09/04/2011 14:47 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Việc tuần này Nhật Bản đổ một lượng lớn nước nhiễm xạ vào Thái Bình Dương đã khiến nhiều nước láng giềng lo ngại và đã lên tiếng yêu cầu Tokyo cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời cần tích cực chia sẻ thông tin.
>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản
Ngày 8/4, Trung Quốc đã có những tuyên bố liên quan tới việc Nhật Bản thải 11,5 triệu lít nước nhiễm xạ vào Thái Bình Dương, cho thấy cộng đồng quốc tế vẫn hết sức lo ngại về cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài đã 1 tháng sau thảm họa động đất và sóng thần.
Cần thông tin “toàn diện, kịp thời, chính xác”
Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này sẽ theo dõi chặt hành động của Nhật Bản trong việc giành lại quyền kiểm soát nhà máy điện Fukushima Daiichi, trung tâm của các vụ rò rỉ phóng xạ.
“Trung Quốc đang theo dõi sát các sự kiện diễn ra” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hong Lei nói - “Chúng tôi đề nghị Nhật Bản cung cấp cho Trung Quốc những thông tin kịp thời, toàn diện và chính xác”.
Đây được xem là phản ứng chính thức đầu tiên từ phía Trung Quốc, vốn đang vật lộn để trấn an nỗi lo lắng của dư luận trước nguy cơ phóng xạ. Nhật Bản không tham vấn các láng giềng trước khi xả nước nhiễm xạ, nhưng có nói rằng nước này đã báo cho “hàng xóm” biết về quyết định của mình.
Giới chức y tế Thái Lan kiểm tra phóng xạ trên hải sản, sau khi Nhật Bản đổ thêm nước nhiễm xạ vào Thái Bình Dương
Tân Hoa Xã thông báo hôm 7/4 rằng nhà chức trách có phát hiện phóng xạ iốt-131 ở rau chân vịt trồng tại các thành phố Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hà Nam. Song lượng phóng xạ chỉ dao động từ 0,1 - 0,3% mức được phép và không gây nguy hiểm.
Dân Hàn Quốc đề phòng
Phóng xạ có nguy hiểm hay không? Nhằm giải đáp những sự mù mờ thông tin của dư luận liên quan tới phóng xạ, hãng tin AP đã tham vấn các chuyên gia để tìm ra lời giải đáp chi tiết nhất. Theo đó, phóng xạ là chất vô hình, vô vị, di chuyển trong không khí dưới dạng sóng năng lượng hoặc dạng hạt. Hạt phóng xạ có thể tập hợp thành những đám bụi vô hình và được gió thổi đưa đi xa, nó sẽ trở lại mặt đất theo những cơn mưa. Ở dưới nước, phóng xạ có thể được các dòng hải lưu phát tán đi rất xa. Bình thường môi trường sống của chúng ta cũng có phóng xạ và trung bình mỗi người nhận 3 millisievert phóng xạ mỗi năm. Để so sánh, một bệnh nhân chụp X-quang sẽ chịu lượng phóng xạ khoảng 0,1 millisievert. Nhiễm độc phóng xạ liều cao trong thời gian ngắn có thể gây nôn mửa, chóng mặt, rụng tóc, gây nguy cơ ung thư về lâu dài ở người lớn hoặc đột biến gene ở thai nhi. Một liều phóng xạ đủ mạnh để gây các tác hại trên rơi vào khoảng 4.000 millisievert, tức tương đương với 40.000 lần chụp X-quang ngực.
Cùng thời điểm, tại Hàn Quốc, một số ngôi trường đã phải đóng cửa vì các bậc phụ huynh lo ngại mưa có thể mang theo bụi phóng xạ độc hại rớt xuống người con họ. “Chúng tôi đã gửi đi một thông điệp chính thức trong ngày 8/4 nói rằng các trường học nên hạn chế bớt những hoạt động ngoài trời” - một quan chức giáo dục Hàn Quốc giấu tên nói với hãng tin Reuters.
Cơ quan An toàn Năng lượng Nguyên tử Hàn Quốc đã báo cáo rằng một lượng phóng xạ iốt nhỏ và caesium xuất hiện trong mưa ở phía Nam đất nước nhưng không đủ lớn để gây quan ngại về sức khỏe. Tuy nhiên, điều này không khiến nhiều người Hàn Quốc giảm lo ngại. Không ít người đã đeo mặt nạ phòng độc và các con phố ở gần Seoul trở nên đông đúc hơn thường lệ vì nhiều bậc phụ huynh quyết định chở con tới trường thay vì để chúng đi bộ.
“Chúng ta có vị trí địa lý gần Nhật hơn nơi khác như Mỹ hay châu Âu. Người dân của chúng ta vì thế sẽ dễ lo lắng hơn” - Tổng thống Lee Myung-bak nói và cho biết ông đã lập một ban chuyên trách nhằm đảm bảo sự an toàn của thực phẩm cũng như sức khỏe của người dân. Đầu tuần này Hàn Quốc cũng tuyên bố sẽ tìm kiếm thêm thông tin từ Tokyo về quyết định cho Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) xả nước nhiễm xạ xuống biển.
Đã có những băn khoăn nhằm vào Nhật Bản vì sự thiếu thông tin liên quan tới cuộc khủng hoảng hạt nhân. Tại một cuộc họp kín ở Vienna, Áo, trong đêm ngày 6/4, các quan chức nguyên tử Nhật Bản đã gặp phải nhiều câu hỏi khó từ nhiều nước. “Người ta chất vấn quanh chuyện chia sẻ thông tin, nhất là phía Nga” - một nguồn tin ngoại giao nói với Reuters.
Sẽ mất nhiều tháng để giành quyền kiểm soát
Hiện các kỹ sư Nhật Bản đang bơm khí nitơ vào các nhà chứa lò phản ứng ở Fukushima Daiichi, sau khi đã bít thành công lỗ rò rỉ nước nhiễm xạ ra biển. Việc bơm khí nitơ là để ngăn chặn nổ khí hydro, hình thành do sự tan chảy của các thanh nhiên liệu. Khi được bơm vào các nhà chứa, khí nitơ sẽ nhanh chóng chiếm chỗ của hydro và ôxy và TEPCO đã lạc quan tuyên bố rằng khả năng lặp lại các vụ nổ khí như những ngày đầu xảy ra thảm họa là “rất nhỏ”.
Nhưng trong bối cảnh các kỹ sư phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng, giới chức Nhật thừa nhận rằng họ sẽ có thể mất nhiều tháng để đưa các lò phản ứng vào trong vòng kiểm soát. Tiếp đó Nhật sẽ phải mất rất nhiều năm để dọn dẹp hậu quả do thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất nước này gây ra.
Theo Đài truyền hình NHK, ngày 8/4, Công ty Điện lực Tohoku thông báo trận động đất mạnh 7,4 độ richter một ngày trước đó, đã làm nước có chứa phóng xạ tràn ra khỏi bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng, tại cả ba lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Onagawa ở tỉnh Miyagi. Công ty đã phát hiện có rò rỉ nước tại năm điểm của nhà máy Onagawa, trong đó có các điểm bên trong các tòa nhà chứa lò phản ứng trên. Lượng nước tràn ra ngoài cao nhất là 3,8 lít. Bên cạnh đó, các thiết bị kiểm soát áp suất bên trong tòa nhà chứa tuốc-bin của lò phản ứng số 3 cũng đã bị hư hại. Dư chấn mạnh hôm 7/4 cũng làm mất 3 trong số 4 đường điện bên ngoài tại nhà máy này. Hiện nhà máy Onagawa chỉ còn một đường điện sử dụng cho hệ thống làm mát các lò phản ứng.Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất