07/10/2015 06:10 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Thưa quý anh chị,
Đấy là một cái chết đã gây chấn động dư luận Italy trong những ngày giữa tháng 9, dù ban đầu, tin đưa ra trên một tờ báo có uy tín phát hành trên toàn quốc cũng chẳng để lại một ấn tượng nào. Cho đến khi một nhà báo lão thành vào cuộc, viết một câu chuyện về cuộc đời của người quá cố, cũng như cái cách mà bà - một nhà giáo có tên Maria Carmela Privitera - đã biến mất khỏi “radar” đời như thế nào….
Bà giáo ấy đã mất cách đây 2 năm, trong căn hộ của mình ở một khu chung cư ngoại ô Rome, cách nơi tôi đang ở chỉ vài cây số theo đường chim bay, nhưng không một ai, kể cả các hàng xóm của bà biết. Sự tồn tại của bà cũng không mấy ai hay trong căn hộ 40m2, như một ốc đảo mà một người xa lánh xã hội và đôi khi có cách cư xử kỳ cục đã trốn vào đó trong những năm tháng cuối đời mình.
Nguyên hiệu trưởng của một trường cấp 3 mà bà giáo này đã dạy ở Rome nói trên báo: “Đấy là một người phụ nữ sợ hãi tất cả”. Một người hàng xóm ở tầng dưới nhà bà kể lại: “Có lần tôi thấy bà ấy chống nạng đi lên cầu thang, đang lẩm bẩm một mình, không chào hỏi ai cả và thỉnh thoảng vứt đồ qua cửa sổ”. Những người hàng xóm khác, ít ra cũng gặp bà một vài lần trong những năm qua, mô tả cô giáo dạy môn nghệ thuật này là một kẻ “xa lạ”, “điên”, “lập dị”.
Cho tới khi chủ nhà mà bà giáo đã thuê trong 8 năm qua sực nhớ ra là đã lâu người ở chưa trả tiền nhà. Ông, một sĩ quan cảnh sát, có lẽ có quá nhiều việc phải làm hoặc quá nhiều căn hộ cho thuê, chỉ cảm thấy lạ lùng là bà không trả lời điện thoại, không trả lời thư mà ông gửi tới để yêu cầu trả tiền đúng hạn.
Thế rồi, với trát của tòa án, ông và những người thi hành công vụ phá cửa vào nhà, chỉ để thấy bà giáo già nằm trên giường, giống như một xác ướp đang ngủ, đồ đạc vương vãi trên sàn nhà, tờ lịch trên tường chỉ năm 2013. Có lẽ, trước khi chết, bà Maria đã muốn gọi một ai đó, đã muốn thông báo cho những người hàng xóm về việc bà cảm thấy đột nhiên không khỏe. Nhưng bà không thể nào làm được điều đó, và rồi nằm xuống giường, lắng nghe từng tiếng động vang lên trong khu nhà, trước khi không tỉnh lại nữa...
Ở Italy với tỷ lệ người trên 65 tuổi ngày càng nhiều này (13 triệu người, chiếm 22% dân số), có bao nhiêu người sống độc thân như bà giáo Maria và cũng sẽ chết trong cô độc như vậy, một cái chết rất bình thường chẳng ai biết đến? Thống kê cho thấy có 62% cụ bà và 29% cụ ông trên 65 tuổi sống một mình, không con cái, họ hàng. Họ sống chết ra sao phụ thuộc hoàn toàn vào phúc lợi xã hội và sự quan tâm của hàng xóm.
Người phóng viên viết về cái chết của bà đã cố gắng liên lạc tới những người hàng xóm của bà, tới trường của bà, tới cả nơi bà đã sinh ra và sống một phần đời của mình. Hầu hết đều trả lời không biết đến bà giáo Maria Carmela Privitera. Địa chỉ cuối cùng mà ông tìm đến là một cha xứ trẻ, người cách đây chưa lâu đã được bà xưng tội.
Nhưng cha Corona, tên ông, cũng từ chối trả lời phỏng vấn và khẳng định rằng ngài chỉ trả lời những câu hỏi của giáo phận. Tất cả đều tìm cách nói lên một điều gì đó chống lại Maria và ra vẻ vô can trong cái chết của một người phụ nữ không chồng, không con, không ai biết các cháu của bà đang sống ở đâu và còn nhớ đến sự tồn tại của bà không. Maria Carmela có lẽ đã tin tưởng vào tất cả hoặc không ai cả, nhưng có lẽ bà tin Chúa. Có điều, hình như ngài cũng bỏ rơi bà rồi.
Tôi chợt nhớ đến Stanno Tutti Bene (Tất cả đều ổn), một bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Italy. Matteo (huyền thoại Marcello Mastroianni đóng), một người mê opera ở đảo Sicily, một hôm quyết định đến thăm 5 người con của mình, sống ở 5 thành phố khác nhau trải dài từ Bắc xuống Nam Italy, mà không cho họ biết, với hy vọng sẽ làm cho họ bất ngờ. Ông luôn nghĩ rằng, các con ông đang rất ổn. Trên thực tế, không một ai ổn.
Tất cả có những vấn đề nghiêm trọng và thất bại trong cuộc đời, nhưng họ giấu ông, thậm chí, một người không thể gặp được ông ở nhà của anh. Anh đã chết mà không ai hay. Matteo trở về Sicily, đứng trước mộ vợ, và nói rằng các con của bà vẫn ổn. Gần 20 năm sau, Hollywood làm lại phim này, với Robert De Niro trong vai ông già. Phim trầm hơn, buồn và đau đớn hơn. Vẫn là chuyện con cái sống xa người cha cô độc và giấu giếm những thất bại của đời mình.
Câu chuyện của Matteo và Frank (phiên bản Mỹ) rất khác câu chuyện của cô Maria, vì họ vẫn còn con cái. Nhưng “lũ trẻ”, như cách nói của hai ông, cũng như các ông, mỗi người đều chìm trong một nỗi cô độc lớn lao và những cuộc bươn chải với đời, dù họ vẫn luôn tồn tại.
Và có lẽ chỉ có cái chết của ai đó mới khiến họ bừng tỉnh về sự tồn tại của mình. Hai ngày sau khi bài viết gây chấn động về cái chết trong cô độc của bà giáo Maria được đăng lên, người ta đăng tiếp thư của một học trò bà từng dạy. Người học trò, nay là một nhà văn nổi tiếng, đã kể những kỷ niệm liên quan đến cô giáo của mình, một người mà ông cho là khá kỳ cục. Nhưng rồi, lá thư kết thúc theo một cách không ngờ: “Em xin lỗi cô, vì đã quên cô”.
Hẹn quý anh chị trong các thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất