18/07/2024 05:55 GMT+7 | Thể thao
Tính từ ngày đất nước thống nhất, đã hơn 40 năm kể từ lần đầu tiên dự Olympic Moscow 1980, thể thao Việt Nam chỉ có 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Tại Olympic Paris 2024, đoàn thể thao Việt Nam có 16 VĐV tham dự và bản thân mỗi người đều mang một giấc mơ làm nên lịch sử như Hoàng Xuân Vinh năm 2016.
41 năm kể từ lần đầu được tham dự Olympic (từ 1980 đến 2021), đoàn thể thao Việt Nam mới có 4 VĐV đoạt huy chương sau 10 kỳ Thế vận hội. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là người duy nhất sở hữu HCV Olympic Rio 2016. Đó là khoảnh khắc không thể nào quên cho người yêu thể thao Việt Nam. Hoàng Xuân Vinh trở thành "người hùng", tạo động lực cho thế hệ tiếp nối hướng tới chinh phục đỉnh cao lớn nhất cuộc đời VĐV.
Ở Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh xác lập lịch sử cũng phản ánh thành công chung của thể thao Việt Nam. Năm đó, Việt Nam có 23 VĐV đến Brazil, nhiều thứ 2 trong lịch sử các kỳ Olympic (chỉ kém năm 1980, Việt Nam gửi đi 31 VĐV tham gia Olympic Moscow).
Trước thành công của Hoàng Xuân Vinh, thể thao Việt Nam cũng bắt đầu ghi dấu ấn khi đến với đấu trường lớn nhất hành tinh. Đó là thành tích HCB của VĐV Taekwondo tại Sydney 2000. Tiếp đó là lực sĩ Hoàng Anh Tuấn đoạt HCB Olympic Bắc Kinh 2008 và Trần Lê Quốc Toàn có HCĐ Olympic London 2012.
Cử tạ, bắn súng hay các môn võ được đánh giá là những môn thể thao có thể gây bất ngờ cho thể thao Việt Nam khi tới Olympic. Trong đó, cử tạ và bắn súng là hai môn thi góp tới 85% số huy chương trong lịch sử. Tại Paris mùa hè này, các VĐV Việt Nam dự thi những môn thể thao trên cũng có quyền hy vọng tạo ra kỳ tích.
Trong 16 cái tên đến Pháp sắp tới, Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền được đánh giá có thể tỏa sáng ở môn bắn súng. Thành tích của Thu Vinh theo đánh giá của ban huấn luyện là khả quan, có thể lọt Top 8 VĐV vào chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi, 25m súng ngắn thể thao.
Vấn đề với bộ đôi xạ thủ sinh năm 2000 (Thu Vinh) và Mộng Tuyền (sinh năm 2003) là kinh nghiệm chinh chiến quốc tế. Lần đầu dự Olympic có thể khiến hai cô gái trẻ gặp vấn đề tâm lý và đội tuyển bắn súng Việt Nam cần giúp đỡ cho Thu Vinh, Mộng Tuyền cải thiện điều đó. Nếu đạt điểm rơi phong độ và sự hưng phấn ở ngày thi đấu chính thức, cái duyên chinh phục huy chương từ môn bắn súng có thể lại mỉm cười cho thể thao Việt Nam.
Tương tự là môn cử tạ, ban huấn luyện đội tuyển cử tạ Việt Nam đang giấu kín thành tích của Trịnh Văn Vinh. Ở hạng cân 61kg, lực sĩ quê Bắc Ninh sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đánh bại những VĐV hàng đầu của Trung Quốc, Mỹ, Indonesia, Thái Lan... Nhiều người kỳ vọng với ý chí sắt đá của mình, chàng trai 29 tuổi sẽ tiếp bước những Hoàng Anh Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn làm nên lịch sử cho thể thao nước nhà.
Ở các môn võ, Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh (boxing) và Hoàng Thị Tình (Judo) cũng là những VĐV có thể gây bất ngờ. Nếu xếp theo thứ tự kỳ vọng, những VĐV Việt Nam khác nhiều khả năng sẽ vượt qua chính mình ở sân chơi hàng đầu thế giới sắp tới là Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thị Hương (canoeing)...
Trong 6 kỳ Olympic gần nhất, đoàn thể thao Việt Nam có 4 lần đạt được huy chương. Olympic 2008, 2012 và 2016 ghi dấu thành công đều đặn với thể thao Việt Nam khi sở hữu liền 4 tấm huy chương trong tổng số 5 chiếc sau 10 kỳ tham gia Thế vận hội.
Olympic 2020 là năm thể thao Việt Nam trắng tay, dù có 18 VĐV đến Nhật Bản tranh tài. Điều đó không là khó hiểu khi dịch bệnh đã khiến mọi thứ không hề dễ dàng cho VĐV.
Bước lùi đó được hy vọng sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho đoàn thể thao Việt Nam trở lại mạnh mẽ hơn trong năm nay. Tinh thần Hoàng Xuân Vinh sẽ là cảm hứng cho 16 VĐV chinh phục Olympic Paris 2024.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất