02/06/2015 05:20 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Việc tăng cường đầu tư quân sự đã khiến châu Á đứng thứ 2 thế giới về chi tiêu quốc phòng trong thập kỷ qua. Tuy nhiên các công ty Mỹ, những doanh nghiệp bán vũ khí lớn nhất thế giới, vẫn chật vật tìm chỗ đứng tại thị trường rất nóng này.
Thời gian gần đây, hàng loạt nước châu Á đã có nhu cầu mua sắm vũ khí, qua đó làm tăng mức chi tiêu quốc phòng của khu vực.
Vấp phải nhiều đối thủ cạnh tranh
Trong tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu lên tới 1.719 ngàn tỷ USD, châu Á và châu Đại Dương chiếm 423 tỷ USD, tức 25%. Con số này chỉ xếp sau mức 596 tỷ USD của Bắc Mỹ, theo thống kê của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).
Số tiền chi tiêu vào quốc phòng của châu Á đã tăng hơn 30 tỷ USD so với châu Âu, khiến châu lục này nhảy lên vị trí thứ 2 trong bảng tổng sắp của SIPRI. Con số trên cũng đã hơn 62% so với thập kỷ trước.
Trung Quốc, một thị trường vẫn đóng kín với các công ty quốc phòng Mỹ vì hoạt động cấm vận vũ khí kéo dài, chiếm 208 tỷ USD trong tổng số tiền của châu Á và châu Đại Dương. Việc Trung Quốc đầu tư mạnh vào quốc phòng đã khiến các nước trong khu vực phải tăng chi tiêu theo.
Nhưng thu lợi dựa trên cơn sốt mua sắm vũ khí ở châu Á vẫn là điều khó khăn với các công ty quốc phòng Mỹ. Nguyên nhân một phần bởi hệ thống vũ khí của Mỹ quá đắt đỏ và quá phức tạp với các khách hàng này. Ngoài ra, Mỹ cũng vấp phải nhiều đối thủ mới và cả các đối thủ có tên tuổi từ châu Âu, với khả năng đáp ứng tốt hơn cho các nhu cầu phòng vệ của châu Á.
Công ty hàng không PT Dirgantara của Indonesia là một trường hợp điển hình cho thấy Mỹ đang vấp phải sự cạnh tranh dữ dội ra sao. Công ty này đang rao bán các máy bay tuần tra biển với mức giá rẻ nhất trên thị trường. Vì thế đã có 8 nước quan tâm tới máy bay của Indonesia, gồm cả "đại gia" Hàn Quốc. Các nước này cũng đã mua ít nhất 4 chiếc máy bay của Indonesia, với giá 92 triệu USD. Trong khi đó máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon của Boeing có giá 220 triệu USD mỗi chiếc. Công ty từng bán 8 chiếc cho Ấn Độ, trong hợp đồng trị giá 2,1 tỷ USD. Nhưng không phải quốc gia nào ở châu Á cũng nặng túi như thế.
Hàng tốt, nhưng đắt đỏ khó mua
Trong những năm 1970, gần như mọi không quân ở Đông Á đều sử dụng máy bay Mỹ, như mẫu F-5 của Northrop. Đây là một chiếc máy bay phản lực được nhắm tới hoạt động xuất khẩu ngay từ đầu và có chi phí khá rẻ.
Ngày hôm nay, trong 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chỉ còn Singapore là đang sở hữu máy bay chiến đấu mới do Mỹ sản xuất. Không một nước nào dùng tàu chiến hiện đại của Mỹ. Các khách hàng từng lệ thuộc vào Mỹ như Thái Lan, Indonesia và Philippines đều tìm kiếm các công ty khác để mua hàng thay thế.
Xu hướng này diễn ra một phần bởi các công ty quốc phòng Mỹ đều tập trung sản xuất các sản phẩm hiện đại tối tân, nhưng đắt tiền, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng lớn nhất: là quân đội Mỹ. Nhưng quân đội nhiều nước châu Á lại không cần tới các món vũ khí này.
"Chúng tôi thường bị xem như một lựa chọn "sang chảnh" ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương" - Howard Berry, Phó Chủ tịch phụ trách bán máy bay F/A-18 Super Hornet ra thị trường quốc tế của Boeing, cho biết.
Sản phẩm thời thượng của ngành công nghiệp hàng không của Mỹ hiện là chiếc máy bay chiến đấu F-35 do Lockheed Martin sản xuất. Vũ này này được quảng bá có thể xuyên thủng hàng phòng ngự của đối phương và tàng hình, không bị phát hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Nhưng F-35 lại quá phức tạp với phần lớn các khách hàng châu Á, thường chỉ cần một món vũ khí có khả năng răn đe quân sự. Ngoài ra, với mức giá 125 triệu USD cho một chiếc máy bay, F-35 thực sự quá tầm với của hầu hết các nước trong khu vực.
Các quốc gia với ngân sách quốc phòng lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước duy nhất trong khu vực mua F-35. Mỗi nước đang chi khoảng 7 tỷ USD để mua chừng 40 chiếc máy bay.
Không có hàng phù hợp để bán
Thế khó hiện nay của các công ty Mỹ là họ không thể đột nhiên tạo ra sản phẩm mới phù hợp yêu cầu của khách hàng nước ngoài. Nhưng nếu cứ tiếp tục theo đuổi chiến lược sản xuất vũ khí đắt đỏ, các công ty Mỹ sẽ mất cơ hội đảm bảo tương lai của họ.
Nhà nghiên cứu Joe Katzman từ công ty tư vấn KAT Consulting đã chỉ trích các công ty quốc phòng Mỹ vì thích "mạ vàng" những hệ thống vũ khí của họ, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng giàu có, trong khi bỏ rơi thị trường tiềm năng là các nền kinh tế đang lên.
“Chính sách bỏ rơi thị trường cấp thấp đã (khiến Mỹ) tự tiêu diệt những khách hàng mới, có giá trị" - Katzman nói.
Ông cho biết chính sách này đã khiến Mỹ để đối thủ tự do thống lĩnh thị trường và thu lợi lớn trong 10 năm qua.
Các doanh nghiệp quốc phòng Mỹ hiện chỉ có thể trông chờ vào ngân sách quốc phòng của nước này, đã giảm từ 721 tỷ USD từ cách đây 4 năm xuống 560 tỷ USD trong năm 2015. Suốt khoảng thời gian đó, các công ty Mỹ cũng chỉ thu lợi nhuận rất thấp.
Trong khi ấy, theo thống kê của tạp chí quốc phòng IHS Jane's, 10 nước ASEAN đã có kế hoạch tiêu 40 tỷ USD vào quốc phòng trong năm nay, tức bằng với Ấn Độ và sẽ tăng lên 52 tỷ USD trong năm 2020.
Với thị trường màu mỡ này, các công ty Mỹ đôi khi còn không có hàng để bán. Họ chỉ biết nhìn thèm thuồng, khi các nước ASEAN đổ xô đi tìm đối tác bán tàu ngầm. Nguyên nhân do Mỹ đã ngừng đóng tàu ngầm dùng động cơ diesel và chuyển hết sang tàu ngầm hạt nhân.
Khi không còn sự cạnh tranh từ Mỹ, các nhà sản xuất tàu ngầm diesel của Nga, châu Âu, Hàn Quốc đã thoải mái ký được các hợp đồng trị giá hàng tỷ đô la ở Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore... trong mấy năm gần đây.
Tường Linh (Theo WSJ)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất