01/03/2021 08:10 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Sân khấu hiện nay có lẽ đang thiếu vở hay, mà điều nhận thấy là “gia vị” lại nhiều, lấn át nội dung kịch bản và diễn xuất của nghệ sĩ.
Thiết kế hòa điệu với diễn xuất của nghệ sĩ để cho ra “không gian trong cảm thức” của người xem, thăng hoa hơn không gian thực bên ngoài. Chính đó làm nên sức hấp dẫn của sân khấu. Nhưng…
Sân khấu lạm dụng múa
Cách đây mười mấy năm, múa xuất hiện trên sân khấu với tính chất minh họa, được khán giả thích thú. Nhưng rồi nó trở thành món người ta cơ cấu dày đặc vào sàn diễn. Một chương trình sự kiện, hoặc live show có gần chục tiết mục múa, xem đến bội thực.
NSND Đặng Hùng, một biên đạo múa nổi tiếng của TPHCM, kể chuyện thật: “Tôi hỏi một anh làm chương trình tại sao nhiều thế, anh trả lời vì mỗi diễn viên lãnh 100 ngàn cho một tiết mục, vậy phải thiết kế tối thiểu 6 tiết mục để các bạn lãnh được 600 ngàn. Ôi trời! Thảo nào mà cứ trùng lặp nhau”. Và ông nhấn mạnh thêm, múa trong cải lương càng phải kỹ lưỡng, mỗi động tác đều có ý nghĩa đặc trưng, đúc kết giá trị phục vụ cho diễn xuất, chứ không phải làm màu cho đẹp sân khấu.
Khổ nhất là múa minh họa cho vọng cổ. Thật sự khán giả cần một không gian yên lắng để tập trung thưởng thức câu vọng cổ, nghe kỹ từng hơi rung, hơi ngân, nhả chữ tinh tế, và nghệ sĩ cũng phải tập trung để ca cho thật hay. Thế mà đằng trước, đằng sau, bên hông, đều có những diễn viên múa vây kín, tung xòe áo xống, chạy qua chạy lại, khán giả rối cả mắt, còn nghệ sĩ đôi khi cũng phải quay sang phối hợp với dàn múa. Bao nhiêu tinh túy của vọng cổ bị nhòa trong đám đông ấy.
NSND Lệ Thủy ý kiến: “Theo tôi, nếu trong bài tân cổ giao duyên thì phần tân nhạc ban đầu có thể múa để thêm màu sắc, nhưng tới phần vọng cổ là phải im để người ta tập trung cao độ. Ngay cả khi hát các điệu lý tôi cũng không thích múa minh họa. Thời đại mới, sinh ra cách thể hiện mới, nhưng cũng nên chú ý liều lượng, kẻo phá đi cái hay của vọng cổ”.
Màn hình LED, công hay tội?
Những năm gần đây, nhiều vở diễn sân khấu đã sử dụng màn hình LED trong thiết kế, tạo nên một hiệu ứng tiện lợi. Khán giả cũng thú vị bởi trông thấy nhiều cảnh đẹp quá, thật quá, rùng rợn quá… Đơn cử vở Người vợ ma của sân khấu Hồng Vân Chợ Lớn vừa dựng lại vào cuối năm 2020, đã sử dụng màn hình LED rất nhiều so với bản dựng đầu tiên tại sân khấu Phú Nhuận cách đây hơn 10 năm chỉ thuần chất sân khấu. Trong bản dựng mới, có cả một đoạn phim rất dài được quay trước, thể hiện cảnh ma quái trong nhà, ngoài vườn. Vì là phim, nên tha hồ kỹ xảo, dễ làm ra cảnh ma hơn sân khấu. Và cũng nhờ quay phim mà khán giả thấy được cảnh trí ngôi nhà sang trọng, lộng lẫy, từng chi tiết hoa viên, cầu thang, chứ sân khấu Chợ Lớn nhỏ xíu làm sao thể hiện cho nổi.
Hoặc vở cải lương Lan và Điệp của “ông bầu” Gia Bảo diễn tại Nhà hát Bến Thành cũng dùng màn hình LED để “trang trí” cho căn nhà đầy đủ tủ thờ, sập gụ, bình gốm sang trọng.
Nhìn chung, những điều mà thiết kế sân khấu truyền thống không giải quyết thỏa đáng, thì màn hình đã giải quyết. Hơn nữa, nó hỗ trợ cho ông bà bầu khi mặt bằng nhỏ hẹp, không có chỗ cất giữ cảnh trí, cộng với khó khăn về tài chính khó đầu tư tử tế cho cảnh trí. Xem ra, dùng màn hình LED không còn là một giải pháp tạm thời nữa, mà là giải pháp gánh vác cho rất nhiều vở diễn. Nhiều vở cải lương và kịch, sàn diễn trống lốc không có bục bệ chi hết, chỉ có màn hình LED hiện lên cảnh nội thất lẫn cảnh ngoài trời, diễn viên tha hồ diễn với màn hình.
Đến mức ấy, khán giả không còn hứng thú nữa. Người ta bỗng thèm được xem tài hoa của họa sĩ tạo nên những hiệu ứng đặc trưng cho loại hình sân khấu. Bởi sân khấu có đặc trưng riêng, sự hấp dẫn riêng, nếu không, người ta đã đi xem phim. Dù sân khấu có nhỏ bé bao nhiêu đi nữa, thì khi thiết kế cũng tạo được một không gian cho người ta tưởng tượng, ước lệ, cách điệu. Đơn cử vở Yêu là thoát tội, một không gian nhỏ của sân khấu Thế Giới Trẻ, một vài bục bệ, mà đạo diễn và họa sĩ đã xử lý rất giỏi để khán giả hình dung ra được khi là ngọn núi, khi là ngọn đồi, dòng suối, ngai vàng, hậu cung…
Hoặc như vở Đò tình của đạo diễn Tiết Duy Hòa tại Nhà hát Thế Giới Trẻ đã thiết kế theo lối tả thực, với đầy đủ bến sông, con đò, lục bình, lu nước, cầu tre… y như một miền quê đồng bằng sông Cửu Long đang hiện ra trước mắt, làm khán giả vô cùng thích thú.
Tóm lại, đạo diễn và các ông bà bầu có thể ngồi lại với nhau giải quyết một cách thỏa đáng bài toán này. Sân khấu đang hồi khó khăn, ai cũng thông cảm. Tuy nhiên, nếu thủ tiêu những cái hay của sân khấu thì e rằng chúng ta càng đẩy nó vào bóng tối.
NSND Trần Ngọc Giàu: “Vấn đề không phải sử dụng nhiều hay ít màn hình LED, mà nên cân nhắc liều lượng hợp lý. Suy cho cùng, ứng dụng công nghệ hiện đại cần được sử dụng, nhưng sử dụng bao nhiêu và khéo léo thế nào để sân khấu không mất đi tính đặc trưng của nó”. |
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất