05/01/2016 14:48 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Từ một người tới trung tâm huấn luyện của Bayern Munich học hỏi Pep Guardiola, Zinedine Zidane bước lên trở thành HLV dẫn dắt đội bóng vĩ đại nhất thế kỉ 20. Chặng đường ấy ngắn nhưng cũng rất chông gai.
Cầu thủ người Pháp là người xuất sắc nhất trong thế hệ của mình, giờ anh còn muốn trở thành HLV giỏi nhất, sau khi thay thế Rafa Benitez ở Real Madrid.
Vào một ngày cuối tháng 3/2015, một người đàn ông hói đầu đang ngồi khoanh chân trên một bức tường đá ở một góc sân tập Sabener Strasse của Bayern Munich. Khoanh tay, đầu ngước lên, HLV học việc này đang nghiên cứu đội bóng xứ Bavaria kỹ lưỡng.
Khi buổi tập kết thúc, trung vệ của Bayern là Dante chạy sang xin chụp ảnh với tay HLV học việc, đi qua Claude Makelele và cựu hậu vệ cánh ĐT Pháp Willy Sagnol. Một số đồng đội trẻ khác của Dante cũng háo hức làm theo. Xabi Alonso thì tạt qua nói chuyện phiếm, rồi tới lượt Franck Ribery.
Ngay cả HLV Pep Guardiola cũng bước tới chào hỏi. Một nhóm làm phim nhanh chóng vây lấy hai người họ. Makelele và Sagnol hầu như không được chú ý. Không có gì lạ: tay HLV tập sự đó là Zinedine Zidane.
Zidane tới tận trung tâm huấn luyện của Bayern để học hỏi Pep Guardiola
Con đường HLV là tất yếu?
Cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất trong thế hệ của anh tới xem phương pháp của Guardiola trong khóa học lấy bằng HLV chuyên nghiệp Pro Licence của UEFA. Tới tháng 5, với lời chúc phúc của Guardiola, Zizou hân hoan tuyên bố trên Instagram rằng anh đã lấy được bằng. Mọi dấu hiệu lúc đó chỉ ra Zidane sẽ đi theo con đường của Pep, sau khi Carlo Ancelotti bị sa thải ở Bernabeu.
Tuy nhiên, vài tuần sau đó, Chủ tịch Real Madrid Florentino Perez tuyên bố quyết định bổ nhiệm Rafa Benitez. Zidane sẽ phải trải qua một mùa giải nữa với Castilla, đội 2 của Real. “Tôi hẳn đã chấp nhận đề nghị thay thế Ancelotti”, nhà vô địch World Cup 1998 nói. “Nhưng Madrid chưa nghĩ đã tới lúc trao trọng trách cho tôi”.
Thật ra, Perez chưa bao giờ cân nhắc điều đó. Guardiola, nguồn cảm hứng cho nghề HLV của Zidane, đã giành mọi danh hiệu có thể trước anh ở Barcelona B mùa 2007-08 với một thứ bóng đá choáng ngợp. Castilla thì thậm chí không giành được suất đá play-off thăng hạng. Sự chỉ trích và nghi ngờ với Zidane, vì thế, là dễ hiểu.
Một chương mới mở ra trong sự nghiệp của Zidane
Nhưng Perez vẫn muốn ai đó kiểu Guardiola, một người gắn bó với Madrid, một biểu tượng trong lòng các CĐV. Dẫu vậy, liệu tượng đài Zizou có đủ sức tạo cảm hứng cho nhóm cầu thủ này? Liệu anh có kiểm soát được cảm xúc của mình sau sự nghiệp cầu thủ với 14 chiếc thẻ đỏ? Và quan trọng hơn hết, liệu anh có nhận được sự kiên nhẫn và cảm thông từ Perez, một chủ tịch sắt đá và cực kỳ đỏng đảnh?
Zidane không muốn thừa nhận rằng anh được bổ nhiệm chỉ nhờ là một cầu thủ phi thường, luôn khẳng định rằng vị trí hiện giờ của anh là nhờ làm việc chăm chỉ. Tương tự, anh cũng bác bỏ việc mình sinh ra đã là môt thiên tài bóng đá. Tuy nhiên, trong khi đúng là phải mất một thời gian, ở Cannes, rồi Bordeaux, để tạo ra một nhà vô địch World Cup và Champions League, tài năng bẩm sinh của Zizou là không thể phủ nhận.
Là con trai thứ 5 sinh ra bởi bố mẹ người Algeria, Smail và Malika, ở La Castellane, một khu ngoại ô cho dân lao động nghèo tại Marseille đầy rẫy những kẻ thất nghiệp, tội phạm ma túy và gái mại dâm, anh đá bóng lần đầu với anh em mình ở sân xi măng trong khu nhà tập thể. Jean Varraud, người đã phát hiện ra Zidane và đưa anh tới Cannes, choáng ngợp ngay từ đầu: “Cậu ấy biết nói chuyện với quả bóng. Yazid (tên đệm của Zidane) có những tố chất chiến binh ở khu lao động nghèo khó này. Cậu ấy luôn rất khát khao”.
Là huyền thoại của Real, Zidane có dễ dàng thành công trên ghế huấn luyện?
Điều diễn ra sau đó là một sự nghiệp lừng lẫy, và một cầu thủ biến bóng đá thành nghệ thuật thật sự. Vào lúc giải nghệ năm 2006, Zizou đã giành mọi danh hiệu có thể: World Cup, Euro 2000, Champions League, 3 chức VĐQG và 1 Quả bóng vàng. Nhưng Zidane nói trước khi giải nghệ: “Tôi không muốn trở thành một HLV, tôi muốn làm thứ khác”.
Anh trở thành một kẻ lang thang. Vẫn sống ở Madrid, nhưng anh đã ghé thăm quê hương Algeria và bỏ thời gian cũng như tiền bạc cho các hoạt động từ thiện từ Bangladesh tới Thụy Sĩ. Anh còn xuất hiện trên đài Canal Plus của Pháp ở những giải lớn và là gương mặt đại diện cho Danone, Adidas và thậm chí cả Lego. Nhưng rồi bóng đá đã trở lại như một nỗi ám ảnh.
Trở lại Madrid
Tháng 3/2009, anh đã trở lại Real Madrid, đầu tiên là làm cố vấn cho Chủ tịch Perez. Một năm sau, anh thay Jorge Valdano làm giám đốc thể thao, là người liên hệ trực tiếp giữa đội 1 của Jose Mourinho và Perez. “Sau tất cả những gì anh ấy đã trải qua, anh ấy vẫn không thể rời xa bóng đá”, em trai Zidane, Noureddine, nói. “Anh ấy nhớ áp lực, sự lo lắng trước mỗi trận đấu, điều chỉ có thể có nếu trở lại làm HLV”.
Zidane ngày càng tham gia nhiều vào công tác huấn luyện mỗi ngày, một phần lý do khiến anh và Mourinho phải tách khỏi nhau vào tháng 9/2012. Zidane sau đó dành cả mùa 2012-13 làm việc với mọi cấp độ trẻ của Real, giúp tôi luyện nên những ngôi sao hứa hẹn như Jese và Alvaro Morata, những người đá ở vị trí giống anh.
Khi Carlo Ancelotti tới Bernabeu mùa Hè 2013, Zidane trở thành trợ lý của ông. “Đây là điều tôi muốn làm”, Zidane nói và cho biết thêm Ancelotti, cựu HLV của anh ở Juventus, là người duy nhất mà anh sẽ chấp nhận làm trợ lý. “Khi tôi thôi chơi bóng, tôi đã làm nhiều điều, gặp nhiều người, học hỏi về bóng đá và về công việc này, nhưng với bất cứ việc gì, bạn luôn phải làm hết sức mình, dành cho nó mọi năng lượng. Và tốt hơn là bạn làm gì mà bạn yêu thích. Với tôi đó là bóng đá”.
Trong một năm mà bóng đá Pháp biến động, Zidane là người mở ra nhiều hy vọng
Anh bắt đầu lấy các bằng HLV ở Pháp và tham gia vào những công việc thường nhật của HLV: chỉ đạo các buổi tập, theo dõi đội 1, phân tích đối thủ… “Lúc cậu ấy 17 tuổi, không ai nghĩ cậu ấy sẽ thành HLV”, chiến lược gia 60 tuổi Guy Lacombe nhận xét về Zidane. Ông là người hướng dẫn cá nhân cho anh để lấy bằng Pro Licence. “Nhưng giờ cậu ấy đang làm rất tốt. Những gì cậu ấy làm luôn mang ý nghĩa tập thể. Cậu ấy giúp các cầu thủ khác cũng chơi tốt, giải quyết những vấn đề trên sân, và tạo ra sự gắn bó”.
Thôi vai trò trợ lý đội 1 cho Ancelotti, Zidane được bổ nhiệm dẫn dắt Real Madrid Castilla tháng 6/2014. Do anh chưa lấy bằng Pro Licence và chưa đủ tiêu chuẩn làm việc ở Segunda B, về danh nghĩa Santiago Sanchez vẫn là HLV trưởng, nhưng Zidane, trong vai trò giám đốc kỹ thuật, mới là người quyết định cuối cùng, kể cả các công việc thường nhật của đội bóng.
Zidane nhanh chóng hiểu nghề HLV thách thức ra sao. Castilla thắng chỉ 1/6 trận đầu của họ, thua 1-2 trong trận mở màn, derby Madrid gặp Atletico B, sau khi đã dẫn 1-0. Zidane loay hoay mãi vẫn không tìm ra được một sơ đồ chiến thuật ổn định. “Tôi gặp lại cậu ấy và cậu ấy tỏ ra rất chán nản”, Lacombe nói. “Chúng tôi nhận ra cậu ấy phải thay đổi phong cách. Chuyển từ việc cầm bóng nhiều sang đá trực diện và hiệu quả hơn”.
Thay đổi đã có tác dụng. Chơi với sơ đồ 4-2-3-1 trong phần còn lại của mùa giải, Castilla giành 37/48 điểm tối đa từ giữa tháng 10 và dẫn đầu giải đấu vào tháng 1. Guillermo Varela, hậu vệ phải mượn được từ Man United theo yêu cầu của Zidane, tỏa sáng ở hàng thủ. Đội trưởng Sergio Aguza mang tới sự trầm tĩnh nơi tuyến giữa và tay ghi bàn số 1 Raul de Tomas dứt điểm đối thủ.
Đường dài mới biết gian nan
Tuy nhiên, vào giữa mùa giải, Liên đoàn HLV TBN rốt cuộc đã không thể chấp nhận con voi trong phòng nữa. Chủ tịch liên đoàn Miguel Angel Galan yêu cầu treo quyền chỉ đạo của Zidane vì anh chưa đủ tiêu chuẩn. Hội đồng Cạnh tranh TBN đã nhất trí và ra quyết định cấm anh 3 tháng.
Mọi chuyện trở nên xấu xí. Zidane cáo buộc Galan “ghen ăn tức ở” và nói anh có thể lấy bằng Pro Licence ở TBN “chỉ trong 30 ngày”, nhưng đã quyết định làm điều đó ở Pháp, nơi việc học hành và các thủ tục kéo dài hơn. Tại Pháp, Zidane phải trải qua khóa học 3 năm, trong khi ở TBN có một hệ thống cấp bằng cho những cựu cầu thủ chuyên nghiệp ở đẳng cấp thế giới như anh. “Hãy để anh ấy làm việc!”, báo Pháp L’Equipe giật tít bìa.
“Đó là Zidane, với tất cả những danh hiệu anh ấy đã giành được”, Francois Blaquart, giám đốc kỹ thuật của LĐBĐ Pháp, bình luận. “Anh ấy đủ tiêu chuẩn huấn luyện cả Real Madrid ở Champions League, chứ đừng nói Castilla ở Segunda B”. Lacombe nhất trí, dẫn lại Remi Garde như một ví dụ; Garde đã dẫn dắt Lyon ở Ligue 1 và Europa League mà không có bằng cấp gì.
Ngay cả Johan Cruyff, huyền thoại Barcelona, cũng ủng hộ Zidane. Ông nhắc lại một tình huống tương tự trong 8 năm ông dẫn dắt Barca từ 1988. Ông chẳng có bằng cấp gì, nên chính thức thì Charly Rexach “đứng tên”, còn Cruyff là giám đốc kỹ thuật. “Thật lố bịch”, chiến lược gia người Hà Lan nói. “Tôi muốn một HLV giỏi không bằng cấp hơn là một tay tồi tệ có đủ thứ bằng”.
Real Madrid đã kháng án lên tòa dân sự ở TBN và thắng kiện, nhưng một cuộc tranh cãi khác lại bùng nổ, lần này là trên sân. Khi Castilla đang dẫn đầu giải đấu, Perez đưa về thiên tài bóng đá người Na Uy Martin Odegaard từ Stromsgodset, một tháng sau sinh nhật 16 tuổi của anh. Ngay sau đó, Castilla bắt đầu sa sút. Báo chí TBN nói Odegaard đòi được tập với đội 1 và chỉ xuống chơi với đội 2 vào cuối tuần. Zidane phải xử lý vấn đề đó.
“Là bình thường khi một cầu thủ 16 tuổi với mức lương như thế (100.000 euro mỗi tuần) sẽ làm ảnh hưởng tới không khí trong phòng thay đồ ở đội B Madrid”, phóng viên thể thao Ruben Jimenez bình luận trên Marca. “Odegaard rất tài năng và sẽ còn tiến bộ, nhưng cậu ta nên ở lại Castilla, và đó là vấn đề của Zidane”. Tới cuối mùa đó, Zidane trao cho Odegaard vai trò tiền vệ trung tâm trong sơ đồ 4-3-3 của anh khi Castilla có bóng, và số 10 trong đội hình 4-2-3-1 khi họ phòng ngự. Điều đó đã phát huy tác dụng, cho cả Zidane và Odegaard.
Nhưng rồi cuối mùa, Castilla cũng chỉ về đích hạng 6, ngoài nhóm được đá play-off, trong lúc Barca B của Pep Guardiola giành quyền thăng hạng cũng ở giải đó từ năm 2008, Castilla của Zidane không gây được ấn tượng. Vào lúc quyết định bổ nhiệm Benitez được công bố vào tháng 6, Zidane hiểu anh sẽ mất một năm nữa ở đội dự bị.
“Ở Real Madrid, dù là ai và ở vị trí nào, thành tích luôn là quan trọng nhất, và họ (Castilla) thậm chí không ở gần nhóm thăng hạng”, Jimenez viết trên Marca. “Họ không bén gót được lứa cầu thủ Jese hay Alvaro Morata, dù cũng có những người giỏi như Alvaro Medran hay Burgui trên hàng công, hay Diego Llorente ở hàng thủ”. Thật đáng lo, Medran, Burgui và Llorente giờ đang trải qua mùa này theo dạng cho mượn tại các đội La Liga Getafe, Espanyol và Rayo Vallecano, trong khi đội trưởng và tiền vệ kiến tạo Sergio Aguza đã sang hẳn MK Dons và chưa đá một trận nào cho đội 1. Người thay thế cho Aguza đeo băng đội trưởng là ai? Enzo Fernandez: con trai của Zidane.
Zidane-sống-nội-tâm cần thay đổi
Để thành công, Zidane hiểu rằng uy tín quá khứ của anh là không đủ. Là một người kiệm lời, anh chưa bao giờ đưa ra các tuyên bố ồn ào, khiến nhiều người lầm tưởng anh quá nhút nhát. Điều đó cũng phải thay đổi. “Nếu tỏ ra mềm yếu, bạn sẽ thất bại”, Zidane quyết định bước ra khỏi cái vỏ sò của anh trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với France Football vào tháng 6. “Tôi hiểu ra rằng vì điều tốt, bạn cần nói với các cầu thủ những điều họ không muốn nghe. Tôi hiếm khi làm như thế, nhưng giờ tôi sẽ phải làm khác đi”.
Ban đầu, Zidane không thành công với đội Castilla, nhưng sau đó đã khác
Nhưng Jimenez cho rằng như thế vẫn chưa đủ: “Anh ấy không la hét nhiều, không tỏ rõ sự giận dữ, mà chỉ là những cuộc đối thoại và chỉ dẫn liên tục. Tôi hiểu anh ấy muốn kiểm soát mọi thứ thông qua trao đổi, nhưng điều đó là không đủ”. Một vấn đề nữa với Zidane là anh tỏ ra quá nhút nhát trước giới truyền thông. Anh thỉnh thoảng trả lời phỏng vấn, nhưng không tham gia họp báo, điều ngược lại với Pep, vốn luôn có mặt ở các sự kiện truyền thông mang tính công cộng, nhưng không bao giờ trả lời phỏng vấn riêng.
“Chúng tôi thậm chí đã huấn luyện về truyền thông cho anh ấy”, Lacombe nói. “Anh ấy hiểu mình phải làm việc nhiều hơn, không chỉ với truyền thông, mà cả trong giao tiếp với các lãnh đạo đội, cầu thủ, và HLV. Carlo Ancelotti và Jose Mourinho là những người rất khác Zidane, họ xử lý truyền thông rất tốt. Zidane thì không phải là một người hay nói”.
Nhưng trong khi cần nói nhiều hơn, anh cũng cần nhiều sự trầm tĩnh hơn. Là cầu thủ, Zidane từng phải nhận 14 thẻ đỏ trong cả sự nghiệp. “Đôi khi có thể nhìn thấy sự căng thẳng trong mắt tôi”, anh thừa nhận. “Khi làm HLV thì điều đó lại càng nhiều. Là cầu thủ thì không tệ như thế, nhưng là HLV, bên ngoài sân, bạn thấy giận dữ vì bất lực không thể làm gì. Bên trong tôi luôn có một ngọn núi lửa không dễ gì quản được”.
Zidane liệu có phải người nhút nhát?
Nhưng dần dần anh đã quản được, thông qua kinh nghiệm với Castilla. “Có Zidane cầu thủ trên sân và Zidane con người”, Lacombe nói. Năm 1988 ở Cannes, ông đã từng cấm Zidane một tháng không được ra sân vì đấm một đối thủ đã phạm lỗi với anh. “Anh ấy đã học được cách chơi bóng trên những đường phố Marseille, nơi sự thù địch là rất lớn”, Lacombe nói. “Bạn đại diện cho một “xóm” trong khu phố, và không bao giờ lùi bước”.
Zidane cũng dần hiểu ra tất cả, bao gồm trách nhiệm với truyền thông, đều ở trong tay chỉ mình anh. “Là HLV, bạn chỉ có một mình”, anh nói. “Bạn có trợ lý, nhưng rốt cuộc bạn phải ra quyết định cuối cùng, những cầu thủ chấn thương, những câu hỏi của báo chí, phản ứng từ CĐV, ban lãnh đạo… Mỗi ngày bạn phải ra 15-20 quyết định”.
Tại sao là Zidane?
Ở Zidane, chủ tịch Perez thấy một người chiến thắng bẩm sinh. “Logic mà nói, Zizou chỉ có thể làm HLV trưởng”, Florentino nói từ năm ngoái. “Anh ấy không thể là nhân vật số 2. Ngay khi bắt đầu đá bóng, anh ấy biết mình sẽ là người giỏi nhất thế giới. Là HLV cũng thế, anh ấy chỉ có thể là số 1. Anh ấy cương quyết, hiểu biết sâu sắc về bóng đá và tài năng, tất cả những phậm chất một HLV lớn cần”.
Còn ở Perez, Zidane tìm thấy một người bảo trợ, một đồng minh tin cậy. “Perez đã thay đổi tất cả”, anh nói năm 2013. “Ông ấy là lý do tôi ở đây. Không có ông ấy, tôi đã không giành được la Novena (chức vô địch Champions League thứ 9 của Madrid năm 2002, với cú vô-lê ngoạn mục của Zidane vào lưới Bayer Leverkusen ở trận chung kết). Ông ấy đã cho tôi tất cả và tôi muốn đền đáp lại với vai trò HLV”.
Quan trọng không kém, phong cách và sự tập trung cho chi tiết của Zidane giúp anh nhận được nhiều sự ủng hộ đằng sau hậu trường. Trợ lý của anh giờ sẽ là David Bettoni, người Zidane đã làm việc cùng một thời gian dài để phân tích các đối thủ và cả đội nhà. Bettoni, cũng đã có bằng Pro Licence và từng là giám đốc đội trẻ ở Cannes, phụ trách các phiên tập nhóm và tập thể lực ở Castilla
Tình thế cũng đang sáng sủa hơn cho Zidane ở Madrid. Nhiều cầu thủ đã bình phục chấn thương và tràn trề hy vọng lên đội 1. Mùa này, cho tới khi Benitez bị sa thải, đội hình của Zidane toàn những cầu thủ từ 22 tuổi trở xuống (bao gồm con trai 20 tuổi của anh Enzo), nhưng không còn những Medran, Burgui, Llorente, Varela, và Aguza.
Lần này, Zidane cũng đã thành công hơn. Sau 18 trận, Castilla đứng thứ 2 vào lúc kỳ nghỉ Đông tới, kém 5 điểm so với đội đầu bảng Barakaldom nhưng hơn nhóm đá play-off 6 điểm. Tuyển thủ Dominica 22 tuổi Mariano Diaz dẫn đầu danh sách Vua phá lưới với 11 bàn. Tất cả những điều đó góp phần vào quyết định bổ nhiệm anh dễ dàng hơn với Perez.
Khi Zidane thăm sân tập của Bayern vào tháng 3, anh mới là một người học việc, nhưng giờ, anh đã sẵn sàng để là một đối thủ của Pep, khi một trang mới mở ra ở Madrid.
Trần Trọng
Theo Four Four Two
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất