Thư châu Âu: Theo dấu chân 'Bố già'

10/08/2015 05:02 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Thưa quý anh chị, khi viết những dòng này, tôi đang ngồi nhấm nháp một cốc granita hoa quả (món đá bào truyền thống nổi tiếng ở Sicily) dưới những dây leo của quán Vitelli, lắng nghe trên loa phát nhè nhẹ những giai điệu của bộ phim Bố già bất hủ. 

Quán bar ấy hầu như không thay đổi nhiều so với thời điểm cách đây 44 năm, khi đạo diễn Francis Ford Coppola quyết định chọn nơi này để quay một trong những trường đoạn để đời của phần II bộ phim ấy: Michael Corleone cùng tay chân của mình đến gặp ông chủ quán để xin cưới Apollonia, con gái ông, người mà Michael đã gặp và yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên khi thấy cô đang đi trên đường làng.

Tấm biển có chữ “Itala Pilsen” treo trên cửa có tấm rèm vẫn như thế, một cái ghế được đặt đúng chỗ Michael đã ngồi để hỏi cưới Apollonia, chẳng khác xưa. Quán nhìn ra một không gian rộng, đập ngay vào mắt là tháp chuông cao vút của nhà thờ San Nicolo, cũng xuất hiện trong một cảnh để đời của phim: đám cưới của Michael và Apollonia.

Savoca, một làng nhỏ trên lưng chừng núi ở cách Taormina, Sicily, chừng 20 cây số, đã trở thành một cái tên bất hủ được ghi dấu trên bản đồ hành hương của những con chiên nghệ thuật thứ 7 chỉ với những cảnh quay ở quán Vitelli và nhà thờ San Nicolo như thế, trong vài phút hình của Bố già.

Mỗi năm, rất nhiều khách du lịch đến đây từ mọi nơi trên thế giới, chiêm ngưỡng những nơi đã đi vào một bộ phim huyền thoại, và biến một nơi ít ai biết đến này thành thỏi nam châm hút khách.

Người Sicily nghĩ gì khi những câu chuyện từ cuộc đời của Vito Corleone, lấy theo nguyên mẫu bố già Carlo Gambino, trở thành huyền thoại, và sự lãng mạn hóa về mafia thông qua hình tượng “Bố già” liệu có thể che lấp đi những khía cạnh tàn khốc và đẫm máu của mafia? Saverio, một người Savoca bảo: “Mafia là một phần của cuộc sống Sicily. Mafia tồn tại từ hơn một thế kỷ nay và chúng có thật.

Phim ảnh vẫn chỉ là phim ảnh, và cuộc sống bên ngoài khác hẳn với những gì được mô tả trong phim. Nhưng chúng tôi cảm ơn phim, vì nhờ có Bố già, thế giới biết đến Savoca”.

Đấy là một khía cạnh khác của cuộc sống Sicily: một nhân vật hư cấu đã đem rất nhiều khách du lịch đến một hòn đảo từng trở nên nổi tiếng khắp thế giới, theo một nghĩa tiêu cực, chính vì hiện thực tàn bạo mà nhân vật ấy đã đại diện.

Ở Savoca người ta tránh nói đến mafia hiện thực, chỉ nhắc tới mafia của Mario Puzo và Francis Ford Coppola, nhưng ở những nơi cách đấy vài chục km như Messina, Catania và ở Corleone hay Palermo xa hơn nữa, mafia là một thực tế không thể tránh né của cuộc sống.

Những tờ thông báo được gắn trên tường ở nhiều nơi trong các thành phố ấy - nhưng rất xa các điểm du lịch chính - nhắc đến một ngày kỷ niệm mà năm nào cũng diễn ra vào cuối tháng 7 ở nhiều nơi trên đất Sicily: lễ tưởng niệm ngày công tố viên Paolo Borsellino bị ám sát ở Palermo.

Một chiếc ô-tô chứa đầy bom đã nổ tung khi ông vừa đến thăm mẹ vào một ngày tháng 7/1992, giết chết ông và toàn bộ đội bảo vệ. Hai tháng trước đó, một quả bom khác đã giết chết đồng đội, đồng chí của ông, công tố viên Giovanni Falcone.

Hơn 20 năm đã qua kể từ ngày đó, mafia không còn hoành hành công khai và dữ dội, với những cuộc ám sát và hành quyết tàn bạo trên đường phố như trước nữa, Palermo đã bình yên trở lại và khách du lịch ngày càng đổ đến Sicily nhiều hơn - dấu hiệu của sự an toàn.

Nhưng các bố già vẫn lẩn trốn và từ trong tù đưa ra lời đe dọa giết chết những ai chống lại mafia. Chúng và ba hệ thống mafia khác trên đất Italy vẫn thu hơn 100 tỷ euro mỗi năm từ các hoạt động phi pháp. Cuộc sống này không có sự tuyệt đối, chỉ có sự thỏa hiệp. Sicily dạy ta điều ấy. Công lý luôn ở nơi có ánh sáng và Michael Corleone đã trả giá rất đắt, nhưng mafia vẫn tồn tại dai dẳng, như một mặt đối lập của cuộc sống nơi này.

Có một lần ở Palermo, một người chủ quán bar khi được tôi hỏi về mafia đã nói: “Người Sicily chấp nhận sống với mafia. Đấy là một thực tế của cuộc sống mà chúng tôi không thể lựa chọn. Vì thế, khi các anh hỏi về mafia, câu trả lời của người Sicily thường là một nụ cười, một cái nhún vai, một cái lắc đầu.

Họ không muốn các anh nghĩ đến chúng. Hãy cứ đến đây, ăn uống, ngủ nghỉ. Và thế là đủ”. Phải rồi, như nữ văn sĩ Dacia Maraini đã từng viết, địa ngục ở Palermo là khi không có bánh ngọt để ăn (các loại bánh ngọt của Sicily rất nổi tiếng).

Và như thế, hãy cứ tin Sicily đẹp mềm mại và trong sáng như Apollonia, còn các bố già luôn có một gương mặt và số phận bi tráng như Michael Corleone trong phim ảnh. Những gì thực tế là việc riêng của Sicily và Italy.

Hẹn gặp lại anh chị trong các thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm