Omicron tồn tại lâu hơn trên da và nhiều bề mặt so với các biến thể trước của Covid-19

25/03/2022 14:54 GMT+7 | Tin tức 24h

(giaidauscholar.com) - Các chuyên gia y tế đều cho rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 chủ yếu lây truyền qua không khí. Tuy nhiên, đã có những lo ngại, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của đại dịch, về nguy cơ virus lây lan khi con người chạm vào các bề mặt chứa virus.

Những lo ngại về 'Omicron tàng hình'

Những lo ngại về 'Omicron tàng hình'

“Omicron tàng hình” (BA.2), một dòng phụ của biến thể Omicron, đang tạo ra một làn sóng lây nhiễm mới trên thế giới. Với tốc độ lây lan mạnh, dòng virus SARS-CoV-2 mới này đang khiến giới chức các nước lo ngại.

Các nhà nghiên cứu tiếp tục điều tra theo hướng này nhằm tìm hiểu rõ hơn về cách virus lây lan và tồn tại trong môi trường. Trong 2 nghiên cứu gần đây, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng biến thể Omicron tồn tại lâu hơn trên bề mặt và trên da người so với các biến thể khác.   

Hai nghiên cứu thí nghiệm Omicron và các biến thể trước đây tồn tại trên các bề mặt dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày. Trong nghiên cứu thứ nhất, các nhà khoa học thử nghiệm trên các mẫu da người cũng như thử nghiệm bề mặt khác là nhựa. Theo đó, thời gian virus tồn tại được tính cho đến khi virus không thể tồn tại trong các mẫu được đặt trên các bề mặt.

Trên bề mặt nhựa, chủng virus ban đầu của SARS-CoV-2 được phát hiện tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) tồn tại 56 giờ. Các biến thể sau đó của virus gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta lần lượt tồn tại trong khoảng 191, 157, 59 và 114 giờ, còn biến thể Omicron là 193,5 giờ. Trên da người, chủng virus ban đầu tồn tại 8,6 giờ, trong khi các biến thể trên tồn tại từ 11-19,6 giờ và Omicron là 21,1 giờ.   

Chú thích ảnh
Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy các phần tử virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong nghiên cứu thứ hai, các tác giả so sánh thời gian chủng virus gốc của SARS-CoV-2 và biến thể Omicron trên các bề mặt nhẵn với bề mặt có lỗ rỗng, như thép không gỉ, tấm nhựa polypropylene (PP), thủy tinh, giấy ăn và giấy in. Nghiên cứu này không thí nghiệm với các biến thể khác như Delta.

Kết quả là nhìn chung, Omicron tồn tại lâu hơn so với chủng virus gốc trên tất cả các bề mặt này. Sau 2 ngày, đa số chủng virus ban đầu của SARS-CoV-2 biến mất khỏi thép không gỉ và tấm nhựa PP. Sau 4 ngày, virus chỉ tồn tại trên bề mặt thủy tinh. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu vẫn phát hiện biến thể Omicron trên những bề mặt này sau 7 ngày.       

Đối với các bề mặt có lỗ rỗng, chủng virus ban đầu không thể tồn tại trên giấy ăn sau 30 phút. Lượng virus được phát hiện sau 5 phút trên giấy in giảm 99,68% và biến mất sau 15 phút. Tuy nhiên, biến thể Omicron vẫn có thể được phát hiện trên giấy ăn và trên giấy in sau 30 phút.   

Các kết quả nghiên cứu này cũng tương tự như những nghiên cứu trước đây. Một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Nature hồi tháng 1/2021 phát hiện virus SARS-CoV-2 sau 21 ngày trên bề mặt nhựa, 14 ngày trên thép không gỉ, 7 ngày trên găng tay nitrile và 4 ngày trên găng tay chống hóa chất, dù với số lượng thấp hơn nhiều. Hơn 95% virus biến mất khỏi bề mặt thép không gỉ sau 24 giờ và virus biến mất hoàn toàn sau 24 giờ trên vải cotton.   

Các nghiên cứu trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự tồn tại của virus SARS-CoV-2 và các biến thể mới trong môi trường và trên bề mặt, từ đó giúp hạn chế sự lây lan của virus. Cả hai nghiên cứu trên chưa được giới khoa học thẩm định trước khi được xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành.

Nguyễn Hằng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm