Bài toán siêu khó của học sinh lớp 3: Tại sao lại im lặng trước lời khen?

22/05/2015 06:18 GMT+7

1. Một bài toán dành cho học sinh lớp 3 của một trường tiểu học ở Lâm Đồng vừa gây xôn xao báo chí quốc tế. Nó khiến các độc giả nước ngoài vô cùng ngạc nhiên vì độ phức tạp.

Một độc giả của tờ báo nổi tiếng nước Anh bình luận: “Tôi tự hỏi làm sao những đứa trẻ 8 tuổi có thể giải được bài toán này trừ khi chúng có một chiếc máy tính lượng tử trong đầu”. Và từ một đề toán, không ít độc giả “mắt tròn mắt dẹt” khâm phục trình độ giáo dục Việt Nam.

Vài ngày trước, tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cũng công bố báo cáo về kĩ năng cơ bản phổ quát của học sinh thuộc 76 nước trên thế giới. Việt Nam đứng hạng 12, trên cả các nước tiên tiến như Mỹ, Úc và nhiều quốc gia châu Âu.

Báo chí nước ngoài cũng choáng với độ khó trong bài toán lớp 3 của học sinh Việt Nam

Và cũng chỉ vài ngày trước, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 59 trong tổng số 124 quốc gia về chỉ số “Vốn con người 2015”, cao hơn Ấn Độ, Brazil, Indonesia… Vốn con người là chỉ số đánh giá mức độ giáo dục, kỹ năng của người lao động ở năm nhóm tuổi từ 15 đến trên 65. Tức là đo lường khả năng nuôi dưỡng tài năng thông qua giáo dục, phát triển kỹ năng ở tất cả mọi giai đoạn trong cuộc đời của con người.

Nhưng cũng như các vị trí cao chót vót trong hàng loạt bảng xếp hạng trước kia, chúng ta chẳng ai lấy làm vui. Cũng như chẳng thấy nhà quản lí giáo dục đăng đàn để tự hào. Ngược lại, rất nhiều người lên tiếng vì ngạc nhiên, vì… khó tin. Có lẽ sự nghi ngờ xuất phát từ thực tế.

2. Thành tích trong giáo dục ở Việt Nam vốn bội thực lắm rồi. Câu chuyện có lẽ nhiều người còn nhớ lâu, năm ngoái, một bà mẹ có con đang học lớp 4 tại Hà Nội đã gửi thư xin hạ điểm cho con, khi cô giáo nâng điểm để cháu tiếp tục nhận giấy khen học sinh xuất sắc.

Người mẹ ấy đã viết: “Năm nay con mới chỉ 10 tuổi, học lớp 4. Trước mắt con chặng đường học tập còn rất dài và con sẽ còn phải trải qua nhiều kỳ thi với rất nhiều bài thi nữa còn khó khăn và căng thẳng hơn nhiều. Nếu con được nâng đỡ lần này, con sẽ không rút ra được bài học cho mình, con sẽ không nhớ lỗi sai đã mắc và có thể sẽ lặp lại. Vì vậy, mặc dù rất cảm kích tấm lòng của cô, nhưng bố mẹ con có nguyện vọng muốn xin cô cứ trừ điểm bài đó theo đúng quy định...”.

Có thể những bảng xếp hạng, những lời khen của người ngoài không có dụng ý, nhưng chúng ta đều biết, giáo dục Việt Nam có những điều mà người ngoài sẽ khó “nhìn” ra được.

Nếu quốc tế xếp hạng dựa vào số năm bình quân đi học của người dân, về tỉ lệ sinh viên trên số dân, về số giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ (tất nhiên không có công trình, phát minh gì) thì có lẽ chúng ta cũng thuộc “top” đầu. Nhưng họ sao biết được trào lưu mở trường đại học, cao đẳng ồ ạt, tỉ lệ sinh viên tăng cao, hay những câu chuyện nâng điểm nhận thành tích, học xong ai cũng tốt nghiệp dù không biết có làm việc được hay không… Đó là những chuyện mà các tổ chức bên ngoài khó mà hiểu được.

Có một câu nói rất hay trong trường hợp này: "Ai cũng đều lắng nghe bạn. Bạn bè lắng nghe điều bạn nói. Bạn thân lắng nghe điều bạn không nói". Có lẽ còn lâu, rất lâu nữa nền giáo dục Việt Nam mới có “bạn thân” để hiểu những “điều không nói”.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm