Thư châu Âu: Khi lịch sử chưa thể ngủ yên

17/05/2015 01:13 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Italy kỷ niệm ngày họ thoát khỏi Thế chiến II trước những nước châu Âu khác hai tuần, ngày 25/4. Một lễ kỷ niệm không hoành tráng, ít thu hút sự chú ý của thế giới hơn, nhưng lại ầm ĩ trong lòng nó.

“La Festa Della Liberazione” (Ngày Giải phóng) chỉ ngày lực lượng kháng chiến và quân Đồng minh giải phóng Italy khỏi quân đội phát xít Đức và nhà nước phát xít dưới tay độc tài Mussolini. Những cuộc tranh cãi liên quan đến việc ai đứng về phía “phe chính nghĩa” trong hai năm cuối cùng mà Italy dính líu vào Thế chiến II (1943-1945), giữa những người theo chế độ phát xít và chống phát xít, giữa những người đã chung tay để tạo ra nước Cộng hòa Salo mà Mussolini dựng lên với những người du kích chiến đấu bên quân Đồng minh cứ diễn ra mãi, có lẽ là bất tận. Bất tận vì lịch sử của Italy trong thời gian ấy có quá nhiều khúc quanh, quá nhiều mâu thuẫn giữa các giới, các tôn giáo và ý thức hệ chính trị.

Có cảm giác rằng, người Italy không muốn đóng lại cuộc khẩu chiến. Quá trình hòa giải một dân tộc đã bị những câu chuyện của quá khứ làm cho mệt mỏi và xói mòn lòng tin có lẽ phải rất lâu mới thực hiện được. Bởi đơn giản, không ít lực lượng chính trị đã coi Ngày Giải phóng là một sự kiện của cánh tả (và những người cộng sản), coi đó là chiến công của họ, thuộc về cha ông của những người hiện đang chiếm đa số trong Quốc hội và Chính phủ.

Trong khi đó, sự ngóc đầu dậy của chủ nghĩa phát xít mới cùng với việc các lực lượng cực hữu lợi dụng sự lo sợ của mọi người trước những đe dọa và thách thức của thời đại, từ khủng bố, người nhập cư cho đến suy thoái kinh tế để xóa bỏ ý nghĩa của ngày này.

Ngày 25/4/1945, những người kháng chiến Italy giải phóng Milan và nhiều thành phố khác, kết thúc Thế chiến II tại Italy. Nguồn: www.squer.it

Trong khi những nhà lãnh đạo chính phủ và nhà nước thuộc cánh tả năm nào cũng đến thăm khu tưởng niệm người Italy bị giết hại trong Thế chiến II, thì những người theo phe đối lập hoặc tuyên bố không quan tâm, hoặc không tham gia tưởng niệm những người đã ngã xuống trong những năm tháng chiến tranh ấy. Họ là ai? Rất nhiều, một triệu người. Những người lính trong quân đội phát xít Italy, những người dân thường bị bắt và bị giết trong các trại tập trung (nhiều trong đó là người Italy gốc Do Thái) và những người đã hy sinh trong cuộc chiến để tiêu diệt chủ nghĩa phát xít trên đất Italy, những người công nhân, nông dân, trí thức kháng chiến.

Tôi đã đến Marzabotto, một làng ở ngoại ô Bologna, nơi người ta lập đài tưởng niệm hàng trăm người dân đã bị quân Đức sát hại trong một cuộc trả thù, sau khi du kích quân tiêu diệt một đơn vị quân Đức ở gần đó. Năm nào cũng thế, cứ đến ngày 25/4, trong khi những bó hoa được đặt trên đài tưởng niệm này và rất nhiều đài tưởng niệm khác rải rác khắp Italy thì một vài thế lực chính trị lại đòi xem xét lại những vấn đề liên quan đến vai trò của Italy trong Thế chiến II, đòi xới lại những tranh cãi liên quan đến vai trò của Mussolini với Italy, cũng như những tổn thất mà Italy phải hứng chịu trong hai cuộc chiến tranh khác nhau trong Thế chiến II (con gái của Mussolini cách đây mấy năm là một nghị sĩ khá có ảnh hưởng).

Mãi đến năm 2009, Thủ tướng lúc ấy là Berlusconi, lần đầu tiên sau 15 năm trên chính trường, mới dự một lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng. Là người đã vực dậy đảng Phát xít mới (MSI) vào năm 1993 và luôn chống cánh tả, cho đến trước sự kiện ấy, Berlusconi chưa bao giờ thừa nhận vai trò mang quyết định của những người cánh tả và cộng sản trong cuộc kháng chiến chống phát xít ở Italy.

Năm nay, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng, lần đầu tiên được sự kiện trọng đại được truyền trực tiếp trên ti-vi vào giờ vàng buổi tối, trên các kênh phổ cập có đông khán giả nhất ở Italy. Đã có một vài điều thay đổi, nhưng những vết thương vẫn còn rỉ máu. Những dấu hiệu hàn gắn đã có, nhưng vẫn còn chậm. Điều quan trọng là người Italy sẵn sàng đưa ra quan điểm và chấp nhận những phản biện liên quan đến lịch sử của chính mình, dù đau thương đến đâu.

Lịch sử chưa bao giờ có thể ngủ yên. Những sự kiện đã ngưng lại mãi mãi trong những năm tháng mà lịch sử biến động trên thực tế vẫn luôn vận động không ngừng và luôn được nhìn dưới những lăng kính khác nhau. Bởi luôn có những người dũng cảm nhìn nhận chúng và bảo vệ các giá trị mà vì nó bao xương máu đã đổ xuống. Và bởi cả những người dám phản biện và nhìn nhận những giá trị ấy theo một cách khác. Đấy là một cuộc chiến giữa những thái độ và góc nhìn.

Và sau mỗi năm, một cuộc nội chiến mới lại bùng nổ. Mỗi khi đến gần ngày 25/4...

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm