo, trìu mến, thanh khiết" - nhà phê bình Văn Giá nhận xét về tác phẩm - "Những cách nghĩ, hiểu về thế giới bên ngoài hết sức thông minh, bất ngờ, đột xuất, gây nên những thích thú ở người đọc. Tất cả thuộc về một thế giới trẻ thơ thời hiện đại, đương đại, đồng hành với trẻ thơ hôm nay".

Sách thiếu nhi cùng trẻ vào hè (Kỳ 4 & hết): Sống trẻ thơ, để rồi viết trẻ thơ - Ảnh 1.

PGS-TS, nhà phê bình Văn Giá

Nhà phê bình Văn Giá phân tích thêm: Trong Vương quốc nhỏ bí mật có nhiều bài thơ được viết bằng cảm giác của đời sống trẻ thơ một cách tự nhiên và thành thực. Như bài thơ Gửi bàn tay thương mến, tác giả viết về đôi bàn tay biết cười, biết khóc, khi vui vỗ tay, khi buồn lau nước mắt. Như thế đã đủ dễ thương! Nhưng hóa ra, một đôi bàn tay vẫn chưa đủ, trong lúc cô đơn lại cần thêm những đôi tay khác… để ôm, nếu cảm thấy chưa đủ, còn ôm lâu hơn một chút: "Nếu bàn tay cô đơn/ Cần thêm đôi tay khác/ Và bên nhau một lát/ Và thêm một cái ôm/ Và để chắc chắn hơn/ Mình ôm thêm một chút".

Đây thực sự là một cách hình dung không lên gân, giả tạo hay để giáo dục bất cứ ai, đó là những vần thơ chan chứa yêu thương. Với nhiều bài thơ như Gửi bàn tay thương mến, tác giả Lã Thanh Hà đã mang đến những yêu thương bằng những trực cảm tinh nhạy, như một thứ "linh giác" trẻ thơ, khi đọc và cảm nhận đều thấy ấm áp và xúc động.

Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với ông:

* Xin ông cho biết rõ hơn về sự so sánh của mình giữa 2 tập thơ "Vương quốc bí mật" của Lã Thanh Hà và "Ra vườn nhặt nắng" của Nguyễn Thế Hoàng Linh"?

- Năm 2015, khi Ra vườn nhặt nắng của Nguyễn Thế Hoàng Linh ra mắt, đó là một nét mới đột xuất trong mạch thơ người lớn viết cho thiếu nhi. Thời điểm đó, sự xuất hiện của Nguyễn Thế Hoàng Linh cho thấy một tác giả đã "sống trẻ thơ" để sáng tác. Không sống hộ, hay đóng vai, anh giữ được con người trẻ thơ trong tâm hồn và viết bằng con người trẻ thơ đó.

Với Ra vườn nhặt nắng, Nguyễn Thế Hoàng Linh cho thấy cách cảm, cách nghĩ, cách biểu đạt đúng nghĩa bằng con người trẻ thơ của mình, để đứa trẻ trong chính con người mình cất tiếng. Mỗi bài thơ là một biểu đạt sống động, tươi mới, như lời của con trẻ thay vì phải cố gắng lên gân, mượn giọng để nhắc nhở, dạy dỗ. Lối viết của Nguyễn Thế Hoàng Linh đã có một sự bứt phá khác với thế hệ đi trước. Đó là lối viết trẻ thơ.

Bẵng đi một thời gian, dù thơ viết cho thiếu nhi xuất hiện nhiều nhưng không còn thấy lối viết như của Linh. Sau 10 năm, lối viết ấy đã trở lại với tập thơ Vương quốc nhỏ bí mật của Lã Thanh Hà. Hay nói cách khác, có một lối thơ do Nguyễn Thế Hoàng Linh khởi lên và có người tiếp nối là Lã Thanh Hà. Sự tiếp nối này làm cho con đường thơ ca của người lớn viết cho thiếu nhi trở nên tươi mới, hấp dẫn, thú vị và sống động hơn.

Sách thiếu nhi cùng trẻ vào hè (Kỳ 4 & hết): Sống trẻ thơ, để rồi viết trẻ thơ - Ảnh 2.

2 tập thơ của Lã Thanh Hà và Nguyễn Thế Hoàng Linh

* Theo ông, lối viết của 2 tác giả này có gì khác biệt so với những thế hệ làm thơ thiếu nhi trước đây?

-  Hai tập thơ này cho thấy đã có một lớp nhà thơ viết cho thiếu nhi khác trước. Trước đây, phần lớn các nhà thơ viết cho thiếu nhi thường ở tâm thế của người hóa thân, đóng vai, sắm vai, tâm thế sống trẻ thơ cũng có nhưng không toàn phần. Nhưng với Nguyễn Thế Hoàng Linh, hay Lã Thanh Hà, họ sáng tác không bằng tâm thế của người hóa thân mà họ sống trẻ thơ một cách tự nhiên, họ bảo toàn được đứa trẻ con trong mình. Trong họ có sự nhảy nhót, hóm hỉnh, ngộ nghĩnh và thông minh của một đứa trẻ con.

Như thế, không chỉ sống trẻ thơ, họ còn viết trẻ thơ. Tức là họ viết theo cách nói, cách cảm nhận, tưởng tượng của trẻ con. Ví dụ trong bài Quả bí đỏ thích chơi trốn tìm, Lã Thanh Hà mang đến một liên tưởng, một cách nói rất trẻ con: "Năm, mười, mười năm, tớ nhắm mắt/ Năm, mười, mười năm, bí trốn chưa?/ Bí nhớ phải trốn cho thật kỹ/ Kẻo… tớ hái về nấu bữa trưa". Ở đây, bài thơ còn cho thấy, muôn vật và những đứa trẻ thực sự trở thành những người bạn của nhau.

Thêm nữa, những thế hệ trước thường chịu ảnh hưởng của nguyên lý thơ cổ điển, thơ thường kiệm lời, cô đúc, không nói dài. Trong khi thơ ngày hôm nay, không chống lại những nguyên lý cổ điển, nhưng chấp nhận thơ kể chuyện/dựng chuyện, mà đã kể chuyện thì phải chấp nhận độ dài.

Như trường hợp của Nguyễn Thế Hoàng Linh, hay Lã Thanh Hà, thơ họ nghiêng về kể/dựng chuyện, tập trung vào một tình huống nhân vật hoặc con vật/đồ vật được nhân hóa theo cách thông minh, gây bất ngờ. Bài thơ bám vào tình huống để cùng kể, cùng tâm tình. Cũng chính vì nghiêng về kể/dựng, nên khuôn khổ bài thơ được nới ra, dài theo.

Sáng tạo cần đến sự đa dạng

* Với những sự khác biệt trong một lối viết như vậy, ông có cho rằng từ Nguyễn Thế Hoàng Linh đến Lã Thanh Hà đã định hình ra một lớp nhà thơ viết cho thiếu nhi mới hơn và hấp dẫn hơn hay chưa?

- Chưa và cũng không cần! Bởi vì đây chỉ là một khám phá trong rất nhiều những tìm tòi ở địa hạt sáng tác cho thiếu nhi. Chưa kể, bản chất của sáng tạo cần đến sự đa dạng. Hướng đi của Nguyễn Thế Hoàng Linh, hay Lã Thanh Hà rất hay, nó cần được người viết "tát cạn", "đào sâu" và hết lòng với nó. Thế rồi, người khác lại có những tìm tòi, khám phá mới hơn, khác hơn.

Mừng ở chỗ, từ Nguyễn Thế Hoàng Linh là người gợi ra đến Lã Thanh Hà đã đẩy lên cao một lối viết khác trong rất nhiều cách tiếp cận và biểu đạt. Quan trọng hơn, hướng đi của họ đã khẳng định một điều có ý nghĩa, rằng: Nếu không "sống trẻ thơ" mà chỉ "sống hộ trẻ thơ" là thơ sẽ giả/già ngay, hoặc áp đặt hoặc dạy dỗ.

Sách thiếu nhi cùng trẻ vào hè (Kỳ 4 & hết): Sống trẻ thơ, để rồi viết trẻ thơ - Ảnh 3.

Tác giả Lã Thanh Hà (trái) nhận giải Khát vọng Dế Mèn năm 2024

Cũng cần nói thêm, có một thời, chúng ta viết cho thiếu nhi bị nặng tính tuyên truyền. Phần lớn các bài thơ cho thiếu nhi dứt khoát phải cài vào chức năng giáo dục. Không có tính giáo dục là cảm thấy không ổn, chưa thể kết được.

Thế nhưng, ở Nguyễn Thế Hoàng Linh, hay Lã Thanh Hà, bài thơ cứ tự nhiên cất lên những yêu thương chan chứa trong những đám mây, vệt nắng, hạt mưa, nhành cây, ngọn cỏ… Tạo vật chứa sẵn yêu thương, chứ không cần lên giọng dạy dỗ. Đọc thơ để thấy toàn bộ thế giới này là thế giới của yêu thương, chỉ vậy thôi mà thấm thía và lan tỏa, để trẻ thấy rằng mình không phải đọc những bài học giáo điều, áp đặt.

* Nói rộng ra, bằng quan sát cá nhân, ông thấy thơ thiếu nhi hôm nay đang thiếu điều gì?

- Có vẻ như lối viết cũ vẫn đang trì kéo quá nặng thơ thiếu nhi hôm nay, trong mỗi bài thơ vẫn cứ phải có tính giáo dục, người làm thơ vẫn cứ phải "đóng vai", rồi sống hộ, sống thay trẻ thơ. Những người viết phần lớn chưa thoát ra khỏi quan niệm cũ, vừa bó buộc, vừa tự trói mình khiến cho không ít các tác phẩm rơi vào tình trạng chung là giả và già.

Trong tình trạng chung như thế, mới thấy những tiếng nói của Nguyễn Thế Hoàng Linh hay Lã Thanh Hà có ý nghĩa như thế nào. Cùng với nhiều lối viết khác trong sự đa dạng của sáng tạo, họ đã mở ra và thiết lập một tinh thần quan trọng là sống trẻ thơ và viết trẻ thơ. Và, trên tinh thần ấy, những người làm thơ cho thiếu nhi cần phải "tri túc" để xem liệu có bảo toàn được con người trẻ thơ bên trong mình không? Nếu có thì hãy viết. Bởi, viết cho trẻ thơ không thể cố, càng cố càng hỏng.

* Như vậy có thể coi những sáng tác của Nguyễn Thế Hoàng Linh hay Lã Thanh Hà như một triển vọng tham khảo của thơ thiếu nhi hôm nay?

- Đúng thế! Tham khảo họ để phát triển, hoặc để tìm ra những cách tiếp nhận, biểu đạt mới trên một tinh thần chung. Đó là: Làm thơ cho thiếu nhi là phải sống trẻ thơ và viết trẻ thơ, và phải tạo ra được những bất ngờ, ngạc nhiên cho trẻ thơ.

Ngoài ra, thơ họ không chỉ để đọc một mình, như một hành động đọc cá nhân, mà còn có thể là những hành động đọc nhóm, tức là kéo bạn bè vào cùng đọc, biến thành những thảo luận, những trò chơi, hoặc các hình thức sân khấu hóa, diễn xướng... Các hình thức này làm cho mỗi bài thơ được sống thêm những đời sống khác. Có thể xem đây như là một trong những đặc điểm mới của thơ thiếu nhi hiện nay.

* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Nếu cứ chăm chăm dạy dỗ hoặc thiếu lòng yêu trẻ thơ và thiếu lòng trẻ thơ, thì đừng viết, viết ra chỉ già và giả" - nhà phê bình Văn Giá.

Công Bắc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm