30/04/2020 21:32 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Theo số liệu của trang web thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 30/4 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 3.245.791 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong khi tổng số ca tử vong đã lên tới 229.220 ca. Tổng số ca phục hồi là 1.016.442 trường hợp, trong khi số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch vẫn còn tới 54.909 ca. Với việc có thêm Tajikistan và Comoros công bố các ca mắc COVID-19 đầu tiên, dịch bệnh này đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong ngày 30/4, việc Hàn Quốc không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào và bước đột phá triển vọng trong việc tìm kiếm phương pháp điều trị tốt hơn cho bệnh COVID-19 đã góp phần mang đến diễn biến tích cực cho tình hình dịch bệnh toàn cầu. Tuy nhiên, những con số nghiêm trọng tại châu Âu lại cho thấy dịch bệnh này đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu như thế nào.
Thị trường tài chính thế giới đã phản ứng tích cực với thông tin từ lực lượng y tế ở tuyến đầu, song các tử vong vẫn tiếp tục tăng ở phần lớn các khu vực trên thế giới. Một số nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ đối mặt với cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong kỷ nguyên hiện đại.
Tại châu Âu, các biện pháp phong tỏa ước tính khiến tăng trưởng kinh tế Liên minh châu Âu (EU) giảm tới 3,5% trong quý I/2020. Số người thất nghiệp tại Đức đã tăng từ 2,3 triệu người trong tháng 3 lên 2,6 triệu người trong tháng 4. Trong khi đó, Pháp đã chính thức xác nhận việc nước này rơi vào suy thoái.
Lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Hàn Quốc vào giữa tháng 2 vừa qua, nước này không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào. Điều đó cho thấy chiến lược truy dấu và xét nghiệm trên diện rộng của Hàn Quốc đã mang lại hiệu quả, dù đã có giai đoạn Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Trong bài phát biểu về bước ngoặt này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định đây chính là sức mạnh của đất nước và người dân Hàn Quốc.
Số ca tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc hiện đang trong khoảng 250 ca, thấp hơn nhiều so với Italy, Anh, Tây Ban Nha và Pháp, khi mỗi quốc gia này đều ghi nhận ít nhất 24.000 ca tử vong. Mỹ hiện đang là tâm dịch khi chiếm 1/3 số ca tử vong trên toàn cầu, với 61.715 người chết do mắc COVID-19. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã lên tới 1.065.739 người.
Tây Ban Nha dường như đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng, và đang nằm trong số những nước châu Âu lên kế hoạch nối lại hoạt động kinh tế và đưa cuộc sống xã hội trở lại bình thường vào tháng tới. Trong ngày 30/4, Tây Ban Nha đã ghi nhận thêm 268 ca tử vong, mức thấp nhất kể ngày 20/3 vừa qua.
Trong khi đó, số ca nhiễm tại Nga đã vượt 100.000 người. Giới chức Nga cảnh báo số ca nhiễm vẫn chưa lên mức đỉnh và quyết định gia hạn các biện pháp phong tỏa. Tại Belarus, Bộ Y tế nước này thông báo đã ghi nhận thêm 973 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 13.181 ca. Tính đến thời điểm hiện tại, Belarus đã có 84 ca tử vong.
Tại châu Á, tình hình dịch bệnh của Iran vẫn nghiêm trọng khi số ca tử vong tại nước này đã lên tới 6.028 ca, tăng 71 ca so với ngày hôm trước. Bộ trưởng Y tế Saeed Namaki nhấn mạnh dù Iran đã đạt được kết quả tốt trong việc kiểm soát dịch COVID-19 khi số ca tử vong hàng ngày giảm xuống mức hai con số và số người nhập viện giảm xuống mức thấp nhất, song điều này không đồng nghĩa rằng dịch bệnh đã chấm dứt. Ông kêu gọi người dân cần chuẩn bị cho xu hướng COVID-19 bùng phát trở lại và dịch cúm trong mùa Thu và mùa Đông tới.
Các nước Đông Nam Á đã ghi nhận thêm 1.215 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số người nhiễm của khu vực này lên 44.454 trường hợp, trong đó có 1.537 người đã tử vong. Singapore vẫn là "ổ dịch" lớn nhất khu vực khi ghi nhận thêm 528 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 30/4, nâng tổng số ca nhiễm bệnh trên cả nước lên thành 16.169 người. Tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 ở Singapore hiện vẫn là 14 người. Số bệnh nhân được chữa khỏi là 1.180 người.
Về triển vọng điều trị thành công, việc thử nghiệm thuốc chống virus remdesivir tại Mỹ cho thấy bệnh nhân đã phục hồi nhanh hơn 30% so với những người dùng giả dược. Theo chuyên gia hàng đầu của Chính phủ Mỹ về dịch bệnh Anthony Fauci, dữ liệu trên cho thấy thuốc remdesivir có tác động rõ rệt, mạnh và tích cực đối với việc rút ngắn thời gian phục hồi cho bệnh nhân.
Hàn Quốc cũng thông báo sẽ cho phép sử dụng thuốc Remdesivir trong điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nếu thuốc này chứng minh được hiệu quả và an toàn trong một loạt cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Phát biểu họp báo thường kỳ, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc Kwon Jun-wook cho hay: "Đúng là Remdesivir có một số tác động tích cực. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chỉ có thể được cấp phép sau khi xem xét kết quả thử nghiệm lâm sàng đầy đủ".
Về nghiên cứu vaccine, một số phòng nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận những tiến triển nhất định, song thành công trong việc tìm ra vaccine sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Các chuyên gia cảnh báo rằng chỉ có vaccine mới có thể cho phép việc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế, vốn buộc nửa dân số thế giới bị hạn chế đi lại trong năm nay./.
Đặng Ánh - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất