Thử đếm số... ký tự mà ông Trump trả lời trong các cuộc họp báo!

20/02/2017 10:03 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) - Mỗi người một vẻ, Tổng thống Donald Trump và cựu tổng thống Barack Obama thể hiện lối phát biểu vô cùng khác biệt trước báo giới.

Bước sang 2017, dưới chính quyền mới của Tổng thống Trump, trong những buổi họp báo tại Nhà Trắng, sự ngắn gọn súc tích được đề cao hơn cả. Đối với các câu hỏi từ giới phóng viên, Tổng thống Trump sẵn lòng trả lời dài hơn 140 ký tự dòng trạng thái mà ông thường chia sẻ trên Twitter. Tuy nhiên những lần đó không phải là quá thường xuyên.

Trong những buổi họp báo chung với lãnh đạo các nước, thay vì “dông dài” các câu trả lời chờ hết thời gian, thì ông Trump lại thích sử dụng câu từ tuyên bố đơn giản và thêm một số lời nói không nhất quán. Bị bắt buộc phải lôi những luận điểm gợi mở mà không có sẵn trong tài liệu được trợ lý chuẩn bị, các luận điểm của ông dường như chẳng có liên quan đến chủ đề đang nói.

Cuộc họp báo với Thủ tướng Israel hôm 15/2 là một ví dụ điển hình.

Xuất hiện cùng Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại Phòng phía Đông, khi được hỏi về việc liệu Mỹ có từ bỏ giải pháp hai nhà nước để thiết lập lại hòa bình Trung Đông, Tổng thống Trump đã chỉ dùng 74 từ để thể hiện một sự thay đổi lớn trong chính sách, thông báo “ông không thấy vấn đề gì với việc 2 nhà nước, 1 nhà nước hay bất kỳ nhà nước nào mà cả hai bên đều thấy thích”.

Tương tự, đối mặt với câu hỏi về đề xuất của ông chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv sang Jerusalem – một động thái có thể leo thang căng thẳng với người Palestine, thậm chí ông Trump còn đưa ra câu trả lời ngắn hơn, chỉ với 38 chữ: “Tôi rất mong muốn điều đó xảy ra. Chính quyền của tôi sẽ xem xét vấn đề này một cách rất rất cẩn thận, hãy tin tôi”.

Chỉ có vậy, ông không giải thích tại sao, những yếu tố mà ông đang xem xét hay khi nào việc đó sẽ được thực hiện.

Có lẽ câu trả lời dài nhất mà ông Trump tuyên bố trong cuộc họp báo đó là khi được một phóng viên Israel hỏi trong bối cảnh cộng đồng người Do Thái cho rằng quan điểm chính trị của ông truyền bá sự phân biệt chủng tộc, bài ngoại và phản đối người Do Thái tại Mỹ.

Tổng thống Trump đã dành khoảng thời gian dài hơn cho câu hỏi trên, 230 từ. Nhưng trong đó đã có đến 56 từ nói về "chiến thắng lịch sử của ông trước đối thủ Hillary Clinton”. Sau đó, ông lại tiếp tục với những “lời hứa khẩu hiệu”: “Chúng ta sẽ có hòa bình. Chúng ta sẽ ngăn chặn tội phạm”, trước khi ông chia sẻ có “rất nhiều bạn” là người Do Thái.

Kết thúc câu trả lời, Tổng thống Trump đưa ra dự đoán “sẽ có nhiều việc tốt xảy đến”: “Các bạn sẽ cảm nhận được tình yêu thương. Được chứ? Cảm ơn”. Thậm chí ông còn không để tâm đến việc phủ nhận lời cáo buộc trước đó mà phóng viên đã đề cập trong câu hỏi.

Tổng kết, ông Trump nói chưa đầy 1.000 từ để trả lời các nhà báo.

Dường như việc kiệm lời trong phát biểu cũng nhất quán với phong cách điều hành đất nước của Tổng thống Trump. Ông được cho là không đọc sách và muốn các trợ lý nộp báo cáo chính sách dưới dạng tài liệu in một mặt với các chi tiết gạch đầu dòng.

Ngược lại, cựu Tổng thống Obama, trong năm cuối nhiệm kỳ, đã phải dành hàng giờ đồng hồ thảo luận chính sách với các nhà sử học, thực hiện các buổi phỏng vấn dài cho các tạp chí, thậm chí tự tay viết bản nghiên cứu 5.000 từ giới thiệu Đạo luật cải cách y tế.

Trong suốt 8 năm, mỗi một cuộc họp báo là cơ hội để ông Obama trở thành một nhà diễn thuyết, bàn luận về các vấn đề trong và ngoài nước với đủ mọi sắc thái, độ sâu sắc và trên hết là rất nhiều từ ngữ. Trong cuộc họp báo chung giữa cựu Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu tại Jerusalem năm 2013, vị tổng thống da màu đã dành hơn 2.350 từ chỉ để trả lời vỏn vẹn 4 phóng viên.

So sánh với người tiền nhiệm từng là một cựu giáo sư dạy luật, phong cách kiệm lời ít chữ của Tổng thống Trump khiến mọi người cảm thấy ông có vẻ “chưa chuẩn bị kỹ” hay thái độ “không mấy quan tâm” trong mỗi lần xuất hiện bên lãnh đạo các nước.

Hành động mới nhất của Tổng thống Trump được dư luận đem ra mổ xẻ khi ông có buổi họp báo với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cách đây hai tuần.

Phản ứng khi nhận thông tin vụ Triều Tiên phóng thử tên lửa, ông Trump đã bước lùi khỏi bục phát biểu, ra phía sau ông Abe. Thay vì nói câu tuyên bố được trợ lý chuẩn bị sẵn bằng văn bản, ông khẳng định: “Tôi chỉ muốn mọi người đều hiều và biết rằng Mỹ luôn đứng phía sau Nhật Bản, một đồng minh lớn, 100%”. Tuy nhiên, ông hoàn toàn bỏ quên một đồng minh thân cận khác cũng không kém phần quan trọng trong vấn đề này, đó là Hàn Quốc.

Khác biệt là vậy nhưng một điểm chung của cả hai Tổng thống là sử dụng lối nói đặc trưng của mình để khiến cánh phóng viên “bối rối”.

Câu trả lời của cựu Tổng thống Obama khiến phóng viên “chết chìm” trong đại dương câu từ, yêu cầu một sự tập trung lắng nghe cao độ đến mức mà quên mất câu hỏi là gì. Trong khi đó, việc đổi chủ đề một cách chóng mặt của ông Trump cũng khiến phóng viên khó khăn trong việc bắt ép ông đưa ra một quyết định cụ thể. Cả ông Trump lẫn phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer thường xuyên chuyển sang người hỏi khác một cách nhanh chóng để phóng viên đang hỏi không kịp hỏi câu kế tiếp.

Hồng Hạnh (theo baotintuc.vn/Washinton Post)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm