31/08/2019 06:13 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Ngày nay, mưa bão đến cấp nào và bao lâu thì thành phố vẫn rất sẵn đồ ăn, thức uống ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích; còn rau xanh thì luôn sẵn có ở các chợ cóc họp chớp nhoáng trong ngày. Thế nhưng mối lo chuyển sang việc khác muôn phần nan giải hơn nỗi lo ngày trước…
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
1. Khi đức Thái Tổ Lý Công Uẩn chọn mảnh đất Thăng Long làm kinh đô hơn nghìn năm trước hẳn là ngài cùng các quần thần đã có những suy tính đúc kết kinh nghiệm thiên văn, địa lý một cách tỉ mỉ.
Hà Nội nằm trong lưu vực sông Hồng màu mỡ tốt tươi do vị trí địa lý tự nhiên mà có. Chiếu dời đô nhà Lý từng kết luận “…Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.
Với một đất nước mà phần đất liền có đến hơn 3.000 cây số chiều dài bên bờ Biển Đông thì việc phòng tránh thiên tai bão lụt là luôn quan trọng cấp thiết. Hà Nội nằm sâu trong đất liền đến gần trăm cây số hẳn không phải là nơi đầu sóng ngọn gió. Bão về đến Hà Nội thường phải đi qua các tỉnh ven biển và đã suy yếu đi nhiều. Thường thì bão dù mạnh đến đâu khi về đến Hà Nội cũng chỉ còn là những cơn bão đang tan.
Thế nhưng Hà Nội có cần phải lo lắng về những cơn bão hay không? Câu trả lời là chưa lúc nào không!
Những năm đầu thập niên 1960, Hà Nội vẫn còn là một đô thị bán khai. Đại khái trên những con phố bên ngoài khu vực trung tâm khu phố Hoàn Kiếm vẫn còn rất nhiều nhà tranh, nhà ngói thấp tầng. Từ mạn Tứ Liên xuống đến bến Phà Đen bên ngoài đê vẫn phần lớn là nhà lá, nhà cấp 4. Ngay phố Khâm Thiên, Bạch Mai, Đội Cấn, Kim Mã…cũng còn những dãy nhà lá kéo dài.
Lúc ấy vài nhà máy lớn của nhà nước cũng trong tình trạng nhà khung lợp tôn khá đơn sơ. Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo quy mô, Nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá mà ta quen gọi là Cao Xà Lá, Nhà máy gỗ Bạch Đằng ngoài bờ sông, Nhà máy Xe đạp Thống Nhất…
Với những kiến trúc nghèo nàn lạc hậu lại thường tọa lạc trên những vùng đất rộng rãi thoáng gió như vậy, bão dù nhỏ thì ảnh hưởng cũng lớn. Những xóm lao động nghèo và cả những nhà máy lớn gặp bão vẫn tốc mái, sụp đổ hàng loạt. Nhà dân mùa bão phải chằng chống đủ thứ lên mái. Lốp xe đạp cũ, tre pheo, gạch xỉ, sắt phi 6 neo mái nhà xuống đất…
2. Lũ trẻ ở phố những năm ấy gần như không có mảy may nào sợ chuyện gió bão. Thậm chí chúng còn vui mừng mỗi khi bão đến. Những cơn gió giật mạnh đầu tiên làm cho cành cây khô ngổn ngang rơi xuống. Tháng 7 mùa bão, quả sấu, quả bàng vừa chín tới. Chúng đứng dưới các mái hiên quan sát và chạy ùa ra nhặt. Cành cây khô mang về làm củi có năm đun được nồi bánh chưng ngày Tết. Quả sấu, quả bàng lau vào vạt áo là có những món ăn ngon lành. Hết bão mang hột bàng ra đập lấy nhân bùi béo mời nhau ăn.
Người lớn lo bão bằng cách chuẩn bị thực phẩm. Thực ra chỉ là rau cỏ, lạc, vừng mà thôi. Đó là những thứ không cần tem phiếu có thể mua ở chợ. Mùa bão nhà nào cũng có vài quả bí xanh, bí đỏ cất dưới gầm chạn, vài lạng vừng, lạc đựng trong chai thủy tinh.
Mưa bão ở chợ gần như không có rau cỏ hoặc rất đắt. Củi và mùn cưa đun bếp cũng phải mang vào nhà tránh nước. Mưa bão vài ngày là cả thành phố dậy lên mùi vừng lạc, mùi canh bí đao nấu với đầu tôm, mùi bí đỏ xào tỏi thơm nhức mũi.
Cán bộ công nhân viên chức nếu cơ quan cử đi chống bão giúp dân cũng cơm nắm muối vừng đi cả ngày. Xe đạp lóc cóc sang cả các huyện ngoại thành mà chẳng hề sợ ngập nước.
3. Rất may giờ đây thành phố không còn tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm nữa. Mưa bão đến cấp nào và bao lâu thì thành phố vẫn rất sẵn rau ăn ở các chợ cóc họp chớp nhoáng trong ngày. Hệ thống siêu thị vẫn cung cấp đủ mọi vật dụng và đồ ăn thức uống. Thế nhưng mối lo chuyển sang việc khác muôn phần nan giải hơn nỗi lo ngày trước.
Hà Nội giờ đây với những công trình của tư nhân và nhà nước rất hiện đại tưởng rằng chẳng còn việc gì phải lo đến bão, nhưng không phải thế. Ao hồ, ngòi rãnh đã bị san lấp đi nhiều. Nạn úng ngập ngày một tăng cao kể cả những khu đô thị mới xây.
Mưa lớn chỉ độ nửa giờ là những con đường 6 làn xe biến thành bể nước mênh mông. Chiếc xe đạp ngày xưa có thể lội ào qua phố ngập nước. Xe máy và ô tô đành chịu chết giữa đường. Bố đi đón con ở trường về vào quán bia chờ nước rút. Cả bố lẫn con đều uống say mù. Nước có rút cũng phải dắt xe đi bộ về vì cái ống thổi nồng độ cồn đã đứng sẵn ngoài cửa quán.
Nỗi lo lắng sợ hãi mùa mưa bão ở thành phố đã biến thành nỗi kinh hoàng. Giao thông gián đoạn cả vài giờ đồng hồ. Người ở phố lâu năm còn có thể tìm được đường không ngập mà về. Khách khứa lạ lẫm đành chôn chân ngồi đếm mưa chờ nước rút. Nước rút rồi là lúc đám thợ sửa xe máy ra đường làm việc. Vài tiếng đồng hồ của thợ sửa xe có thu nhập bằng cả tuần, điều đó cũng có nghĩa là thu nhập của người đi đường giảm đi đáng kể.
Không lo cái ăn và chỗ ở nữa nhưng vẫn phải làm việc, hoạt động ngoài đường. Nhiều đứa trẻ tan học chờ mưa không thấy bố mẹ đến đón đành mua bimbim ở máy bán hàng tự động trong trường. Rỉ rả ngồi nhai đến vàng cả răng mà nước chưa rút. Chúng cũng bắt đầu biết sợ bão về.
Nhà văn Đỗ Phấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất