Thêm một tiết lộ chấn động trong vụ bê bối của Facebook

28/03/2018 16:15 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Trong phiên điều trần trước một ủy ban Quốc hội Anh tại London ngày 27/3, Christopher Wylie – cựu chuyên gia nghiên cứu của công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica – tiết lộ rằng một công ty Canada từng bí mật phát triển phần mềm nhận dạng người bỏ phiếu bầu cử Mỹ 2016.

Nhân vật tiết lộ thông tin đang gây chấn động dư luận thế giới Christopher Wylie, 28 tuổi, thừa nhận công ty dữ liệu Cambridge Analytica đã bí mật thu thập trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook để xây dựng hệ thống hồ sơ của những người đi bỏ phiếu thay cho ban vận động chiến dịch của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Điều trần trước Ủy ban Thể thao, Truyền thông, Văn hóa và Kỹ thuật số của Quốc hội Anh, Christopher Wylie nêu rõ: “Có bằng chứng rõ ràng cho thấy công ty có tên AggregateIQ thực sự đã viết phần mềm Ripon chạy thuật toán dựa trên dữ liệu Facebook”. Theo ông Christopher Wylie, công ty AggregateIQ có quan hệ mật thiết với Cambridge Analytica thông qua công ty "mẹ" SCL Group.

Chú thích ảnh
Christopher Wylie điều trần trước một ủy ban quốc hội Anh ngày 27/3. Ảnh: AFP

Công ty Cambridge Analytica phủ nhận cáo buộc chia sẻ dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng Facebook cho AggregateIQ, song ông Christopher Wylie khẳng định phần mềm Ripon, mang tên thị trấn nhỏ ở bang Wisconsin (Mỹ) nơi đảng Cộng hòa ra đời năm 1854, được xây dựng dựa trên dữ liệu của Cambridge Analytica nhằm cho phép quản lý hồ sơ dữ liệu của cử tri Mỹ, tiến hành các cuộc thăm dò và tác động vào các nhóm cử tri cụ thể.

Christopher Wylie tuyên bố vì mức độ nghiêm trọng của vụ bê bối này đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, nên ông quyết định công khai thông tin nói trên.

Trong một diễn biến liên quan, ông Alexander Nix, cựu Giám đốc điều hành (CEO) của công ty Cambridge Analytica có trụ sở ở thủ đô London thừa nhận chiến dịch trực tuyến của công ty phân tích dữ liệu này đóng vai trò quyết định trong chiến thắng của Tổng thống Donald Trump năm 2016.

Tiết lộ trong một đoạn băng bí mật được ghi âm, phát ngôn của vị CEO này chưa thể xác thực. Ông Nix đã bị Ban Giám đốc công ty đình chỉ công tác vào ngày 27/3.

Trong chương trình độc quyền của kênh truyền hình Anh Channel 4 tiết lộ phương thức can thiệp bầu cử của công ty Cambridge Analytica, ông Nix mô tả công ty thực hiện mọi nghiên cứu, phân tích nhằm vào đối tượng đi bỏ phiếu cho ứng viên Trump. Thậm chí, ông này còn khoe đã đích thân gặp Tổng thống Trump “nhiều lần” khi ông còn là ứng viên đảng Cộng hòa.

Trước diễn biến trên, công ty Cambridge Analytica ngày 27/3 cho biết phát ngôn của ông Nix “không đại diện cho giá trị cũng như hoạt động của công ty, việc đình chỉ ông ấy cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng của lần vi phạm này”.

Brad Parscale – cố vấn kỹ thuật chính trong ban vận động chiến dịch của ông Trump năm 2016, người thường xuyên liên lạc với công ty Cambridge Analytica – hiện chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào bình luận phát ngôn của cựu CEO trên.

Cũng theo tiết lộ của Christopher, cựu chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon trong năm 2014 đã từng thông qua đề xuất chi gần 1 triệu USD để thu thập thông tin, bao gồm hồ sơ người dùng Facebook. Phía ông Bannon cũng chưa có bất kỳ bình luận nào trước thông tin này.

Theo Bradley Smith – cựu thành viên trong Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ, chính phủ nước này cấm người nước ngoài gây quỹ hoặc chi tiền thay cho một ban vận động tranh cử, song việc ban vận động của ông Trump sử dụng kết quả dịch vụ của Cambridge Analytica được coi là hành động không vi phạm luật.

Giám đốc điều hành Facebook từ chối điều trần trước Quốc hội Anh

Giám đốc điều hành Facebook từ chối điều trần trước Quốc hội Anh

Giám đốc điều hành Tập đoàn Facebook Mark Zuckerberg ngày 27/3 đã từ chối ra điều trần trước các nhà lập pháp Anh để làm rõ những quan ngại về vụ bê bối rò rỉ dữ liệu gây chấn động dư luận thời gian gần đây. 

Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm