Lễ hội đập trống và chuyện tình một đêm của người Ma Coong

16/02/2014 20:00 GMT+7 | Di sản

(giaidauscholar.com) - Tiếng trống cứ thế vang vọng cả núi rừng, đám thanh niên vận hết “công lực” đánh dồn dập vào mặt trống và mong cho mặt trống mau thủng. Cho đến khi mặt trống rung lên bần bật, cả ngàn con mắt đổ dồn vào mặt trống khi tiếng “bụp” -  mặt trống đã thủng. Không khí náo nhiệt bống im lặng. Tôi cũng lặng người theo…

Tiếng trống vang vọng giữa đại ngàn Trường Sơn

Lễ hội Đập Trống của người Ma Coong diễn ra vào ngày 16 tháng giêng hàng năm. Không biết lễ hội có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại song hành với người Ma Coong dung dị, thật thà và chất phác nơi thăm thẳm của núi rừng Trường Sơn cho tới tận bây giờ.

Người Ma Coong (Xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình còn nghèo lắm, cuộc sống phụ thuộc vào tự nhiên thiếu thốn, khổ cực trăm bề. Thế nhưng cái tâm của họ như hũ rượu cần nồng nàn hương vị, hàng năm sau đêm rằm tháng giêng họ vẫn tổ chức một lễ hội tưng bừng mang đậm bản sắc văn hóa của tộc.

Ông Phạm văn Bính, bí thư xã Thượng Trạch cho biết: “Con đường 20 năm nay đã được xây dựng thông suốt nên đã đón số lượng người tới dự đông hơn mọi năm. Tới tham dự lễ hội Đập Trống không chỉ có 18 bản của xã Thượng Trạch mà còn có các anh em bên Lào qua, và các xã lân cận tới tham dự”.

Theo truyền thuyết, lễ hội đập trống được bắt nguồn từ việc xua loài khỉ vàng thường xuyên phá hoại mùa màng của người Ma Coong.

Để đuổi được khỉ ác, đồng bào Ma Coong chung sức làm một chiếc trống lớn rồi khiêng lên rẫy, thay nhau đánh trống suốt ngày đêm. Tiếng trống thình thịch vang xa làm rung chuyển cả núi rừng khiến khỉ vàng vô cùng sợ hãi, cắm đầu cắm cổ chạy mãi, chạy mãi không bao giờ dám quay trở lại quấy phá dân bản nữa.

Nhờ vậy mùa màng năm ấy bội thu, dân bản được no ấm. Từ đó trở đi, cứ đến ngày 16 tháng Giêng, người Ma Coong lại tổ chức Lễ hội để xua đuổi thú dữ, cầu cho mùa màng bội thu, dân chúng được ấm no, hạnh phúc.

Tôi không khỏi thích thú khi lễ thức của lễ hội Đập Trống diễn ra theo quy định rất nghiêm ngặt và chặt chẽ trên khoảng sân rộng nhất của bản Ma Coong 1, dưới tán cây cổ thụ, người của làng dựng một dãy nhà tranh nhỏ làm nơi hành lễ, và treo trống.

Đinh Xòn là người được thừa kế quyền tổ chức đêm hội đập trống. Ông cho biết, theo tục lệ của người Ma Coong lễ vật cúng Giàng được đóng góp từ các gia đình của 18 thôn bản bao gồm: gà thể hiện cho chăn nuôi bội phát; gạo nếp thể hiện sự được mùa; đọt mây, đọt đoác thể hiện sự kính trọng của người dân đối với núi rừng.

Trong ngày lễ hội, 6 mâm lễ vật được chuẩn bị dâng tế là 18 hũ rượu cần, 18 con gà, 24 con cá, đọt mây, thân cây đoác. Đặc biệt cá để cúng giàng phải được lấy từ khúc suối cấm.

Hàng năm khi mùa reo trỉa xong, dân bản ngăn con suối Aky từ bản Rào Bụt đến bản Nồm. Người già nhất, uy tín nhất trong tất cả 18 bản tiến hành lễ tế cáo trời đất rằng dân đã làm xong mùa vụ, thời gian tới sẽ không bắt cá tại suối cấm nữa. Nếu dân bản ai vi phạm thì sẽ bị trời đất và Giàng trừng phạt. Chính vì vậy, những con cá ngon nhất, thanh sạch nhất sẽ được dành dâng lên trời đất linh thiêng.

Tôi tần ngần ngắm nhìn những chiếc trống đặc biệt của người Ma Coong, nhịp tim rung lên rất lạ khi những chàng trai cô gái phang dùi vào, những âm thanh vang vọng cả đại ngàn Trường Sơn. Trống của người Ma Coong khác với trống của người miền xuôi, tang trống được làm từ thân cây Chicup khoét rỗng ruột được sử dụng năm này qua năm khác mà không hư. Đặc biệt hơn, năm nay tang trống được lấy từ da của con Sơn Dương sống trong rừng sâu linh thiêng.

Đám thanh niên khỏe nhất trong thôn, chưa có mối tình nào được chọn đi làm mặt trống. Trống trong lễ hội được căng lên bằng sợi cây mây rừng đan chéo lại với nhau rồi lấy những thanh tre nêm lại cho chặt. Theo các già làng tiếng trống là hiện thân cho tiếng nói của người Ma Coong giữa rừng xanh không chịu sự đánh gục của gió mưa, thú dữ.

Chuẩn bị xong xuôi cũng là lúc mặt trời xế bóng. Già làng Đinh Xon tiến hành lễ cúng Giàng. Đinh Xon hô to: “Giàng ơi! Hôm nay lũ dân làng vào hội đập trống. Mời Giàng về dự cái sung sướng của dân bản. Chứng giám cho dân bản yêu nhau. Cầu cho trăng vẫn mọc, mặt trời vẫn lên, mỗi năm có hội đập trống để đàn bà, đàn ông ôm nhau dưới suối, níu tay say tình ngoài vợ chồng”.

Sau phần lễ, Đinh Xon phát lễ đập trống. Lúc này tất cả thanh niên trai tráng trong làng thay nhau đập trống và hô to: “Roa lữ giàng ơi. Roa lữ giàng ơi”. Tiếng trống dồn dập, tiếng chiêng vang vọng, những bước chân người tham dự cứ thế ngả nghiêng theo điệu nhảy.

Theo quan niệm của người Ma Coong năm nào trống càng được đánh vỡ sớm bao nhiêu thì năm ấy dân làng càng được nhiều tốt lành bấy nhiêu và mặt trống được đập thủng là thể hiện sức mạnh đoàn kết cộng đồng dân tộc, giúp họ gắn bó, chung sức, chung lòng xây dựng, bảo vệ bản làng.

Chuyện tình một đêm

Tiếng trống cứ thế vang vọng cả núi rừng, đám thanh niên vận hết “công lực” đánh dồn dập vào mặt trống và mong cho mặt trống mau thủng. Cho đến khi mặt trống rung lên bần bật, cả ngàn con mắt đổ dồn vào mặt trống khi tiếng “bụp” -  mặt trống đã thủng. Không khí náo nhiệt bống im lặng. Tôi cũng im lặng theo.

Trống vỡ cũng là lúc trăng lên quá đỉnh đầu, lúc này trai gái đi theo tiếng gọi của tình yêu, bẽn lẽn cầm tay níu áo nhau dắt díu tới những nơi tự tình.

Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, ông Nguyễn Diệu là một trong những người cao tuổi trong làng giải thích: “Cô đừng ngạc nhiên, với người Ma Coong đêm nay là “đêm trời cho”, “đêm của giàng” nên trai gái yêu nhau, không kể là người Ma Coong hay người Arem, người trong bản hay ngoài bản, kể cả những thanh niên từ nước bạn Lào đều dắt díu nhau đến những nơi chỉ có hai người. Ở đó, họ sẽ tỏ tình, tâm sự và thổ lộ những điều thầm kín...”


Trong lễ hội tôi được gặp vợ chồng Đinh Vai ở bản Cà Roong và Y My ở bản Nự, họ đã bén duyên và tìm đến nhau cũng chính trong mùa lễ hội Đập Trống. Gương mặt anh Đinh Vai dường như sáng hơn khi nhớ về kỷ niệm ở lễ hội Đập Trống năm nào: “mình nhớ năm đó, mình thích Y My lắm nhưng không biết làm răng, may mà có lễ hội Đập Trống. Khi thấy trống vỡ, mình chạy nhanh đến chỗ Y My nắm tay chạy về suối tâm sự. Sau đêm ấy mình và Y My quyết định lấy nhau”.

Và đêm nay, trăng cũng sáng và tình người vẫn nồng nàn thắm đượm như bao năm trước. Sẽ có biết bao nhiêu chàng trai và cô gái nhờ lễ hội Đập Trống mà bén duyên thành đôi lứa trong những khoảnh khắc yêu thương?

Ngô Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm