Tiền vệ Võ Huy Toàn: Người đóng thế hoàn hảo

09/12/2014 17:23 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Cú ra chân của Võ Huy Toàn vô cùng dũng cảm, bởi nếu chậm một tích tắc rất có thể anh sẽ gặp chấn thương nặng, khi thủ môn Malaysia lao như cỗ xe tăng về hướng Toàn. Bàn thắng đó gợi nhớ đến pha “liều mình như chẳng có” của Trương Việt Hoàng để ghi bàn thắng tuyệt vời vào lưới Thái Lan tại Tiger Cup 1998, khi anh cực kỳ can đảm tung cú sút ngay trước tầm kê chân của hậu vệ đối phương.

Huy Toàn đã chứng tỏ được mình, không phụ niềm tin mà HLV Miura đặt vào anh. Dù bị chấn thương đeo đẳng nhưng Huy Toàn vẫn được HLV Miura giữ lại đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup 2014. Bàn thắng gỡ hòa 1-1 của Huy Toàn không chỉ mang đến bước ngoặt cho đội tuyển Việt Nam, mà với gia đình và cá nhân anh, đó thực sự là khoảnh khắc không thể nào quên.

Cánh chim lạ của ĐTQG

Hơn 80 phút có mặt trên sân, cầu thủ gốc Lâm Đồng hiện đang khoác áo SHB.Đà Nẵng đã để lại ấn tượng quá lớn, với lối chơi năng nổ và đầy tinh quái của mình. Không chỉ lùi về hỗ trợ cho Văn Biển trong thế trận phòng ngự, mà Huy Toàn còn thể hiện dấu ấn ở các mảng miếng tấn công. Huy Toàn liên tiếp xuất hiện trong những đường xẻ bóng xuống vòng cấm cho Công Vinh và Văn Quyết, hay đập nhả tam giác với Thành Lương, Hoàng Thịnh.

Khi Hoàng Thịnh chơi thấp hơn thường lệ, rất nhiều lần Huy Toàn bó vào trong chơi ngay sau lưng cặp tiền đạo. Chính một lần di chuyển như thế đã giúp anh có được cơ hội ghi bàn sau cú sút của Văn Quyết bị thủ môn đẩy ra. Đấy là bàn thắng hội đủ những yếu tố nhanh nhẹn quyết đoán và cả sự dũng cảm nữa, bởi Huy Toàn không chỉ lao vào với tốc độ chóng mặt và ra chân dứt khoát, mà anh còn phải đối mặt với nguy hiểm nếu va chạm với thủ môn Khairun Fahmi trong khoảnh khắc đó.

Trong cái đêm Shah Alam đầy “cuồng nộ” ấy, cuồng nộ từ những âm thanh đặc trưng đến những tiểu xảo của cầu thủ đội bạn, các tuyển thủ Việt Nam đã đứng vững một cách đầy bản lĩnh. Họ biết tỉnh táo trước những pha vào bóng nguy hiểm, những cú đánh nguội. Chính Huy Toàn là người không dưới 5 lần phải hứng đòn từ những pha vào bóng ác ý.

Phút 80, anh đành phải rời sân, vì kiệt sức sau khi kê lưng ngăn quả đá phạt của đối phương. Nhưng như thế cũng đã quá đủ để Huy Toàn hạnh phúc với những gì mình để lại.

Cảm xúc ấy đã được Huy Toàn chia sẻ cùng người viết, lúc nói chuyện qua điện thoại khi anh và đồng đội vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất. “Hạnh phúc lắm anh ơi, bây giờ vẫn còn lâng lâng. Cho đến khi thầy Miura họp toàn đội lúc vừa đến sân, em mới biết mình được đá chính. Em phải hết mình thôi, vì sự tin tưởng mà HLV đặt cho mình, khi vá vào chỗ của anh Minh Tuấn vắng mặt, ghi bàn xong là em gần như khóc luôn. Lúc này chỉ biết cố gắng và chiến đấu hết mình thôi”.

Là phát hiện lớn nhất trong màu áo của SHB.Đà Nẵng ở mùa bóng 2014, cánh chim lạ Võ Huy Toàn đi thẳng lên ĐTQG, khi HLV Miura vào Chi Lăng xem anh đá có đúng 1 trận, cái tên hậu vệ này đã nằm trong sổ tay của ông. Đúng như Huy Toàn từng tâm sự, với anh mọi thứ còn ở phía trước, nhưng cứ đi rồi sẽ thành đường.

Đại gia đình Huy Toàn vỡ òa trong hạnh phúc                                                             

Bàn thắng Huy Toàn không chỉ mang đến bước ngoặt cho đội tuyển Việt Nam, mà với gia đình và cá nhân anh, đó thực sự là khoảnh khắc không thể nào quên. Trong trạng thái vẫn còn lâng lâng cảm giác sung sướng, cả bố (ông Võ Huy Thanh) và bác (ông Võ Huy Tùng) của Huy Toàn đã có những chia sẻ hết sức xúc động cùng Thể thao & Văn hóa khi “tường thuật” lại không khí gia đình.

Ông Thanh kể lại: “Hôm qua cả gia đình gồm ông bà nội, các bác, các chú cùng một số người hàng xóm tập trung ở nhà tôi để xem trận bán kết cổ vũ cho Huy Toàn và đội tuyển Việt Nam. Sung sướng lắm chú ạ, bây giờ vẫn còn sướng rân cả người, Toàn ghi bàn thắng gỡ hòa cả nhà tự hào, vui sướng, ồm chầm lấy nhau,  rơm rớm nước mắt.

Bà nội (75 tuổi) và ông nội (80 tuổi) háo hức không kém người trẻ, bà nội ngày nào cũng mua báo để đọc, theo dõi về đội tuyển Việt Nam, về đứa cháu mà vẫn gọi yêu là “quý tử”. Hôm qua, bà và ông nội cổ vũ nhiệt tình lắm, bà cũng xúc động rơi nước mắt khi biết cháu Huy Toàn ghi bàn thắng, chạy hò reo, ăn mừng.

Cả nhà tập trung xem đông  vui, có quay cả clip, chụp hình lại nữa, nhưng khi đó sung sướng quá nên quên mất không lưu lại, lúc nãy mở ra xem chẳng thấy gì nữa. Tiếc thật, nếu vẫn giữ được mấy cái clip đấy, chuyển cho Huy Toàn xem chắc cháu nó xúc động lắm, không chừng còn tiếp thêm động lực để cháu nó đá tốt hơn”.

Bố Huy Toàn tiếp tục kể với giọng xúc động: “Ngay khi Huy Toàn ghi bàn, gia đình đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại chúc mừng của anh em, bạn bè, người thân ở TP.HCM, Quảng Nam… đặc biệt khi trận đấu kết thúc, các thầy, đồng đội của Huy Toàn ở Đà Nẵng cũng gọi điện vào chia sẻ niềm vui cùng gia đình. Không thể tả được chú ạ, chỉ biết nói là sung sướng và tự hào thôi chú ạ”.

Bố Huy Toàn chưa kịp dứt lời, bác Võ Huy Tùng (bác ruột Huy Toàn) xin được nối máy để chia sẻ thêm cảm xúc cùng Thể thao & Văn hóa. Ông Tùng nói:  “Gia đình chúng tôi, họ hàng ở gần nhà cháu Huy Toàn đều tập trung xem và cổ vũ cho cháu mỗi lần cháu thi đấu, dù là đá cho đội tuyển Việt Nam hay SHB.Đà Nẵng.

Hôm qua đúng là khoảnh khắc không thể nào quên với chúng tôi, cháu Huy Toàn đã làm cho dòng họ Võ Huy của chúng tôi hết sức xúc động, hết sức vinh dự, hết sức tự hào. Xem xong trận này, dù bận công việc nhưng tôi đã động viên bố cháu (Võ Huy Thanh) phải ra Hà Nội để tiếp lửa trực tiếp cho cháu ngay”.

Có một Huy Toàn đam mê bóng đá và ngoan ngoãn từ nhỏ

Nói về tuổi thơ của con trai mình, ông Võ Huy Thanh cho biết, Huy Toàn từ nhỏ đã là một đứa con ngoan, hiếu thảo và có niềm đam mê bóng đá mãnh liệt. Chính niềm đam mê, cộng với đức tính chăm ngoan, chịu khó gia đình mới mới yên tâm để cháu ra Đà Nẵng học làm cầu thủ khi mới 14 tuổi.

Ông Võ Huy Thanh, bố Huy Toàn, kể: “Từ bé Toàn là đứa ngoan ngoãn, hiếu thảo và rất đam mê bóng đá. Lúc cháu lên 7 tuổi, tôi có đưa cháu đi tập bóng cho vui ở đội Lâm Đồng, các thầy ở đây thấy cháu có cái chân trái rất khéo quá, nên khuyên gia đình cho Huy Toàn theo đuổi nghiệp cầu thủ…

Năm 14 tuổi, khi ấy Huy Toàn còn bé lắm, cháu phải chập nhận sống cảnh xa gia đình để xuống Đà Nẵng ăn tập. Ông bà nội, ba mẹ thương cháu, thương con, bứt rứt hết ruột gan, khóc suốt, nhưng may mà ai cũng đam mê bóng đá nên đã quyết tâm ủng hộ hết mình với sự lựa chọn của Huy Toàn.

May hơn nữa, nhà tôi tuy ở Lâm Đồng nhưng quê gốc của ông bà nội ở Duy Xuyên và Hội An (Quảng Nam) có rất nhiều anh em họ hàng còn sinh sống ở Đà Nẵng, Quảng Nam,  cháu Toàn xuống đấy cũng bớt cô đơn, gia đình thêm phần yên tâm để cháu theo đuổi nghiệp cầu thủ.

Xuống Đà Nẵng học, các thầy ở đây bảo Toàn rất chăm ngoan, chịu khó, cháu cũng thường xuyên liên lạc về hỏi thăm sức khỏe, ông bà, ba mẹ, anh em, họ hàng. Nói chung ở quê ai cũng quý Huy Toàn cả”.

Nhắc đến những kỷ niệm thời thơ ấu của Huy Toàn ông Thanh xúc động, hồi tưởng lại: “Lúc Toàn mới 5, 7 tuổi, mỗi lần theo tôi ra chợ, cháu đều bắt tôi mua cho bằng được áo quần cầu thủ để mang. Hồi nhỏ cháu chỉ mang áo quần cầu thủ, chỉ khi đi học mới thay ra để mặc đồng phục. Toàn thường chọn mua áo đội tuyển Việt Nam, chỉ thích mặc áo số 10, gia đình luôn chiều theo sở thích của cháu.

Đến khi ra học đá bóng ở Đà Nẵng, Toàn vẫn còn giữ thói quen đó, và mỗi lần về nhà cháu thường mang kèm theo mấy bộ đồ đồng phục cầu thủ về làm kỷ niệm. Bây giờ phòng của cháu ở nhà tràn ngập áo quần cầu thủ, cả của đội tuyển, của SHB.Đà Nẵng… chúng tôi rất quý và xem nó như tài sản cần phải giữ gìn cùng cháu”.


Tuệ Chính
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm