Thế giới kêu gọi cứu 'tháp Eiffel của Nga'

23/03/2014 08:41 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Đối với du khách quốc tế, tháp truyền hình Shukhov, được mệnh danh “Eiffel của Nga”, luôn là một điểm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên số phận công trình được xây từ thời Liên Xô này đang trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, bởi vào ngày 24/3 tới chính quyền sẽ quyết định có phá hủy nó hay không.

Được kiến trúc sư tiên phong Vladimir Shukhov xây dựng trong giai đoạn 1920-1922, thời kỳ diễn ra cuộc nội chiến Nga, tháp Shukhov được xem là công trình kiến trúc điển hình của thời Liên Xô.

Vẫn tạo ảnh hưởng trên toàn cầu

Công trình này đã tạo ảnh hưởng cho nhiều kỹ sư và kiến trúc sư, trong đó có Lord Foster, tác giả tòa nhà chọc trời Gherkin ở London (Anh). Công trình của Foster cũng mang thiết kế kiểu chấn song sắt chéo như tháp Shukhov.

Hồi năm 2010, Foster đã đánh giá Shukhov là công trình “xuất chúng đến kinh ngạc và có tầm ảnh hưởng lịch sử lớn", trong nỗ lực kêu gọi tu bổ tòa tháp. Và Foster không phải người duy nhất có quan điểm này. Ngày càng có nhiều kiến trúc sư, gồm những người nổi tiếng như Rem Koolhaas, Tadao Ando và Kengo Kuma, nhận thấy cần phải bảo tồn tòa tháp. Họ đã viết một bức thư ngỏ kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện ngay các biện pháp bảo tồn tháp Shukhov.

Trong thư, các kiến trúc sư cho rằng, tháp truyền hình đã chịu đựng được sự thử thách của thời gian. Họ cũng chỉ ra rằng công trình này từng rất hữu ích khi đã được dùng làm nơi chứa nước, cột cao thế, đèn hải đăng và thậm chí còn là cột ăng-ten viễn thông giúp thu sóng từ các tàu chiến Mỹ.

“Đây là một biểu tượng của Moskva và là một trong những kỳ công tột bậc về khoa học công trình của thế kỷ 20. Tháp Shukhov vẫn tạo ảnh hưởng và làm phong phú các ý tưởng kỹ thuật và kiến trúc trên toàn cầu” – trong thư có đoạn viết.


Tòa tháp truyền hình Shukhov ở Moskva (Nga) đang đối diện với nguy cơ bị tháo dỡ.

Bị đập bỏ để xây cao ốc?

Khi được hoàn thành vào năm 1922, tháp Shukhov đã truyền đi những chương trình truyền hình đầu tiên ở Moskva. Tuy nhiên, kể từ khi ngừng vai trò phát sóng truyền hình hồi năm 2002, tòa tháp không còn được Bộ Viễn thông (cơ quan chủ quản) sử dụng vào bất cứ mục đích gì. Người ta thậm chí còn đóng cửa không đón khách tham quan.

Tòa tháp này tọa lạc tại vị trí trung tâm của Moskva nên Bộ Viễn thông Nga cho rằng sẽ hợp lý và sinh lãi hơn nếu người ta thay nó bằng một công trình khác. Theo quy định ở khu vực đặt tháp Shukhov, các tòa nhà mới xây không được phép cao hơn công trình bị thay thế. Vì thế nhiều khả năng thế vào chỗ của tháp Shukhov sẽ là một tòa nhà cao 50 tầng.

Bộ Viễn thông Nga từng đề xuất ý kiến tháo dỡ tòa tháp và sau đó dựng lại nó ở một nơi khác. Họ cũng bày tỏ lo ngại tòa tháp có thể đổ sụp xuống các tòa nhà dân cư quanh đó.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Nghiên cứu Melnikov và Viện Thiết kế các cấu trúc thép, công trình tháp Shukhov vẫn hết sức ổn định, dù mặt ngoài của nó có bị hư mòn theo thời gian. Họ nói rằng nếu có bị đổ, nó cũng không sập tới các ngôi nhà dân xung quanh và vì thế không gây nên bất kỳ rủi ro gì.

Sẽ bảo tồn nếu tháp không bị phá

Tại hội nghị bàn tròn với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư, kỹ sư và giáo sư hôm 19/3, nhân kỷ niệm 92 năm tòa tháp đi vào hoạt động, ông Vladimir, cháu nội của kiến trúc sư Shukhov, cho rằng: Phá hủy tòa tháp này là đánh mất đi một công trình mang ý nghĩa toàn cầu.

Tổ chức Tháp Shukhov, do ông Vladimir đứng đầu, sẽ tiến hành một cuộc đánh giá mang tầm quốc tế, qua đó thay đổi vị thế của tòa tháp, từ một công trình mang tính khu vực lên tầm liên bang. Ông cũng sẽ chuẩn bị hồ sơ trình lên UNESCO nhằm giúp tòa tháp được công nhận là Di sản thế giới và tiến hành tìm nhà thầu tu bổ tháp. Tuy nhiên, để làm được những việc này, trước hết Chính phủ Nga phải có lệnh ngăn chặn hoạt động tháo dỡ tòa tháp.

Ông Yury Volchok, giáo sư thuộc Viện Kiến trúc Moskva, đã đệ trình dự án tu bổ tòa tháp và phát triển một cơ sở hạ tầng du lịch xung quanh nó. Ông Volchok cho rằng nên bảo tồn tòa tháp làm mô hình chuẩn, không chỉ cho các sinh viên, mà còn cho các kiến trúc sư chuyên nghiệp. “Điều quan trọng nhất là sau gần 100 năm không hề được tu bổ, tòa tháp vẫn đứng vững, nhờ vào kết cấu của nó” - ông Volchok nhận định.

VIỆT LÂM (theo The Guardian)
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm