Thấy gì khi giải hạng Nhất có Văn Lâm, Công Phượng?

27/09/2024 12:57 GMT+7 | Bóng đá Việt

Từ đường chuyền của Sầm Ngọc Đức, Công Phượng thoát khỏi sự truy cản của Đỗ Văn Thuận, vượt qua Lê Ngọc Bảo và Đỗ Thanh Thịnh trước khi cứa lòng hiểm hóc, nhưng thủ thành Đặng Văn Lâm còn xuất sắc hơn với một cú bay người cản phá.

1. Đó có thể là những lời tường thuật cho trận đấu ngày 9/11 tới, khi Trường Tươi Bình Phước làm khách trên sân Thanh niên TPHCM. Đó được xem là viễn cảnh của trận đấu giữa hai ứng cử viên thăng hạng V-League, với sự góp mặt của những gương mặt tên tuổi, thậm chí là tuyển thủ quốc gia.

Ngoài Công Phượng, Trường Tươi Bình Phước của HLV Nguyễn Anh Đức còn có thủ thành kỳ cựu Bùi Tấn Trường, trung vệ Huỳnh Tấn Sinh, hậu vệ cánh Sầm Ngọc Đức, tiền vệ Hoàng Minh Tâm, và tiền đạo Lê Thanh Bình. Giúp sức cho bộ đôi Nguyễn Anh Đức – Lê Tấn Tài trên băng ghế HLV còn có GĐKT Yusuke Adachi, từng làm việc cho VFF trong giai đoạn 2020-23.

Đối trọng của họ thậm chí cũng có lực lượng đáng gờm không kém. Ngoài Đặng Văn Lâm trong khung gỗ, Thanh Niên TPHCM còn có Đỗ Thanh Thịnh, Lê Ngọc Bảo ở hàng thủ, Đỗ Văn Thuận, Nguyễn Đức Việt nơi tuyến giữa, còn trên hàng công là bộ đôi Đỗ Merlo – Đinh Thanh Bình. Nói chung về lực lượng thì một chín một mười, chưa kể năng lực tài chính của LPBank có ý nghĩa rất đáng kể.

Ngoài ra, không thể kể đến dàn sao trẻ đầy tiềm năng của PVF-CAND, đội bóng đều đua thăng hạng ở những mùa gần đây. Những Thanh Nhàn, Trần Quang Thịnh, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đức Phú, Huỳnh Công Đến… cùng các cựu binh như Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Xuân Nam có thể tiếp tục hình thành một tập thể đủ sức cạnh tranh suất thăng hạng.

Khi hạng Nhất có Công Phượng, Văn Lâm - Ảnh 1.

Ngày 9/11 tới, Công Phượng sẽ đối đầu Văn Lâm?

Như vậy, giải hạng Nhất năm nay sẽ có ít nhất 3 đội bóng giàu tiềm lực đặt mục tiêu thăng hạng. Cuộc đua này, vì thế, hứa hẹn nóng bỏng và khó đoán hơn nhiều. Trước đó, giải đấu này thường bị đánh giá là thiếu sức cạnh tranh và dễ đoán vì phần lớn ngại lên V-League (do thiếu kinh phí).

2. Việc một số tuyển thủ Việt Nam xuống hạng Nhất là tín hiệu vui cho giải đấu Nhưng với cá nhân những ngôi sao này, đó rõ ràng là một bước lùi trong sự nghiệp. Đó là sự thật không thể chối cãi.

Giải hạng Nhất không được dùng ngoại binh như V-League, trừ một số ít cầu thủ nhập tịch. Số trận đấu cũng ít hơn (22 trận/mùa so với 26 trận/mùa), mặt bằng cầu thủ thấp hơn, tốc độ và lối chơi vì thế cũng kém so với V-League. Và đối với các đội không nhắm vé lên hạng, động lực chiến đấu là không rõ ràng. Với một môi trường như thế, các ngôi sao khó duy trì năng lực chuyên môn, chứ đừng nói đến chuyện tiến bộ.

Trong số các ngôi sao thi đấu ở giải hạng Nhất, trường hợp của Đặng Văn Lâm có lẽ khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối nhất. Anh là trụ cột ở đội tuyển Việt Nam, ngôi sao của V-League, từng thi đấu ở Thái Lan, Nhật Bản, và độ tuổi 31 là còn quá sớm để dưỡng già, nhất là ở vị trí thủ môn. Thực tế, so với hai thủ môn Việt kiều chất lượng ở V-League, Văn Lâm vẫn còn trẻ hơn Nguyễn Filip và Patrik Lê Giang (đều sinh năm 1992).

Trong khi đó, việc Công Phượng thi đấu ở hạng Nhất thì ít bất ngờ hơn. Tiền đạo người Nghệ An thật ra không có nhiều sự chọn lựa khi thị trường chuyển nhượng V-League đã đóng cửa. Vả lại với một cầu thủ chỉ đá vỏn vẹn 3 trận (tổng thời gian chưa quá 90 phút) cho Yokohama thì ưu tiên trước mắt là được thi đấu thường xuyên, tìm lại cảm giác bóng, cải thiện thể lực.

Và với tham vọng của Trường Tươi Bình Phước cũng như Thanh niên TPHCM, thì đó có thể chỉ là "lùi 1 bước, tiến 3 bước". Trong tương lai, Văn Lâm và Công Phượng đều có thể trở lại với sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam.

Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm