13/07/2017 08:02 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Sự thành bại của đội tuyển U22 Việt Nam trên đất Malaysia vào tháng 8 tới đây rất có thể sẽ quyết định “hậu vận” của HLV Nguyễn Hữu Thắng (và có thể một vài quan chức VFF), đấy là điều dư luận đang dự báo. Không biết tự bao giờ, sân chơi SEA Games đã trở thành đấu trường sinh tử với các HLV.
Như Thể thao & Văn hoá đã đề cập ở số báo trước, HLV Alfred Riedl đã rời đại bản doanh Korat, Nakhon Ratchasima (Thái Lan), ngay trong đêm sau trận thua U23 Myanmar ở bán kết SEA Games 24 năm 2007 và không bao giờ có cơ hội trở lại cương vị thuyền trưởng các ĐTQG Việt Nam nữa. Những người kế nhiệm Henrique Calisto (2008-2010) và Hoàng Văn Phúc (2013-2014), “thoát án” sau các kỳ SEA Games 2009 và 2013, nhưng hoạn lộ của họ cũng nhanh chóng tắc.
Trước HLV Hoàng Văn Phúc, HLV Falko Goetz với một bản “CV” (lý lịch trích ngang) được đánh giá là hoành tráng nhất trong lịch sử các ông thầy ngoại từng đến Việt Nam, nhận được nhiều kỳ vọng sẽ giúp bóng đá Việt Nam đổi màu huy chương ở SEA Games 26, Jakarta 2011. Tuy nhiên, cuộc tình của ông thầy người Đức với bóng đá Việt Nam sớm bể dâu, sau thất bại ở xứ vạn đảo. HLV Falko Goetz thậm chí chỉ nhận được tin mất việc, khi đang trải qua kỳ nghỉ Đông ở quê nhà.
Toshiya Miura là một điển hình khác cho thấy độ khốc liệt của một tấm huy chương SEA Games. Sau khi trở về từ Singapore với việc U23 Việt Nam phải dừng chân ở bán kết SEA Games 2015, ông thầy người Nhật Bản bắt đầu cảm nhận được sức ép phải ra đi. Lý giải bằng cách nào cũng khó, bởi từ ASIAD, AFF Suzuki Cup 2014 đến SEA Games 28, HLV Miura chưa cho thấy được năng lực cầm quân khác biệt. Lối chơi của các ĐTQG dười thời ông thiếu những nét tươi mới, hiệu quả.
Câu chuyện sẽ rất dễ lặp lại với HLV Nguyễn Hữu Thắng, nếu một lần nữa U22 Việt Nam không thể vượt ngưỡng, giành Vàng SEA Games này. Năm ngoái, ông Thắng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đánh giải AFF Suzuki Cup và bị Indonesia loại cay đắng ở bán kết. Từ đó đến nay, dù với chủ trương mềm hoá lối chơi của các ĐTQG, để phù hợp hơn với thể trạng, sức vóc và tư duy của cầu thủ Việt Nam, nhưng cuộc cách mạng vẫn còn dang dở. SEA Games 29 là cơ hội cuối cùng cởi nút thắt.
Bóng đá Việt Nam vốn dĩ mang những nghịch lý rất khó lý giải. Tất cả đều thống nhất với nhau rằng, SEA Games đơn thuần chỉ là sàn diễn cho các cầu thủ trẻ (dưới 23 hoặc 22 tuổi) và một chiếc HCV môn bóng đá nam không nói lên được bất cứ điều gì về năng lực chinh phục đỉnh cao của nền bóng đá. Vậy hà cớ gì cứ trước mỗi kỳ SEA Games, từ dân chuyên môn đến giới truyền thông lẫn người hâm mộ lại như “sôi” lên?! Phải chăng đó là vì sức ép mang tính tâm lý.
Sức mạnh nội tại là hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia và đầu ra là ĐTQG mới chính là bộ mặt của bóng đá Việt Nam, chứ không phải bóng đá trẻ. Mà nhân tiện, nói về bóng đá trẻ, đội tuyển U20 Việt Nam từng vào tứ kết U20 châu Á, giành vé đến FIFA U20 World Cup chứ nói gì đến “ao làng” Đông Nam Á vốn đã nhẵn mặt và không phải trải qua vòng loại. Thành công và thành tích (nếu có) của bóng đá trẻ, chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để nâng tầm một nền bóng đá tự cường.
Nếu chỉ không vô địch mà đổ lỗi cho HLV trưởng thì không công bằng.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất