Tehran đưa kiệt tác nghệ thuật 'xuống phố'

10/05/2015 13:19 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Các đường phố ở Tehran, thủ đô Iran, vốn đầy rẫy những bảng biển quảng cáo các sản phẩm mới nhất, đồ dùng gia đình và nhiều thứ khác. Tuy nhiên, giờ đây “bộ mặt” của thành phố này đã thay đổi. Các biển quảng cáo được thay thế bằng tác phẩm nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.

Trong vòng 10 ngày, nhiều bức tranh của các danh họa như: Pablo Picasso, Rene Magritte và Henri Matisse biến Tehran thành một gallery nghệ thuật đô thị khổng lồ.

Giới chức của Tehran hy vọng, dự án mang tên A Gallery As Big As A Town (Phòng tranh lớn bằng thành phố) sẽ khuyến khích công chúng tới các bảo tàng. Giám tuyển dự án này là nghệ sĩ kiêm nhà điêu khắc Iran Saeed Shahlapour.

Tác động tích cực tới thị hiếu của công chúng

Quốc lộ Modarres dài, rợp bóng cây, mang tên một giáo sĩ Hồi giáo nổi tiếng, giờ đang trưng bày kiệt tác hội họa The Scream (Tiếng thét) của danh họa Na Uy Edvard Munch. Đường phố khác lại trưng bày bức tranh The Son Of Man của nghệ sĩ  siêu thực Magritte và cạnh đó là một bức tranh của nhà thơ kiêm nghệ sĩ Iran nổi tiếng Sohrab Sepehri. Không xa đó là bức tranh phong cảnh lớn của David Hockney.

Các bức tranh này nằm trong số hơn 1.500 bảng quảng cáo khổng lồ trưng khắp các đường phố ở Tehran. Trong số 700 tác phẩm nghệ thuật được trưng bày còn có các bản sao của nhiều tấm thảm truyền thống Ba Tư, thư họa và tác phẩm nghệ thuật khác.

Dự án này đã nhận được nhiều phản ứng tích cực trên mạng và các phương tiện truyền thông Iran. Sadra Mohaqeq, cây bút của tờ báo ngày Iran Shargh, vui mừng bày tỏ: “Tôi thấy thật phấn khích. Thật tuyệt vời khi được thấy những bảng biển quảng cáo máy giặt hay các ngân hàng lớn được thay thế bằng họa phẩm của Rembrandt, Paul Cezanne hay Picasso. Trong 10 ngày, công chúng sẽ không phải nhìn những bảng biển quảng cáo thông thường. Các tác phẩm nghệ thuật này sẽ tác động tới thị hiếu thị giác của công chúng theo cách tích cực”.

Còn Mohammad Babaee, một công dân ở Tehran, nói rằng anh vui sướng khi được chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật mà anh chưa hề thấy trước đó. Trong khi đó, Elaheh Khosravi cho biết cô phải dụi mắt nhiều lần vì không tin nổi đó là sự thật. “Khi ra đường vào buổi sáng, tôi thấy có điều gì thật lạ. Tôi nghĩ mình đang mơ. Tôi không thể tin nổi những gì mình đang nhìn thấy. Tehran đã biến thành một bảo tàng. Nghệ thuật đã biến thành phố này thành một tấm toan vẽ lớn. Đây là một động thái đáng khen ngợi, là một lễ hội màu sắc và mang tính xu hướng” – Khosravi viết trên trang web Khabaronline của Iran.

Mojtaba Mousavi, quản lý dự án A Gallery As Big As A Town, cho biết hầu hết các không gian trưng biển quảng báo ở Tehran đều nằm trong sự quản lý của các công ty tư nhân. “Ban đầu, các công ty đó không thấy thoải mái với ý tưởng dẹp các bảng biển quảng cáo của họ trong 10 ngày, song cuối cùng họ đã đồng ý cho chúng tôi ‘mượn’ không gian bởi đây là một hoạt động văn hóa. Chúng tôi trưng bày khoảng 70% tác phẩm trưng bày là của nghệ thuật Iran, còn lại là của thế giới” - Mousavi nói với trang web Khabaronline.

Jamal Kamyab, một quan chức thành phố gắn kết với dự án này, cho biết quyết định dự án bởi muốn khuyến khích công chúng tới các bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật thường xuyên hơn.

“Mọi người không tới các bảo tàng hay thiết chế văn hóa thường xuyên như chúng tôi mong muốn, vì vậy chúng tôi muốn khuyến khích họ” - Kamyab nói.

Nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng vẫn nằm “phủ bụi”

Tehran còn có một kho báu ẩn mà thế giới bên ngoài ít biến đến. Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại của thành phố hiện lưu giữ bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại tinh tế nhất bên ngoài châu Âu và Mỹ, trong đó gồm nhiều tác phẩm gốc của  Jackson Pollock, Francis Bacon, Andy Warhol, Mark Rothko, Edvard Munch và Magritte.

Song thật đáng buồn là các tác phẩm này đang nằm phủ bụi trong tầng hầm của bảo tàng trong suốt hơn 30 năm qua. Các nhà kiểm duyệt ở Iran đã phân định một số tác phẩm xa lạ với Hồi giáo, mang tính khiêu dâm và “quá đồng tính”, do vậy chúng chưa hề được trưng bày trước công chúng. Nhiều tác phẩm khác thì mới chỉ được trưng bày 1-2 lần.

Hồi tháng 8/2012, một số bức tranh trong bộ sưu tập đã lần đầu tiên đến với công chúng ở Tehran qua triển lãm Pop Art & Op Art của bảo tàng, trong đó gồm các họa phẩm của Warhol, Hockney, Roy Lichtenstein, Victor Vasarely, Richard Hamilton và Jasper Johns.

Mọi bảng biển đều phải được các nhà chức trách thông qua trước khi trưng bày trước công chúng. Vài năm trở lại đây, ông Mohammad-Bagher Ghalibaf, Thị trưởng Tehran hiện nay, đã làm thay đổi đáng kể khung cảnh của thành phố với việc xây dựng các cây cầu mới, đường hầm và tạo không gian xanh. Ngân sách thành phố cũng gia tăng đáng kể dưới sự lãnh đạo của ông.

Hiện nay, các phòng trưng bày nghệ thuật ở Tehran đang phải đối diện những khó khăn lớn trong việc tổ chức triển lãm khi tất cả đều phải nhận được sự cho phép trước khi mở cửa đón công chúng.

Việt Lâm (theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm