23/07/2017 15:22 GMT+7 | Du lịch
(giaidauscholar.com) - Chỉ sau 30 năm, từ một nước đang phát triển trở thành một nước phát triển, Hàn Quốc ngày một hiện đại đến “chóng mặt” về công nghệ số, kinh tế và đó cũng là điểm tựa để văn hóa của họ giữ được gốc mà vẫn thích ứng với đời sống văn minh.
Và người ta bảo muốn hiểu về người Hàn, xin đừng chỉ “quanh quẩn” ở Seoul. Vì thế, chúng tôi đã có cuộc hành trình xuống phía Nam, đến ngôi hàng Hanok ở Jeonju để khám phá về niềm tự hào của người Hàn với giấy Hanji đã có tuổi đời hơn ngàn năm qua.
Có thể thấy, người Hàn đã sớm khẳng định “chủ quyền” sở hữu của họ với một chất liệu quý đến từ thiên nhiên ngay từ cách gọi Hanji - giấy của người Hàn.
Và khi bước vào khu trưng bày Hanji tại ngôi làng truyền thống Hanok, tôi mới hiểu vì sao người Hàn lại trân trọng nguồn nguyên liệu quý giá này cho đến thời nay.
Từ khi quy trình làm ra giấy ra đời, người Hàn đã sử dụng hanji trong đời sống sinh hoạt hàng ngày một cách “triệt để”: trang phục thường ngày - lễ tết, tủ đựng đồ, chăn, gối, khăn, mũ, dây thừng, thậm chí làm áo giáp trong chiến tranh.
Có chiếc áo, sợi dây thừng được làm từ hanji có tuổi đời trăm năm được tìm thấy một cách khá nguyên vẹn trong quá trình khai quật một lần nữa đã khẳng định về sức sống bền vững của chất liệu này.
Khi tiếp xúc với chất liệu của hanji, có thể cảm nhận hanji cũng như giấy dó của người Việt nhưng hanji được khai thác từ một loại cây họ dâu và mang nhiều đặc điểm ưu việt trong sử dụng như bền, dai và thoáng khí.
Tuy nhiên, để có được độ bền lên đến hàng ngàn năm, những “công nhân” làm giấy đã phải thực hiện hàng trăm công đoạn “chế biến”, từ khi trồng cây, thu hoạch cây, đun các thân cây trong nước sôi nhiều giờ, đập dập cho mềm để tách giữa thân và vỏ để lọc màu, phơi khô rồi lại đun và phơi, xé sợi, nghiền ra bột.
Công đoạn quan trọng nhất là sau khi pha bột vào nước có hồ (mủ), người làm dùng những khuôn gỗ gạn, lắng bột trên khuôn để hình thành nên những tấm giấy mỏng đều. Cuối cùng là nhuộm màu, phơi khô.
Cho đến nay, truyền thống làm giấy của người làng Hanok vẫn được duy trì theo hình thức kết hợp giữa máy móc và thủ công. Tuy nhiên, giá trị của cách làm thủ công vẫn được tôn trọng ở những khâu quan trọng nhất là tạo lớp giấy bằng tay.
Bởi vì, độ bền của giấy được làm từ máy chỉ có thời hạn khoảng 500 năm, trong khi nếu làm bằng tay, sẽ là 1000 năm. Chưa kể, làm bằng máy sẽ khiến giấy bị dày gấp 4 lần so với làm bằng tay.
Có trải nghiệm công đoạn làm giấy bằng tay, cũng mới thấy người làm giấy không chỉ cần có sức khỏe tốt để điều khiển cả một tấm khuôn to bằng gỗ mà còn cần cả sự khéo léo để tạo được lớp giấy mỏng và đều ngay trong nước.
Vì thế, công nghệ chỉ được ứng dụng trong công đoạn làm khô giấy. So với thời cổ, người ta phải phơi giấy trên đá hay trên mặt gỗ thì nay, đã có máy sấy khô. Theo đó, chỉ mất khoảng 20 phút đưa giấy lên máy sấy là 1tờ hanji đã ra lò.
Tại Hàn Quốc, hanji được sản xuất ở nhiều nơi nhưng Jeonju hiện là nơi được nhà nước tạo điều kiện nhất để duy trì nghề truyền thống này bằng cách khuyến khích các hộ dân trồng cây dâu.
Tuy nhiên, nhà nước tôn trọng quyết định có hay không việc gìn giữ nghề truyền thống của từng gia đình.
Vì thế, theo chia sẻ của ông Kim Han Sup – một người đã có 46 năm theo nghề làm hanji thì giờ đây, chỉ có truyền thống gia đình là ngọn lửa tình yêu duy nhất khiến mỗi thành viên trong gia đình có muốn theo nghề hay không.
“Dù bao năm qua, tôi vẫn sống được bằng nghề này, gia đình cũng có các con theo nghiệp nhưng chỉ là đủ sống chứ không dư dả. Đây là một công việc khá vất vả mà cuộc sống hiện nay lại có nhiều cơ hội việc làm nên thật khó để nói làm hanji là một sự lựa chọn hấp dẫn đối với thế hệ trẻ bây giờ”– ông Kim bày tỏ.
Vì thế, đời sống của hanji ngày nay có nhiều biến động. Bên cạnh giá trị truyền thống: được sử dụng để dán cửa sổ của ngôi nhà hay làm áo liệm hanji, khi kết hợp với những chất liệu khác như hài nhựa của trẻ em, hoa khô... đã làm thành tranh, chao đèn, bộ sưu tập thời trang, cravat, ví, khăn tay hay những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt, trở thành những món quà lưu niệm xinh xắn.
Song, Jeonju với lợi thế là “thủ phủ” của những ngôi làng cổ hanok cũng đã biết cách đem đến cuộc sống trải nghiệm di sàn “toàn tập” cho du khách khi “đặt” họ vào trong những ngôi nhà hanok luôn thơm phức mùi gỗ thông, để họ sinh hoạt như người Hàn, có khoảng không gian thực hành làm hanji như nghệ nhân và đem sản phẩm về tận nhà.
Ngoài ra, hanji còn đóng góp nhiều trong các sáng tạo nghệ thuật của các họa sĩ, các nhà thiết kế thời trang và các nhiếp ảnh gia.
Cùng xem ông Kim Han Sup giới thiệu cách làm hanji:
Yến Thảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất