15/09/2014 07:39 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Suốt mùa Hè qua, Liverpool luôn bị nghi ngờ sẽ tái lặp hình ảnh Tottenham Hotspur mùa trước: Bán đi một siêu sao và chiêu mộ hàng loạt tân binh với trị giá hơn 100 triệu bảng rồi... đại bại. Bây giờ, những nghi ngờ ấy đang dần chuyển thành hiện thực.
Có những thứ mà không đồng tiền nào có thể mua được, trong số đó là sự ăn ý và gắn kết tập thể. Trước trận chung kết Champions League mùa trước, trả lời phỏng vấn của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Arda Turan nói: “Tại Atletico, chúng tôi chẳng ai là Messi hay Ronaldo. Tôi thấy mọi người nói nhiều về Diego Costa, nhưng mùa trước cậu ấy cũng chỉ là người đứng sau Radamel [Falcao] mà thôi. Sức mạnh lớn nhất của chúng tôi là sự gắn kết tập thể.”
Khi tập thể không chung ngôn ngữ
Đó là một bài học không còn mới, nhưng không phải ai cũng thuộc bài. Mùa giải 2013-14 của Tottenham khởi đầu với sự ra đi của ngôi sao Gareth Bale cùng hàng loạt tân binh đắt giá như Erik Lamela, Paulinho, Christian Erikssen, Nacer Chadli, Etienne Capoue... Kết cục là gì? Một nhóm những cái tên chất lượng không thể tạo ra một đội bóng chất lượng, đặc biệt khi họ đến từ những vùng miền văn hóa bóng đá khác nhau, nói những “ngôn ngữ bóng đá” khác nhau.
Liverpool đang mắc phải vấn đề tương tự. Mất Daniel Sturridge vì một chấn thương trong buổi tập vô thưởng vô phạt tại ĐT Anh còn Raheem Sterling cần được dưỡng sức, hàng công của họ gần như được thay mới hoàn toàn trong trận gặp Aston Villa. 4 cầu thủ tấn công của họ không chỉ tạo ra một cảm giác thiếu gắn kết, mà chính xác là một tập hợp “lính đánh thuê” tứ xứ: Adam Lallana nói tiếng Anh; Philippe Coutinho nói tiếng Bồ Đào Nha; Lazar Markovic nói tiếng Serbia; còn chàng trai Ý Mario Balotelli... chẳng nói câu nào, dù biết tiếng Anh.
Ngay từ khi trận đấu mới chỉ chuẩn bị bắt đầu, khi các đồng đội đang đập tay với nhau và nói những lời động viên chơi tốt, Balotelli lẳng lặng đứng một mình, nhìn về phía khung thành đối thủ. Đó có thể sẽ là một hình ảnh lãng mạn nếu anh ghi bàn, nhưng khi mọi chuyện không như ý muốn, nó lại cho thấy rằng Super Mario vẫn chưa thực sự hòa nhập vào văn hóa bóng đá của Liverpool.
Cơ hội đầu tiên của The Reds đến ngay phút thứ 3, khi Markovic và Balotelli cùng lao vào đánh đầu từ quả tạt của một tân binh khác bên cánh phải – Javier Manquillo. Nếu Balotelli và Markovic nói chung một thứ tiếng hay chí ít, nếu đã hiểu thứ “ngôn ngữ bóng đá” của nhau, hẳn chàng trai Serbia đã nhường lại cho Mario đánh đầu ở một tư thế, vị trí tốt hơn. Thay vào đó, Lazar đánh đầu với, bóng vọt xà.
Khó hiểu Rodgers
Chiến thuật cũng giống như vị trí thủ môn – người ta cần sự ổn định thay vì xoay tua liên tục. Brendan Rodgers nghĩ gì khi thay đổi sơ đồ về 4-2-3-1? Thật khó hiểu.
Đây chính là sơ đồ khởi đầu mùa giải 2013-14 của Liverpool và chính sự thiếu chắc chắn ở hai vị trí tiền vệ trụ đã buộc Rodgers phải thử nghiệm suốt một thời gian dài. Trên chương trình Match Of The Day của BBC, cựu danh thủ Danny Murphy cười: “Có lẽ ông ấy học theo Roy Hodgson”.
Liverpool ở thời điểm hiện tại có thể chưa ổn định về sự ăn ý tập thể, điều đó là có thể chấp nhận, nhưng khi đã tìm ra lời giải cho bài toán sơ đồ thi đấu mà vẫn bất ổn thì quả đáng chê trách. Với những con người sung sức trong tay tối thứ Bảy, Rodgers hoàn toàn có thể áp dụng 4-4-2 kim cương hoặc 4-3-3. Nhưng ông dùng 4-2-3-1 và thủng lưới trước. Sự thay đổi ở 20 phút cuối trận là quá muộn màng, bởi khi ấy, Aston Villa đã dựng lên vài chiếc xe buýt...
DŨNG LÊ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất