Andrea Pirlo: Trái tim thiên thanh

03/07/2012 14:06 GMT+7 | Italy

(TT&VH)- Người hùng của đội Italia đã không thể hoàn tất bản hùng ca cho riêng anh và đội thiên thanh, nhưng Andrea Pirlo đã để lại một giải đấu để đời mà ngay cả khi chức vô địch và danh hiệu quả bóng Vàng của VCK EURO này không vinh danh (nó thuộc về Iniesta), thì những thước phim của người nghệ sĩ có trái tim bằng thép ấy trên chặng đường đã qua vẫn chinh phục tất cả. Không phải là lựa chọn của danh hiệu, nhưng là lựa chọn của trái tim.

Hóa ra đó lại là một người thủ lĩnh lý tưởng của đội thiên thanh, dù anh chưa bao giờ có ý định bước lên cầm lấy ngọn cờ đầu để dẫn lối cả đội. Italia của 2006 tôn vinh thủ lĩnh của hàng phòng ngự là Fabio Cannavaro, một biểu tượng của lối chơi phòng ngự khoa học, và Italia ấy cũng không thiếu những cá tính dẫn đầu, như Totti chẳng hạn. Đó là thời điểm mà Pirlo được coi là bộ não, nhưng không đại diện cho tinh thần và ý chí của Italia.

Nhưng 6 năm sau, ở tuổi 34 và không cần một “vệ sĩ” ở hàng tiền vệ như Gattuso trước đây, Pirlo đã kéo cả đoàn tàu Italia tiến vào chung kết. Không phải bằng cơ bắp, những cái nhăn nhó và quát tháo theo kiểu mà người ta hay nghĩ một cách rất thông thường về mẫu thủ lĩnh.

Pirlo, với khuôn mặt lúc nào cũng bình thản và ánh mắt như một con mèo ngái ngủ, đã dẫn dắt đội thiên thanh bằng những động tác mềm mại, sự tinh tế và dù có phần lặng lẽ, vẫn tỏa ra một sức mạnh kinh người có thể áp chế đối thủ và tạo ra sự yên tâm cho các đồng đội.



Giống như năm 2006, Pirlo 3 lần được chọn là cầu thủ hay nhất trận, nhưng không phải là người xuất sắc nhất giải- Ảnh Getty

Hãy nhớ cú sút phạt của anh vào lưới đội Croatia: Không phải một cú đá thẳng băng băm bổ vào lưới, mà là một nét cọ nghiêng nghiêng đi vừa đủ qua hai cái đầu ở hàng rào và lượn vào góc gần.

Hãy nhớ cả đường chuyền cho Di Natale ghi bàn vào lưới TBN, với lực chỉ vừa đủ để tạo ra một lát cắt tách đôi hệ thống phòng ngự và đặt ngay cầu thủ của Udinese vào tư thế thuận lợi để sửa bóng. Đó là một trận đấu mà anh cầm bóng trong chân rất ít, và chỉ có thể đưa ra được 32 đường chuyền trúng đích, một con số thấp kỷ lục với người đạo diễn lối chơi của Italia.

Người thủ lĩnh ấy thực hiện nhiệm vụ một cách đơn độc: Anh không được hộ thể bằng một triết lý tập thể như Xavi, Iniesta sống bên nhau dưới mái nhà Tiqui-taca. Pirlo lặng lẽ làm mọi việc, xây một con tàu của riêng anh, và vẫn làm nên những điều phi thường, dù ở trận chung kết, nó đã tan tành trước một chiến hạm.

Người thủ lĩnh ấy còn mang theo cả may mắn: Nếu anh không xuất hiện đúng lúc ở vạch vôi trong trận gặp Đức, thì Italia có thể cũng đã vỡ trận như trận gặp TBN.

Và đỉnh cao của nghệ thuật dẫn dắt chính là cú Panenka vào lưới đội tuyển Anh. Vẫn là một đường cong mềm mại thôi, nhưng trong khoảnh khắc của một nhà thơ ấy vẫn ánh lên một tia thép: Cú đá ấy đẩy bật tinh thần của đội Italia lên và đập nát bét ý chí của tuyển Anh.

Nhưng chiếc giá đỡ với độ đàn hồi siêu việt ấy cũng đã đi đến giới hạn. Tôi đã lựa chọn Italia cho trận chung kết vì tin rằng anh có thể thay đổi được bi kịch mà một thiên tài như Zinedine Zidane đã không thể bước qua cách đây 6 năm tại Berlin. Cũng ở tuổi 34, và lại trước chính Italia.

Nhưng lựa chọn của trái tim bao giờ cũng là cảm tính. Lý trí của cuộc bầu chọn đã gọi tên Iniesta, nhưng đối với những người xem bóng đá chúng ta, có lẽ đôi khi lựa chọn của trái tim mới là thước đo chuẩn xác. Và có lẽ, Pirlo cũng chỉ cần có thế: Khi anh khóc, thì cũng không ít người phải rơi lệ theo anh.

PAN


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm