Sự trùng hợp bí ẩn giữa các tổng thống Mỹ

04/10/2016 07:59 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Lịch sử Mỹ ghi nhận nhiều câu chuyện trùng hợp liên quan tới các tổng thống Mỹ và khiến nhiều nhà khoa học không tìm được lời giải thích thuyết phục.

Chết vào Ngày Độc lập

Thomas Jefferson (tổng thống thứ hai) và John Adams (tổng thống thứ ba) là hai vị tổng thống Mỹ vĩ đại có công thay đổi lịch sử Mỹ và thế giới. Cả hai chính khách này đều được bầu vào Quốc hội năm 1775 và nhanh chóng trở thành bạn thân. Họ là hai trong số những người cùng nhau soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Bản thảo được Quốc hội thông qua vào ngày 4/7/1776. Tuy nhiên, tình bạn của họ có phần “lạnh nhạt” kể từ khi ông Jefferson trở thành tổng thống Mỹ năm 1801. Mãi đến năm 1812, khi ông Adams gửi lời chúc mừng năm mới tới bằng hữu Jefferson thì mối quan hệ của họ mới bình thường trở lại.


Tổng thống Thomas Jefferson (phải) và Tổng thống John Adams.

Điều lạ lùng ít được biết đến là cả hai vị tổng thống đều mất vào ngày 4/7/1826, đúng 50 năm kỷ niệm ngày “đứa con tinh thần” của họ ra đời. Cựu Tổng thống John Adams mất trên giường bệnh khi chỉ kịp thốt ra những lời cuối cùng: “Độc lập muôn năm. Thomas Jefferson vẫn tồn tại”. Nhưng ông không hề hay biết rằng người bạn của mình đã mất trước đó vài giờ.

Lịch sử cũng ghi lại một sự trùng hợp kỳ lạ nữa. Vào năm 1831, James Monroe đã trở thành vị tổng thống thứ 3 trong 5 vị tổng thống Mỹ mất đúng vào ngày quốc khánh.

Con số 100 bí ẩn

Đây là câu chuyện trùng hợp nổi tiếng nước Mỹ xoay quanh nhiều tình tiết tương đồng khó giải thích giữa Tổng thống Abraham Lincoln (1809 - 1865) và John Kennedy (1917 - 1963).

Ông Abraham Lincoln được bầu vào Quốc hội năm 1846 và đắc cử tổng thống năm1860. Ông John Kennedy được bầu vào Quốc hội năm 1946 và đảm nhiệm vị trí ông chủ Nhà Trắng năm 1960. Các sự kiện trên xảy ra cách nhau đúng 100 năm.

Không chỉ vậy, trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, cả hai ứng viên đều chiến thắng đối thủ người miền Nam mang họ Johnson là ông Andrew Johnson và Lyndon Johnson. Hai vị này sau đó cùng trở thành các tổng thống kế nhiệm và cũng được sinh cách nhau 100 năm. Ông Andrew sinh năm 1808, ông Lyndon sinh năm 1908.


Tổng thống Abraham Lincoln và John Kennedy (phải) có những sự trùng hợp vô cùng đặc biệt

Hai sát thủ ám sát hai vị tổng thống cũng có điểm tương đồng là sinh cách nhau 100 năm. John Wilkes Booth sinh năm 1839 và Lee Harvey Oswald sinh năm 1939. Cả hai tên này đều chết trước khi bị đưa ra xét xử.

Trong thời gian đương nhiệm, cả hai vị tổng thống Lincoln và Kennedy đều dành mối quan tâm đặc biệt đến vấn đề người Mỹ gốc Phi. Tổng thống Lincoln ký Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ có hiệu lực thi hành vào năm 1863. Sau đó 100 năm, vào năm 1963, Tổng thống Kennedy trình bày báo cáo trước Quốc Hội về Quyền dân sự. Vào tháng 6 năm đó, ông đề xuất Luật Dân quyền 1964.

Điều kỳ lạ chưa dừng lại ở đó. Cả hai vị tổng thống đều bị ám sát vào ngày thứ 6 khi đồng hành cùng phu nhân. Tổng thống Lincoln bị bắn tại nhà hát Ford’s Theatre, còn Tổng thống Kennedy bị sát hại trong khi đang ngồi trên một chiếc xe do Hãng Ford sản xuất. Sát thủ John Wilkes Booth ám sát Tổng thống Lincoln tẩu thoát từ nhà hát và bị bắt tại nhà kho.

Trong khi đó, sau khi bắn Tổng thống Kennedy, hung thủ Lee Harvey Oswald đã tẩu thoát từ một nhà kho và sau đó đã bị bắt tại một nhà hát. Ngoài ra, Tổng thống Kennedy có một thư ký tên Lincoln (Evelyn Lincoln) trong khi một thư ký của Tổng thống Lincoln lại có tên là Kennedy. Bằng đấy những điểm tương đồng lạ lùng đã trở thành chủ đề của các cuộc tranh luận sôi nổi bấy giờ.

Sự trùng hợp khó giải thích

Vẫn còn khá nhiều điều bí ẩn xung quanh vụ ám sát Tổng thống Abraham Lincoln. Trong đó, có một bí mật liên quan đến anh trai của kẻ sát nhân. Ông Edwin Booth được đánh giá là một trong những diễn viên vĩ đại nhất nước Mỹ. Song thành tựu của ông nhanh chóng bị lu mờ sau khi người em trai John Wilkes sát hại Tổng thống Lincoln. Ít người biết rằng trước vụ ám sát, chính ông - anh trai của kẻ sát nhân - đã cứu sống Robert Todd Lincoln - con trai của tổng thống.

Số phận đưa Robert Lincoln và Edwin Booth gặp nhau tại một ga tàu chật hẹp, đông đúc ở thành phố Jersey, bang New Jersey. Khi đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh, Robert bị đám đông xô ngã xuống toa tàu. May mắn là một người lạ mặt đã kịp thời kéo Robert lên khu vực an toàn của sân ga. Khi quay lại cám ơn người cứu mạng mình, Robert nhận ra đó là Edwin Booth, diễn viên nổi tiếng nước Mỹ bấy giờ. Câu chuyện Edwin Booth cứu mạng Robert Lincoln được xem là một trò đùa trớ trêu của số phận.

Vào thời điểm xảy ra vụ ám sát Tổng thống Abraham Lincoln tháng 4/1865, con trai ông - Robert Lincoln cũng có mặt tại hiện trường. Một tháng sau đó, Robert từ chức sĩ quan quân đội Mỹ và chuyển đến Chicago. Tại đây, ông thành lập một văn phòng luật sư, nhưng vẫn tham gia các hoạt động chính trị và phục vụ Tổng thống James A. Garfield.

Tháng 7/1881, ông Robert hộ tống Tổng thống Garfield tại nhà ga ở Washington. Tuy nhiên, trước khi tàu của họ khởi hành tới bang New Jersey, một tên sát nhân cuồng trí là Charles Guiteau đã bắn tổng thống từ phía sau. Hai tháng sau đó, ngài Tổng thống Garfield qua đời.

Vụ ám sát thứ 3 xảy ra vào năm 1901. Ông Robert được Tổng thống William McKinley mời tới tham dự triển lãm hãng không quốc gia Mỹ Pan American. Trong khi ông Robert chuẩn bị tới gặp tổng thống, thì một tên phản động đã bắn chết Tổng thống McKinley.

Về sau, Robert giữ chức chủ tịch công ty Pullman. Ông đã phải thốt lên: “Dường như các tổng thống tôi phục vụ đều có số mệnh tử vong”.

Theo Lê Huyền - Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm