12/11/2018 15:28 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Dự án đường sắt đô thị Hà Nội Cát Linh – Hà Đông có vai trò quan trọng nối trung tâm thành phố Hà Nội với quận Hà Đông, là trục giao thông huyết mạch phía Tây, có mật độ giao thông đông đúc nhất thành phố, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ cuối năm nay. Tuy nhiên, việc kết nối giao thông với tuyến đường sắt đô thị này như thế nào để phát huy hiệu quả đang là vấn đề được nhiều người dân quan tâm.
Tổ chức lại mạng lưới xe buýt
Với chiều dài toàn tuyến 13,08 km đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa hai làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (Quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Quận Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh – La Thành – Thái Hà – Láng - Đại học Quốc gia – Vành đai III – Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông – Hà Đông – La Khê – Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu đề pô tại Phường Phú Lương (Quận Hà Đông).
Thường xuyên phải di chuyển trên tuyến đường này để đến cơ quan gần phố Cát Linh, anh Văn Lập vui mừng cho biết sẽ bỏ xe máy chuyển sang đi tàu đường sắt khi tuyến đường sắt trên cao đi vào hoạt động. Tuy nhiên anh Lập e ngại nếu việc tiếp cận tuyến đường sắt này khó khăn sẽ là hạn chế trong việc thu hút hành khách.
“Hạ tầng giao thông kết nối, tiếp cận với ga đường sắt chưa thuận tiện, nhất là tại các ga có tuyến giao thông chính, mật độ phương tiện giao thông cao như: Ga Cát Linh, Láng, vành đai 3, Yên Nghĩa. Các biển chỉ dẫn giao thông đối với tuyến đường sắt đô thị phía ngoài các nhà ga còn thiếu. Hạ tầng xe buýt chưa hoàn thiện và thuận tiện cho việc kết nối với hệ thống đường sắt đô thị, nhất là hỗ trợ cho người khuyết tật tham gia vận tải hành khách công cộng”, anh Văn Lập chia sẻ.
Trả lời về vấn đề này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, sở đã có phương án tổ chức lại mạng lưới xe buýt để tăng cường kết nối với tuyến đường sắt đô thị này, tạo điều kiện cho hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng thuận lợi hơn, giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân cũng như áp lực giao thông trên tuyến.
Theo phương án ban đầu sẽ có khoảng 30 tuyến buýt được tổ chức lại để tăng cường kết nối với 12 nhà ga, trong số này có 5 tuyến song hành sẽ được điều chỉnh giảm 50% dịch vụ tương đương với giảm 20 xe/giờ/hướng, tăng tần suất của 3 tuyến kết nối với ga Yên Nghĩa (72,91,102), mở thêm 3 tuyến từ ga Yên Nghĩa tới các khu vực chưa có xe buýt.
Việc tổ chức kết nối buýt theo phương án sẽ tạo điều kiện kết nối cho hành khách từ các nhà ga tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đến các vị trí khác nhau trong thành phố, đồng thời giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, xe buýt vào từ cửa ngõ Tây Nam thành phố, áp lực giao thông vì thế cũng sẽ giảm.
Việc tổ chức giao thông dọc tuyến cũng được tăng cường đảm bảo vừa thuận tiện cho các thành phần giao thông chung, đồng thời tăng cường tiếp cận cho hành khách đi tàu. Giao thông đi bộ dọc hành lang và quanh nhà ga sẽ được cải thiện.
Để tăng cường khả năng thu hút hành khách và hạn chế hơn nữa phương tiện cá nhân, Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu khảo sát để tăng cường kết nối trên phạm vi toàn mạng lưới, để hành khách có thể đi tới các vị trí khác nhau trên địa bàn thành phố chỉ sử dụng ít tuyến nhất và với thời gian ngắn nhất.
Sở cũng sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cải tạo các điểm giao thông tĩnh tại các điểm dừng, nhà ga trên toàn mạng lưới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trung chuyển từ phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng vận tải hành khách công cộng và ngược lại. Sở sẽ tăng cường hơn nữa cải thiện cơ sở hạ tầng đi bộ để hành khách tiếp cận thuận lợi an toàn tại các điểm dừng và nhà ga trên toàn hệ thống.
Hoàn thiện hạ tầng, bổ sung điểm đỗ xe
Khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động, việc gửi xe máy như thế nào để lên tuyến đường sắt này là quan tâm của chị Hoài Thương ở khu đô thị Đại Thanh, quận Hà Đông cũng như nhiều người khác khi muốn sử dụng phương tiện đi lại này.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cơ bản các khu gian nhà ga tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đều có thể bố trí đỗ xe máy, xe đạp phục vụ hành khách tại gầm cầu thang hoặc vỉa hè xung quanh. 10/12 ga sẽ bố trí diện tích để hành khách gửi xe đi tàu. Chỉ có ga La Thành (trên phố Hoàng Cầu) là bị hạn chế (bên phải không thể bố trí, bên trái chỉ có thề bố trí ở gầm cầu thang); ga Thượng Đình bên phải không đỗ được xe (vướng khu vực cổng chợ). Tại các vị trí ga không bố trí được điểm đỗ xe, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ đề nghị UBND quận, nơi có nhà ga nghiên cứu, đề xuất vị trí phù hợp.
Để khuyến khích hành khách chuyển từ sử dụng các phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, nhất là đường sắt đô thị Cát linh-Hà Đông, Sở Giao thông Vận tải đưa ra giải pháp xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị phục vụ tiếp cận các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị trong khoảng cách 100 - 500 m của các nhà ga dọc theo tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Hà Nội cũng tính toán cải thiện trạm dừng xe buýt tới gần các ga đường sắt; cải thiện hành lang cho việc lưu thông xe buýt, nhà chờ, hệ thống sơn kẻ, cầu vượt, cải tạo vỉa hè, lòng lề đường, cây xanh, chiếu sáng, tổ chức giao thông; bãi đỗ các phương tiện giao thông cá nhân cho hành khách sử dụng đường sắt đô thị...
Ngoài ra, để khắc phục các hạn chế của hạ tầng kết nối với tuyến đường sắt, Sở đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cần nghiên cứu bổ sung hệ thống biển báo, biển dừng đỗ xe khu vực các nhà ga để thuận tiện cho hành khách, đồng thời đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực; rà soát, điều chỉnh các đỉểm chờ xe buýt cho phù hợp với các nhà ga tạo thuận tiện cho hành khách.
Giảm tải cho tuyến cửa ngõ
Theo Sở Giao thông Vận tải, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông theo thiết kế có nhiều ưu điểm vượt trội rất hấp dẫn cư dân đô thị hiện nay.
Cụ thể, tuyến vận tải này có năng lực vận chuyển cao, gồm đoàn tàu có 4 toa sức chứa tối đa 1000 người (tương đương khả năng vận chuyển của 12 xe buýt sức chứa lớn hoặc gần 500 xe máy hoặc hơn 200 ô tô cá nhân), với tần suất chạy 5 phút/chuyến, có thể vận chuyển trên 12 ngàn người/giờ/hướng. Tuyến thiết kế chạy với tốc độ 30-80 km/giờ, vượt trội hơn hẳn tốc độ trung bình của các phương tiện giao thông trên cùng hành lang (xấp xỉ 20 km/h). Tuyến này chạy trên đường riêng, không xung đột với các thành phần giao thông khác, đảm bảo đúng giờ giấc theo biểu đồ.
Giá vé được xây dựng phù hợp với khả năng đi lại của đại bộ phận nhân dân và áp dụng chính sách miễn, giảm giá vé như với các tuyến buýt và buýt nhanh BRT hiện nay. Cụ thể sẽ miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách là thương binh, bệnh binh, người khuyết tật và người có công với cách mạng; giảm 50% giá vé tháng cho học sinh, sinh viên, người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên và công nhân các khu công nghiệp; giảm 30% cho hành khách mua vé tháng tập thể (từ 30 người trở lên).
Với ưu thế vượt trội của loại hình đường sắt, kết hợp với việc thường xuyên rà soát, tổ chức mạng lưới xe buýt hợp lý và tổ chức giao thông tiếp cận tốt, hoạt động của tuyến đường sắt này sẽ thu hút mạnh mẽ các thành phần đang tham gia giao thông hiện nay sử dụng dịch vụ này, thông qua đó sẽ giảm tích cực số lượng phương tiện cá nhân và số lượng xe buýt trên tuyến, góp phần giảm áp lực giao thông trên tuyến cửa ngõ Tây Nam thành phố.
TTXVN/Tuyết Mai
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất