Tiếng nói từ Zone 9: Mong mỏi được tiếp tục hoạt động

05/12/2013 09:01 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Trước nguy cơ bị “đóng cửa”, cảm nhận chung của nghệ sĩ ở Zone 9 là hoang mang, xót xa. Ước mơ về một “quận nghệ thuật” cho Hà Nội phút chốc thành ảo vọng, tất cả nghệ sĩ Zone 9 đều mong mỏi được tiếp tục hoạt động để thực hiện ước mơ nghệ thuật của mình.

TT&VH có cuộc trao đổi với KTS Đoàn Kỳ Thanh, nhà văn Nguyễn Quý Đức - những người kinh doanh trong khu vực số 9 Trần Thánh Tông cùng luật sư Nguyễn Thế Truyền - Văn phòng Luật sư Hợp danh Thiên Thanh tại Zone 9 trong ngày “quận nghệ thuật” nhận tin về nguy cơ phải đóng cửa.

Ước mơ “sinh lời” văn hóa

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, người tư vấn luật pháp cho các nghệ sĩ ở Zone 9

Nhớ về những ngày đầu đến với Zone 9, nhà văn Nguyễn Quý Đức chia sẻ: Cách đây khoảng 6 tháng, tôi may mắn được một người bạn giới thiệu và kinh doanh ở Zone 9. Tiếng là kinh doanh, song với hợp đồng 3 năm, đồ ăn thức uống giá bình dân, đối tượng khách hàng chủ yếu là sinh viên nên chúng tôi đều không mong chờ sinh lời nhiều về kinh tế.

“Mục đích chính của chúng tôi là tạo dựng một không gian nghệ thuật mà ở đó, những người nghệ sĩ có thể giao lưu. Hơn thế, một không gian nghệ thuật “vô trùng” để những người trẻ đến với Zone 9. Và thực tế, việc giới trẻ cùng nghệ sĩ có dịp trao đổi trong không gian nghệ thuật làm đời sống văn hóa Thủ đô sinh động hơn rất nhiều” - nhà văn Nguyễn Quý Đức nói.

KTS Đoàn Kỳ Thanh đồng tình: Giá trị về sự khác biệt, tính đa dạng của Zone 9 với văn hóa, văn nghệ Hà Nội được thể hiện rõ nhất ở những chương trình hòa nhạc của ĐSQ Pháp, triển lãm kiến trúc đô thị của ĐSQ Đan Mạch… Và đặc biệt là việc ông thị trưởng thủ đô Berlin (Đức) chọn Zone 9 là nơi trò chuyện với người trẻ Hà Nội. Với 3 năm hợp đồng ngắn ngủi, chúng tôi chỉ có một mong ước “sinh lời” văn hóa cho Thủ đô. Song thiện tâm của chúng tôi đã bị dập tắt bằng một cái kết thúc tức tưởi.

Quay lại với nguyên do chính tác động tới việc đóng cửa Zone 9, đó là những tai nạn. Những người chủ kinh doanh nơi đây tái khẳng định đó là những sai sót mang tính sự cố thi công và không liên quan tới kết cấu công trình. “Tôi cùng KTS Phó Đức Tùng đã rà soát rất kỹ mặt bằng trước khi thuê. Những khối bê tông vững chãi của khu nhà làm mọi lo ngại của chúng tôi được xua tan. Vấn đề của chúng tôi chỉ là làm sao để khi mọi người vào hoạt động nghệ thuật, kinh doanh và vui chơi ở đây được an toàn” - nhà văn Nguyễn Quý Đức chia sẻ.

Ai đền bù cho nghệ sĩ?

Quyết định của UBND Thành phố tới UBND quận Hai Bà Trưng và Công ty Bình An là những nguyên nhân chính khiến dư luận dậy sóng về việc đóng cửa Zone 9. Tuy nhiên, cho đến lúc này, những người kinh doanh nơi đây cũng như luật sư Nguyễn Thế Truyền, người tư vấn luật pháp cho các nghệ sĩ ở Zone 9 vẫn chưa rõ về vai trò của Công ty Bình An.

“Bởi hợp đồng các hộ kinh doanh ở Zone 9 ký kết thuê mặt bằng 3 năm là với Công ty Bất động sản Thành Đạt. Và Công ty Bình An chúng tôi mới biết đến tên khi báo chí đưa tin hôm qua. Thêm nữa, Zone 9 còn chứa một khoản đầu tư rất lớn. Nếu UBND Thành phố ra quyết định không cho Zone 9 hoạt động kinh doanh thì ai sẽ là người đền bù thiệt hại cho hợp đồng của những nghệ sĩ kinh doanh ở Zone 9? Công ty Bình An hay Công ty Bất động sản Thành Đạt?” - ông Nguyễn Thế Truyền cho hay.

Nhà văn Nguyễn Quý Đức nói tiếp: “Việc đền bù luật sư Nguyễn Thế Truyền đề cập, nó chỉ mang tính vật chất. Còn công sức, nỗ lực, và nhiệt tâm của những người nghệ sĩ khi chung tay xây dựng Zone 9 cả năm trời, ai đền bù? Và điều gì đền bù nổi?”.


Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm