01/04/2020 16:01 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Đúng 7giờ 15 sáng, chuông đồng hồ báo thức reo vang, choàng tỉnh dậy, tất bật chuẩn bị mọi thứ để cho con tới trường trước khi đi làm như thường ngày. Bất chợt nghĩ ra, các con vẫn đang nghỉ học do dịch COVID-19.
Ra ban công ngó xuống, tự dưng có cảm giác hụt hẫng bởi đường phố vắng lặng không một bóng người, ngoài tiếng còi cứu thương rúc lên từng hồi liên tục xa xa. Đại dịch COVID-19 đã thực sự làm thay đổi cuộc sống ở một nơi vốn luôn sầm uất, tấp nập xưa nay. New York - từ trung tâm tài chính thế giới đã trở thành "tâm dịch" của nước Mỹ.
Lâu nay, nhắc tới thành phố New York, người ta chỉ nhớ đây là trung tâm tài chính hàng đầu thế giới với đại diện là Phố Wall cùng với những tòa nhà cao chọc trời, những địa điểm tham quan nổi tiếng như Tượng Nữ thần Tự do, Cầu quận Brooklyn… Cảnh tượng đô thị nhộn nhịp đó giờ đây đã biến mất, thay vào đó là những hình ảnh thành phố chiến đấu với dịch bệnh khi mà New York được gán cái danh hiệu không ai mong muốn: tâm chấn của đại dịch COVID-19 tại Mỹ. Mỗi sáng thức giấc, cầm điện thoại để cập nhật tình hình lại thấy giật mình thảng thốt với số ca nhiễm bệnh tăng lên chóng mặt từng ngày.
Kể từ ca lây nhiễm đầu tiên được phát hiện tại New Rochelle, ngoại ô thành phố New York ngày 2/3, tính đến tối 31/3 (giờ địa phương), toàn thành phố đã xác định hơn 40.000 ca nhiễm, trong đó 1.096 ca tử vong. Các chuyên gia y tế nhận định một trong những nguyên nhân khiến New York trở thành khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch vì đây là thành phố lớn nhất và đông dân nhất nước Mỹ với hơn 8 triệu người. Những ngày trước khi dịch COVID-19 bùng phát, mỗi khi bước chân ra đường phố là bắt gặp cảnh tưởng đám đông đang chen lấn, xô đẩy tại các ga tàu điện ngầm, bến xe buýt công cộng hay các nhà hàng, nơi vui chơi giải trí.
Từ ngày 29/3, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đã ra lệnh giải tán các cuộc tụ tập nơi công cộng. Cảnh sát sẽ phạt tới 500 USD những ai vi phạm. Các cơ sở kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa, trừ siêu thị thực phẩm, ngân hàng, điện nước, trạm xăng... Trước đó, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo kêu gọi người dân cần tập trung chuẩn bị để đối phó với đỉnh dịch sắp tới.
Những nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã khiến “Thành phố không bao giờ ngủ” trở nên hoang vắng một cách lạ thường. Quảng trường Thời đại vẫn rực rỡ ánh đèn nhiều màu sắc nhưng chỉ thấp thoáng bóng người cùng vài chiếc xe chạy qua chạy lại. Nhà ga Trung tâm hằng ngày nhộn nhịp người đến tham quan nay chỉ thưa thớt vài du khách lẻ, những chuyến tàu điện vốn chật như nêm giờ chỉ còn một vài hành khách lầm lũi, im lặng, ngồi cách xa nhau. Đây đó vẫn thấy một vài người vô gia cư lang thang trên đường phố. Dịch COVID-19 đã biến New York trở thành “thành phố ma” theo đúng nghĩa của nó.
Kể từ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố và lệnh đóng cửa tất cả các hoạt động không cần thiết, cuộc sống và các hoạt động kinh doanh của người dân New York hầu như bị đảo lộn, nỗi lo bao trùm từ văn phòng, siêu thị cho đến vỉa hè, tàu điện ngầm. Trong đầu mọi người luôn ám ảnh câu hỏi: “Liệu tôi có phải là người tiếp theo bị nhiễm bệnh không?” Anh Lương Đình Dũng, Giáo sư tại Đại học New York, tâm sự "có chút tâm lý bất an" khi con số các ca lây nhiễm tại thành phố New York đang tăng nhanh chóng hằng ngày.
Sau lệnh cấm, hầu như gia đình anh khóa chặt trong tòa nhà. Mặc dù có phần tù túng, nhưng anh cũng hạn chế tối đa ra ngoài bởi mỗi khi bước chân ra khỏi tòa nhà lại có cảm giác sợ hãi trước "kẻ thù vô hình". Các trường đại học tại New York phải đóng cửa đã chuyển sang hình thức giảng dạy online, công việc của anh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Trước đây, để giúp sinh viên hiểu bài hơn, các giảng viên có thể sử dụng những công cụ hỗ trợ như các bảng biểu, màn hình chiếu hay hỏi đáp trực tiếp. Nhưng hiện nay hầu như anh Dũng chỉ nói chuyện trước màn hình máy tính mà cũng không thể biết sinh viên có theo dõi hay không, có hiểu bài hay không vì hầu như không có sự tương tác giữa thày và trò. Mặc dù biết hiệu quả rất thấp, nhưng tình hình bất khả kháng, không còn cách nào khác.
Anh Mark Jayson, 45 tuổi, một thu ngân của siêu thị bán buôn Costco tại quận Queen, cũng có chung cảm giác như vậy. Anh Jayson chia sẻ: “Vì miếng cơm manh áo, tôi vẫn phải đi làm nhưng luôn cảm thấy lo lắng. Bạn thấy đấy, chỉ cách đây đôi tuần, mọi người đổ xô vào đây, chen lấn, tranh giành để vơ vét các loại nhu yếu phẩm mà hầu như đều không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào. Chúa mà biết được trong dòng người đó, ai đã mang mềm bệnh”. Tuy nhiên, anh cũng cho biết vẫn cảm thấy may mắn hơn nhiều người khi còn có việc làm để có thể chi trả tiền thuê nhà, mua thức ăn cho gia đình. Anh bộc bạch: “Bây giờ, tôi chỉ còn cách tự bảo vệ mình, cố gắng giữ khoảng cách, khử trùng các thẻ thành viên và thẻ ngân hàng của khách hàng, đeo khẩu trang và găng tay. Rất may là siêu thị cũng đã lắp tấm kính bảo vệ tại quầy thanh toán nhằm giữ an toàn cho các nhân viên”.
Trong khi đó, chị Rosalyn, 38 tuổi, phụ huynh một học sinh cùng lớp 3 với con gái tôi tại ngôi trường ở khu vực Elmhurst, buồn bã nói rằng không biết tình trạng này kéo dài bao lâu nữa. Rosalyn đã phải nghỉ việc hơn 2 tuần do nhà hàng nơi chị làm phục vụ đóng cửa. Hằng ngày chị phải đến trường để nhận các bữa ăn miễn phí cho các con. Điều đó đem lại một chút an ủi trong khi chờ đợi dịch bệnh qua đi.
Ông Vũ Duy Mẫn, một người Mỹ gốc Việt, nguyên chuyên gia cao cấp của Liên hợp quốc, cho biết để tránh dịch, từ đầu tháng 3 gia đình ông đã tạm thời di chuyển từ thành phố New York sang bang Pennsylvania, nơi ít bị ảnh hưởng hơn. Ông Mẫn chia sẻ, dịch bệnh đã khiến cuộc sống nhiều gia đình đảo lộn. Nhiều gia đình, cha mẹ không đi làm, con cái phải ở nhà. Nếu cha mẹ làm việc ở nhà thì cũng phải dành thời gian chơi với con cái nên không thể như bình thường được. Để phòng tránh nguy cơ, gia đình ông cũng hạn chế tối đa ra ngoài, kể cả để mua các nhu yếu phẩm cần thiết và đang tính phương án mua thực phẩm trên mạng. Hầu hết những người ông tiếp xúc cũng đều có tâm lý nặng nề, khó khăn và e ngại dịch bệnh kéo dài.
Lý giải vấn đề này, ông Mẫn cho rằng phản ứng của Mỹ nói chung và thành phố New York nói riêng tương đối chậm. Dịch bệnh lây lan nhanh chóng do tâm lý chủ quan ban đầu ở Mỹ, không cho là nguy hiểm mà chỉ coi như cúm mùa thông thường. Chỉ đến khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở châu Âu và các ca lây nhiễm gia tăng ở Mỹ thì chính quyền tại đây mới có phản ứng. Anh Lương Đình Dũng cũng đồng quan điểm, đánh giá những diễn biến hiện nay cho thấy tình hình dịch bệnh sẽ còn kéo dài, ít nhất là đến cuối Hè. Dù những giải pháp như giãn cách xã hội hay cấm tụ tập đông người có thể làm chậm lại quá trình lây lan, nhưng hiện nay số người đã mang mầm bệnh trong cộng đồng quá lớn, chưa phát hiện ra. Bây giờ chỉ còn là chữa bệnh chứ không phải phòng bệnh nữa.
Tuy nhiên, ông Mẫn hay anh Dũng cũng đều đánh giá "muộn còn hơn không". Mỹ là quốc gia mạnh, có tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ hàng đầu thế giới nên có thể huy động nhiều nguồn lực đồng thời để nghiên cứu, sản xuất thiết bị, thuốc men và tìm ra phương thức giúp phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn. Cả hai đều bày tỏ hy vọng những giải pháp của chính quyền Mỹ và thành phố New York sẽ giúp sớm kiềm chế được sự lây lan của dịch bệnh.
Khắc Hiếu - Phóng viên TTXVN tại New York
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất