“Thật kinh khủng, họ đã vượt qua chúng ta”

22/04/2011 12:54 GMT+7 | Italy

(TT&VH) - Người Italia chắc chắn đã la lên như thế khi nhìn thấy thảm họa không còn lơ lửng trên đầu họ, mà đã thành sự thật: Bóng đá từ đất nước của Karl Marx đã tiến hành một cuộc lật đổ với người Italia chỉ trong vòng 5 năm.

Khoảng cách lớn lao đến mức sững sờ

Giờ là lúc người Italia đang ngồi “đếm xác”: Một quá trình nghiêm túc và thẳng thắn nhìn nhận lại tất cả những sai lầm đã qua khiến họ đang trở thành một quyền lực cũ kĩ, suy yếu và ốm đói trên đấu trường châu lục, để rồi nhìn sang nền bóng đá một thời là “đàn em” với ánh mắt thèm thuồng. Điều gì đã xảy ra và tại sao? Nước Đức bóng đá đã vượt Italia, đang đuổi gần kịp Tây Ban Nha và với tốc độ như hiện tại, đến bao giờ sẽ vượt qua nốt Anh ở ngôi đầu trong bảng xếp hạng của UEFA?

Những khán đài nêm chặt cổ động viên, sôi động như chảo lửa - Ảnh Getty

Những con số thống kê mà UEFA công bố chắc chắn làm người Italia phát khóc. Hệ số điểm thành tích từ các trận đấu ở các cúp châu Âu của các CLB giờ chỉ là 60, kém xa Đức đến 9 điểm, chưa nói đến La Liga (được 81 điểm) và Premier League (85 điểm). Sau những đêm vinh quang rực lửa trên đất Đức ở World Cup 2006 với danh hiệu vô địch thế giới, những chàng trai Azzurra đã chạy dài phía sau người Đức, đối thủ mà chính họ đã đánh bại trận bán kết ở Dortmund. Italia đại bại ở EURO 2008 và thậm chí bị quét sạch khỏi vòng bảng World Cup 2010 trong khi Đức đã vào đến chung kết EURO 2008 và bán kết World Cup Nam Phi. Nếu lấy năm 2006 là một cái mốc, thì đấy chính là một thời điểm lịch sử, bởi sau đó, Italia chỉ còn là cái bóng của chính họ.

Trên bảng xếp hạng 5 năm củ UEFA vào thời điểm năm 2006, Serie A vẫn còn đứng thứ 2, sau Premier League, với 66 điểm, trong khi Bundesliga đứng thứ 5 với 48 điểm. Ba năm sau, người Đức đã vượt qua người Pháp để leo lên thứ 4 (đạt 56 điểm), đứng ngay sau Italia (62 điểm). Quá trình bám đuổi ấy được kích thích đáng kể không phải bằng việc họ đoạt Champions League (trên thực tế, Đức không đoạt chiếc Cúp nào trong những năm qua, trong khi Italia có 2) mà bằng thành tích đáng kinh ngạc của các CLB Đức ở Europa League, giải đấu mà người Italia quá coi nhẹ. Chiến thắng của Inter trước Bayern Munich trong trận chung kết Champions League mùa trước chỉ cứu được một suất dự giải đấu danh giá ấy khỏi sự “tham lam” của người Đức một cách biệt hết sức mong manh. Thế nhưng, ở mùa bóng này, không gì còn có thể cứu vãn được nữa. Thất bại nặng nề với tổng tỉ số 3-7 của Inter trước Schalke chính là cái đinh cuối cùng đóng lên cỗ quan tài calcio: Kể từ mùa bóng 2012-2013, Italia sẽ mất một suất dự Champions League vào tay người Đức.

Đằng sau thất bại nặng nề của calcio là gì? Rummenigge, người từng có những năm tháng chơi bóng cho chính Inter và giờ là CEO của Bayern Munich cho rằng, calcio đã đầu tư quá nhiều vào những “đôi chân cầu thủ” và đổ tiền quá ít vào các SVĐ. Đấy chỉ là một phần của vấn đề. Trong khi các CLB tự đào mồ chôn mình bằng cách đầu tư vô tội vạ vào các cầu thủ ngoại và xao nhãng việc đào tạo trẻ, thì calcio tụt lùi nghiêm trọng bởi một loạt các lí do kĩ thuật, kinh tế cũng như tác động của thế giới tifosi.

Từ các “sa mạc” Serie A cho đến những “cánh đồng” Bundesliga...

Khi niềm đam mê bị lấn át bởi nỗi sợ hãi do mất an ninh, do các SVĐ cũ nát và kém tiện nghi, các tifosi thích ngồi nhà hơn là đến sân, và những người làm calcio thèm khát nhìn sang đất Đức: Ngay cả những người ít thông tin nhất cũng biết được là các SVĐ ở Đức đầy chật khán giả, và chính điều ấy cho thấy sức khỏe của một nền bóng đá. Con số trung bình 41.802 người/trận ở Đức là tỉ lệ cao nhất trong thế giới bóng đá. Trong thể thao nói chung, chỉ có bóng đá Mỹ và bóng chầy Mỹ là có tỉ lệ khán giả cao hơn. Đến đội bóng đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng các đội có tỉ lệ khán giả đến sân trên tổng sức chứa của sân là Moenchengladbach cũng đạt 82%. 15 CLB có tỉ lệ trên 90%, trong khi Bayern là quán quân tuyệt đối với tỉ lệ lúc nào cũng kín sân. Ngay cả một trận đấu ở hạng 2, như trận derby Berlin mới rồi giữa Hertha và Union cũng đạt... 74.244 người, gần tương đương với số khán giả đến sân trận derby Milano, trận đấu lớn nhất ở Italia bây giờ. Tại sao tất cả các trận đấu ở Đức đều được truyền hình trực tiếp trên sóng trả tiền mà các khán giả vẫn đến đầy chật các sân chính là một câu hỏi nhức nhối với những ai theo dõi calcio.

Nhưng chỉ cần đến sân, sống trong không khí bóng đá ở đó, họ sẽ hiểu tại sao. Tất cả các sân bóng đều được nâng cấp cho World Cup 2006, trong khi hầu hết các sân ở Italia đều quá cũ, xuống cấp nghiêm trọng. Vé ở Đức có thể được mua một cách dễ dàng qua internet. Giá đã được định từ trước và không có chuyện bỗng nhiên thay đổi như ở Italia chỉ vì “đấy là trận cầu đinh”, như cái cách mà các các CLB Italia vẫn làm. An ninh được thắt chặt. Khán giả văn minh và không phi thể thao như ở Italia. Các SVĐ kinh doanh tất cả những gì có thể. Một vài con số để thấy người Italia thua kém thế nào. Họ giỏi mở các quán pizza ngoài phố hơn là trong sân. Trung bình mỗi trận ở Allianz Arena, Bayern bán được 21 nghìn lít bia (!). Thế mà con số này không nhằm nhò gì so với sân Veltins của Schalke (30 nghìn lít/trận). Allianz Arena cũng tự biến mình thành một tiệm ăn khổng lồ: Mỗi trận họ bán được 5 nghìn ổ bánh mì kẹp và 20 nghìn wurstel (xúc xích Đức). Người Italia cũng rất háo ăn và thích uống, nhưng họ kiếm đâu những thứ đó trong các sân ở Italia, và nếu kiếm được, thì giải quyết “đầu ra” còn khó hơn tìm đường đến mặt Trăng: Các toilet trong SVĐ ở Italia còn khai hơn cả trên địa ngục!

Người Italia đã từng là bậc thầy. Còn bây giờ...

Calcio đã từng được coi là bậc thầy cho các nền bóng đá lớn ở châu Âu, trong đó có Đức. Những năm 1980 sôi động mà Serie A giàu có và đầy rẫy những ngôi sao, Bundesliga “chưa là gì cả”, và mối quan tâm chính của người Đức là thống nhất đất nước. Năm 1990, khi Đức đăng quang trên đất Italia ở Italia, để rồi sau đó một loạt ngôi sao Đức sang đầu quân cho các CLB Serie A, calcio thống trị hoàn toàn các Cúp châu Âu, khi Milan, Sampdoria và Juventus (vào chung kết với Fiorentina) đoạt lần lượt các Cúp C1, C2 và C3. Đấy là những năm tháng mà người Italia có quá nhiều điều để dạy những người khác, và Italia là thiên đường của bóng đá. 20 năm đã qua, calcio vẫn đứng nguyên ở một chỗ, bất động, thậm chí còn tụt lùi so với chính họ, trong khi tất cả các đối thủ của họ đều đã thay đổi nhanh chóng và không chỉ vượt, mà còn vượt xa Italia.

Calcio học được gì từ cuộc lật đổ của người Đức? Có lẽ có, nhưng chưa phải lúc này. Họ còn bận đấu đá lẫn nhau tranh giành ảnh hưởng trong Lega Calcio, còn mải đầu độc bóng đá bằng chính trị, còn đang ca cẩm và cầu cứu một quyền lực siêu nhiên nào đó giúp họ. Chúa ư? Được. Nhưng chắc gì ngài đã là tifoso của một CLB nào đó ở Serie A…

Anh Ngọc

                    

Thomas Mueller, một trong số rất nhiều tài năng trẻ sáng chói của bóng đá Đức - Ảnh Getty

Trong khi đội “Thiên thanh” giờ đây bắt đầu sống bằng dòng máu nhập tịch ồ ạt và calcio không còn giới thiệu những gương mặt trẻ chói sáng, thì từ nhiều năm qua, thế hệ Schwensteiger-Podolski-Muller đã chinh phục thế giới. Đội tuyển Đức vui vẻ đưa vào đội hình hàng loạt những người mới chỉ hơn 20 chút đỉnh, điều mà Azzurra không thể nào làm nổi. Ở tuổi hơn 20, bộ ba nói trên đã chơi trên đỉnh cao từ vài năm nay trên đất Đức. Những người trẻ tuổi khác như Mesut Oezil hay Khedira thi thố tài nghệ dưới tay Mourinho. Đằng sau họ có những nhân tài mới như Mario Gotze, anh em nhà Bender, những Holtby và Schurrle. Họ chính là lứa cầu thủ đã được nuôi dưỡng một cách cẩn thận từ chính sách đào tạo trẻ được áp dụng 10 năm về trước, sau khi Đức bị đánh bật khỏi EURO 2000.

LĐBĐ Đức (DFB) đã thiết lập 266 trại đào tạo trẻ, 29 trung tâm đào tạo HLV. Tổng đầu tư cho chương trình ấy lên đến 500 triệu euro. Bundesliga cũng đã đi theo con đường ấy, khi các CLB chi 90 triệu euro mỗi năm cho 42 trung tâm đào tạo cầu thủ. Sau những năm tháng đầu tư kiên trì và mệt mỏi, thành quả có thể nhìn thấy rất rõ: Trong số 524 cầu thủ trong biên chế của 18 CLB có đến hơn một nửa, 275 cầu thủ, đã được ra lò từ chính những trại quân ấy. Trung bình mỗi CLB Bundesliga có 15 cầu thủ được “sản xuất” từ các trung tâm. Còn gì để nói nữa? Trong khi các đội U21 Italia giờ chẳng còn gặt hái được gì nữa kể từ gần một thập kỉ nay, sau 3 chức vô địch giải trẻ châu Âu những năm 1990 (và từ đó đã tạo ra những Totti, Gattuso, Pirlo hay Nesta), thì vào năm 2009, Đức đã vô địch châu Âu ở các lứa U17, U19 và U21!

Hai thế giới cách biệt

Những con số dưới đây cho thấy sự khác biệt rất lớn của 2 nền bóng đá. 1) Giá trị thương hiệu của các đại gia Italia ngày càng giảm xuống, trong khi của Bundesliga đang cao lên, 2) Khán giả đến sân ở Italia ngày càng ít, chỉ bằng hơn một nửa ở Đức (tăng theo từng năm), 3) Cơ cấu tài chính: Các CLB Italia sống bằng tiền bản quyền truyền hình, trong khi các CLB Đức giỏi kinh doanh hơn và không phụ thuộc quá nhiều vào truyền hình.

                                      Bundesliga       Serie A

Kinh doanh thương mại:  129,7 triệu        76,9 triệu

Thu nhập từ truyền hình:  412 triệu          920 triệu

Giá trị thương hiệu :      Bayern 340 triệu  Milan 189 triệu

Số nợ của các CLB:     644 triệu               2,3 tỷ

Khán giả/trận:               41.802 người     24.126 người

Tỷ lệ kín sân:                  91,6%            54,4%

*đơn vị tính: euro

Thành tích của các CLB từ năm 2006 Champions League :Đức thất thế so với Italia...

2005/2006 Bayern, Bremen (Vòng 1/8); Milan (Bán kết )

2006/2007 Bayern ( Tứ kết); Milan (Đoạt Cúp)

2007/2008 Schalke 04 (Tứ kết); Roma (Tứ kết)

2008/2009 Bayern (Tứ kết); Roma, Inter, Juve (Vòng 1/8)

2009/2010 Bayern (Chung kết); Inter (Đoạt Cúp)

Europa League Chìa khóa cho sự vượt trội

2005/2006 Schalke  (Bán kết); Roma, Palermo, Udinese (Vòng 1/8)

2006/2007 Bremen  ( Bán kết); Parma, Livorno(Vòng 1/16)

2007/2008 Bayern (Bán kết); Fiorentina ( Bán kết)

2008/2009 Bremen (Chung kết); Udinese (Tứ kết)

2009/2010 Hamburg (Bán kết);  Juve (Vòng 1/8)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm