Thư châu Âu: Câu chuyện về một con chó sủa ban đêm

08/07/2015 07:14 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Thưa quý anh chị,

Mới rồi, một người đàn ông ở Bolzano, miền Bắc Italy, vừa bị xử một tháng tù và phải nộp một khoản tiền phạt lớn, do không biết vô tình hay cố ý, đã xích con chó của ông ta ở ngoài vườn nhà mình, sau đó bỏ đi làm việc riêng trong hai ngày.

Bị bỏ rơi ngoài đêm lạnh và đói, con chó đã sủa liên tục suốt một đêm, khiến những người hàng xóm của ông phải gọi cảnh sát đến. Nhà chức trách đã tới, giải phóng cho con chó và bắt người đàn ông nọ với lý do, ông không chỉ ngược đãi động vật, khiến cho nó rơi vào tình trạng đói, rét và kiệt sức, mà tiếng sủa suốt đêm đã khiến những người hàng xóm bị làm phiền, mất ngủ và khó chịu.

Những vụ đưa nhau ra tòa chỉ vì những con chó hay con mèo thỉnh thoảng vẫn gặp ở đây. Đơn giản bởi người ta cho rằng, trong thế giới văn minh, một khi ai đó đối xử tàn tệ với một con vật, nhất là khi đấy là những động vật gần gũi với con người, người đó không tôn trọng chính mình và đồng loại. Bảo vệ động vật đã có luật và người ta áp dụng rất nghiêm.

Không phải chuyện lạ, nhưng bao giờ báo chí cũng đăng một cách khá rầm rộ. Thậm chí nhật báo địa phương của vùng Trentino Alto Adige còn đưa ra trang nhất những vụ chó bị bỏ đói, bỏ rét hay bị bỏ rơi... Đối với những người yêu động vật, việc một con chó bị đối xử tồi tệ, dù có thể do vô tình, là một điều không thể tha thứ được.

Anh bạn tôi, Marco, một người hoạt động bảo vệ động vật luôn nhắc đi nhắc lại điều ấy khi thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau. Marco hay trích dẫn câu nói của Mahatma Gandhi, nhà lãnh tụ vĩ đại của Ấn Độ rằng, sự tiến bộ của một quốc gia phụ thuộc vào cách mà người ta đối xử với động vật.

Tôi không thích tranh cãi với Marco về câu nói ấy, khi rất dễ dẫn đến một suy diễn rằng, các nước đối xử tàn tệ với vật nuôi là thiếu văn minh, cũng như không bàn đến cách mà anh và rất nhiều bạn anh đã dành phần lớn thời gian sống của mình để đấu tranh chống lại việc ngược đãi động vật. Nhưng tôi nhìn thấy đối xử của con người ở đây với nhau qua cách đối xử với động vật. Những con chó chạy rông không có chủ đi cùng có thể bị bất cứ ai gọi cảnh sát đến bắt đi vì nỗi lo nó hoặc bị lạc chủ, hoặc có nguy cơ mang bệnh và có thể cắn người khác.

Những con chó chỉ được chủ dắt đi chơi khi đã được huấn luyện không sủa hoặc ngửi người khác. Không bao giờ có chuyện ai đó khoanh tay nhìn những con chó của mình lao vào người khác hoặc cắn chó của người khác, bởi việc đó có thể khiến họ đi tù. Trong một xã hội mà người ta tôn trọng nhau, thì tôn trọng chó hay mèo của người khác cũng là một cách để thể hiện lối sống văn minh. Chúng ta đừng nghĩ rằng họ đang làm những điều vô ích hoặc “nâng cao quan điểm”. Bởi thực sự họ sống như thế, theo cách nghĩ ấy.

Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi có lần tôi thấy cảnh sát chặn con đường vào khu tôi ở, sau đó lính cứu hỏa đưa xe thang đến một cái cây to để họ leo lên đưa một con mèo xuống. Không hiểu tại sao con mèo trèo tót lên cây, rồi không thèm xuống nữa trong nhiều giờ, làm con bé con của một nhà ở đấy khóc hết nước mắt. Con mèo được đưa xuống trong vòng tay của một lính cứu hỏa, và anh này được người dân khu phố vỗ tay như một người anh hùng. Tại sao người ta lại phải làm thế chỉ vì một con mèo? Vì thế giới văn minh không chỉ bảo vệ con mèo ấy, mà trên hết, là để cho đứa trẻ kia cảm thấy hạnh phúc.


Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi người ta thấy cảnh sát ngăn đường chỉ để cho một đàn vịt đi qua, hay có những người mặc cảnh phục nhảy xuống cống chỉ để cứu một con chó, một con mèo, một con chim nào đó. Người ta không làm thế chỉ vì những con vật, mà họ muốn cứu chúng để chúng tiếp tục sống với con người.

Mà những chuyện nhỏ nhặt vì con người, để họ có một cuộc sống tốt hơn, không ít, không chỉ liên quan đến cách mà họ bảo vệ động vật. Mới rồi, chính quyền Thủ đô Rome đã ban bố lệnh cấm hút thuốc trong các công viên và các không gian có cây xanh khác của thành phố.

Quy định này không chỉ nhằm bảo vệ cây xanh có khả năng cháy trong mùa Hè, vốn rất nóng, mà còn để bảo vệ sức khỏe cho những người dân đi dạo hoặc tập thể dục trong các không gian đó, mà nhiều trong số họ là trẻ em và các bà bầu. Đối tượng đặc biệt này cũng đã được ưu tiên dành riêng cho những chỗ đỗ đặc biệt trong các bãi xe của siêu thị hoặc nhà hàng. “Bãi đỗ hồng” (parcheggio rosa) ấy được thiết kế đặc biệt dành riêng cho những phụ nữ có thai, và chỉ họ mới được đỗ ở đây.

Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm