22/09/2015 06:23 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Thưa quý anh chị,
Điều đầu tiên mà bố mẹ hỏi khi chiếc xe đưa tôi về nhà từ sân bay Nội Bài, là sau mấy năm kể từ ngày tôi rời Hà Nội đến Rome, thành phố đã có điều gì thay đổi.
Không khó để nhận ra những điều ấy là gì: những con đường mới mở, những cây cầu mới thông xe, những con phố mới tinh ở những khu phố mà mỗi lần trở về sau vài năm xa cách lại đông dân hơn và mang một khuôn mặt mới, với những biển hiệu nhô ra thụt vào, những dây điện dài lòng thòng hơn trên các cột, những ngã tư đèn đỏ thỉnh thoảng có thanh niên ngáo ngơ (không đội mũ bảo hiểm) nào đó bình thản phóng xe qua.
Nhưng có một điều không thay đổi, bây giờ và có lẽ nhiều năm sau nữa cũng vẫn thế: những quán bia vỉa hè vẫn đông nghịt người, nhất là sau 4 giờ chiều, và hình như tăng trưởng tỷ lệ thuận với những con đường mới mở; những nhà bia cũng to hơn, đèn sáng nhấp nháy và trông hấp dẫn hơn.
Hóa ra, cuộc sống càng vận động, đời sống vật chất được cho là đã tăng lên đáng kể, thì cuộc sống về tinh thần của người đô thị hình như chỉ thêm thụt lùi. Cái sự vui vẻ tối ngày trong những quán bia mọc lên ngày càng nhiều và có vẻ càng to ra chính là thể hiện của điều này.
Khi chúng ta nghĩ, cần phải xả stress một chút, cần phải hàn huyên hoặc chém gió với bạn bè sau những giờ làm việc, giờ đá bóng, hoặc đơn giản là không muốn về nhà sau giờ hành chính - và phó mặc chuyện cơm nước con cái cho các bà vợ, còn ta là người làm việc lớn và cần giải trí, từ vài lần trong tuần trở lên, đấy là lúc ta đang tự bê tha hóa chính mình, và dần dần khiến cơ thể ta suy kiệt vì chất men.
Thật ra, những câu viết này có thể khiến không ít người, trong đó có các bạn tôi tự ái. Họ chính là những người đã nhiệt tình mời tôi đi uống bia trong những ngày ngắn ngủi tôi về Hà Nội. Những email, message trên Facebook, tin nhắn điện thoại… để dẫn đến cái đích cuối cùng là những quán bia.
Tôi không thể nhận lời của tất cả mà chỉ có thể tham gia một chút với những người bạn thân thiết nhất, một phần cũng vì nhận ra rằng, từ lâu các quán bia đã trở thành một địa điểm lý tưởng cho những cuộc gặp gỡ bạn bè, thành một “trung tâm văn hóa” kiểu mới thay thế cho những điểm hẹn và hình thức gặp mặt truyền thống trước kia.
Cốc bia đã thay cho những chén nước chè. Quán bia thay vì những cuộc trò chuyện trong không khí gia đình. Sự khề khà và những tiếng “1... 2... 3 dô” thay cho những cuộc chào đón rất nhẹ nhàng và giản dị. Bia và các quán bia dường như là một lựa chọn không thể khác được cho những cuộc vui.
Tôi không làm sao quen được cách suy nghĩ này, dù cũng có lúc đã chấp nhận sống theo “phong trào chung” hồi còn ở nhà. Đến khi đã sống và làm việc nhiều năm ở châu Âu, cũng tham dự nhiều cuộc vui thâu đêm với bạn bè ở đó, mới nhận ra được sự khác biệt rõ ràng trong cách sống và cách nghĩ của hai thế giới.
Đấy không phải là những cuộc nốc rượu hay bia vào giờ ăn trưa hay ăn tối triền miên hết ngày này qua tháng khác, kể cả những cuộc uống trong các khu fanzone tập trung cổ động viên ở những giải bóng đá lớn.
Những cuộc sinh nhật của con cái cũng không phải là một cái cớ cho các ông bố tụ tập tá lả, chém gió và chuốc rượu. Những chuyến đi chơi của các gia đình với nhau về một vùng nông thôn nào đó cũng không phải là một dịp lý tưởng cho việc các vị đàn ông mang đến những đồ nhậu và đồ uống để rốt cục biến chuyến đi ấy thành dịp nhậu nhẹt của họ.
Bia và nước ngọt được uống trong những bữa tiệc BBQ ngoài trời, nhưng cũng rất có giới hạn. Những cuộc sinh nhật được biến thành các cuộc vui lớn cho lũ trẻ, với chính chúng trở thành trung tâm của bữa tiệc, và người lớn trên thực tế chỉ đóng một vai trò rất phụ: đưa trẻ con đến, nói chuyện với các phụ huynh khác hoặc ăn một chút đồ ăn trong khi chờ bọn trẻ chơi và rồi vỗ tay, chụp ảnh vào lúc thổi nến, bóc quà. Không thấy ai uống bia. Trong danh sách đồ uống ở những cuộc sinh nhật như thế, chẳng mấy khi tôi thấy đồ có cồn.
Ngồi trên máy bay trở về Rome, có lúc, một ý nghĩ thoáng qua, là không biết bạn bè có giận mình không, khi mình cứ khước từ mãi những cuộc nhậu chào mừng mình ở Hà Nội. Nhưng tôi không thể làm khác được.
Thực ra, tôi chưa bao giờ hào hứng với những cuộc “dô dô” ấy, và nhìn cái cách mà người châu Âu sống chậm và hưởng thụ cuộc sống của mình cùng với các bạn bè, người thân như thế nào, mà không cần đến đồ uống có cồn, mới thấy cái cách không ít người chúng ta đang xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội quanh bàn nhậu thực ra buồn tẻ và hại sức khỏe đến mức nào.
Mến nhau chỉ cần mời nhau cốc trà, cốc cà phê. Quan trọng là mến nhau một cách chân thành. Mà rượu và bia thì không thể được coi là xúc tác cho sự chân thành ấy.
Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất