Thư châu Âu: Điếu thuốc & sự tôn trọng

02/11/2014 07:30 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Thưa quý anh chị,       

Tôi có lúc áy náy mãi về việc đã góp ý với một người đàn ông hút thuốc trong một nhà hàng ở trung tâm Rome. Ông là một người Việt, trông có vẻ trí thức. Nhưng thực ra, nhận ra một người Việt ở trời Tây này không khó, một khi những người như ông luôn nói rất to, cười hô hố giữa chốn đông người, và bất chấp trên tường gắn một biểu tượng cấm hút thuốc to đùng và đầy đe dọa, vẫn châm một điếu thuốc và phì phèo hút.

Tôi chỉ nhẹ nhàng nhắc ông ta đừng hút nữa, nếu không muốn bị phạt, vì luật của Ý cấm hút thuốc lá trong các không gian khép kín, như nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, thậm chí còn hạn chế hút ở một số nơi công cộng có trẻ em, người già, phụ nữ có thai hay đi dạo. Người đàn ông trừng mắt nhìn lại tôi, lầm bầm mấy câu gì đó, vứt điếu thuốc xuống chân, di đi di lại, rồi ném mấy đồng euro xuống bàn và bỏ đi.

Tôi cứ suy nghĩ mãi về điều đó, liệu tôi có làm gì sai với ông, khi tránh cho ông bị phạt và tránh cả việc người bản địa sẽ nghĩ không tốt về văn minh hành xử của người Việt, dù chỉ là một người?

Câu chuyện về người Việt hành xử ở nước ngoài và bị kỳ thị có lẽ là một câu chuyện dài không dứt, và những ai biết suy nghĩ, biết cư xử đều có thể gặp chuyện tương tự từ đồng bào mình ở những vùng đất xa lạ. Họ nói cười hô hố, không chào hỏi hay rất ít khi cảm ơn, không nhường cửa hay thang máy, chen ngang, hút thuốc và vứt tàn bừa bãi. Họ hành xử như thể đang ở trong nhà mình.

Lại nhớ có lần ngồi ăn trong một quán cơm ở Phan Chu Trinh, Hà Nội. Cậu thanh niên ngồi cạnh gia đình tôi đã điềm nhiên rút ra một điếu thuốc và hút, phả khói vào mặt con gái tôi, lúc đó mới chừng 3 tuổi. Một lời góp ý được đáp lại bằng một cái trừng mắt đầy thách thức, và lời góp ý tiếp theo với nhân viên của quán được trả lời bằng một giọng ráo hoảnh: “Quán em không cấm hút thuốc anh ạ”! Đấy là một trong những câu trả lời tệ nhất mà tôi từng nghe. Nó phản ánh một sự thực khác: dịch vụ được tạo ra không khuyến khích người ta đối xử với nhau văn minh, mà chỉ tiện cho các thói quen thiếu tôn trọng nhau.

Hành xử với nhau không chỉ đòi hỏi văn hóa, vốn sống, mà còn cả ý thức quan tâm đến người khác. Đèn đỏ cần được chờ chứ không phải cố vượt. Một hành động tốt cần phải có lời cảm ơn chứ không phải là im lặng vì nghĩ rằng nói cảm ơn là giả tạo và khách sáo. Một đứa bé cần phải được cha mẹ chúng dạy về sự tôn trọng người khác ở nơi công cộng thay vì để chúng làm ồn. Chính vì sự thiếu ý thức ấy trong cư xử giữa người với người, nên họ cảm thấy sốc khi bị người khác nhắc nhở. Vì họ quen rằng, hành xử như thế là bình thường.

Viết xong bài này, tôi không còn cảm thấy áy náy nữa. Lần sau, nếu gặp trường hợp tương tự với một người Việt, tôi vẫn sẽ nhắc nhở người ấy, và sau đó, mong người đó bị phạt.

Hẹn quý anh chị ở thư sau.

Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm